Trước thềm hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu, các nhà khoa học hàng đầu về khí hậu đã đưa ra một bản báo cáo chi tiết về những ảnh hưởng xấu của sự biến đổi khí hậu tới Trái đất. Đồng thời, bản báo cáo có tên Copenhagen Diagnosis, cũng yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Suriya Begum, một phụ nữ 18 tuổi bế con bên căn lều lụp xụp. Ngày càng có nhiều người dân chuyển tới thành phố hòng có được cơ hội sống tốt hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ảnh chụp ngày 24/8/2009 tại Bangladesh - Ảnh: AFP/Getty Images |
Tiến sĩ Andrew Weaver, nhà khí tượng học tại Trường Đại học Victoria (Úc), cho biết các nhà lãnh đạo thế giới cần cam kết đưa ra những nghị định mang tính pháp lý nhằm giảm lượng khí thải vào môi trường. Nếu không, thế giới sẽ phải nói lời “tạm biệt” với mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C – một mức có thể chấp nhận được, trong thế kỷ này.
Tiến sĩ Weaver và 25 đồng nghiệp đến từ các trung tâm dự báo khí hậu ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Úc cho rằng bản báo cáo của họ như là một cuốn sách khoa học tổng quát về biến đổi khí hậu dành cho các đại biểu từ 192 quốc gia trên thế giới tại hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu do Liên hợp quốc tổ chức ở Copenhagen (Đan Mạch) vào 7/12 này.
"Họ cần biết sự thật không mấy khả quan về sự nóng lên toàn cầu và những hiểm họa không thể đoán trước được do hiện tượng này gây ra", Tiến sĩ Hans Joachim Schellnhuber, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Đức về thay đổi toàn cầu và là đồng tác giả của bản báo cáo này, nói.
Từ những bằng chứng được đưa ra về tác động do biến đổi khí hậu từ vùng Bắc cực đến vùng Amazon, báo cáo cho biết sự biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn chúng ta nghĩ và yêu cầu phải có những hành động cấp bách để giảm lượng khí thải CO2.
Nếu lượng khí thải tiếp tục tăng như hiện nay, bản báo cáo này dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 4 đến 7 độ C vào năm 2100. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, còn người và tất cả các hệ sinh thái trên Trái đất sẽ phải đối mặt hưởng sâu sắc bởi những hậu quả do hiện tượng biến đổi khí hậu.
Phần lớn tác giả của bản báo cáo mới này cũng chính là các tác giả trong bản báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) được Liên hợp quốc đưa ra vào năm 2007. Báo cáo của IPCC đã cảnh báo về sự biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó. Bản báo cáo mới này được cập nhật từ bản báo cáo IPCC.
Để chứng minh cho sự biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với dự kiến, bản báo cáo Copenhagen Diagnosis đã đưa ra những số liệu về tốc độ băng tan chảy ở Bắc cực. Cụ thể, từ năm 2007 đến 2009, tốc độ băng tan chảy ở đây cao hơn 40% so với tốc độ được dự đoán trong bản báo cáo của IPCC.
Mực nước biển cũng tăng thêm 5cm trong vòng 15 năm qua, cao hơn 80% so với mức tăng dự kiến. Các nhà khoa học cảnh báo mực nước biển có thể tăng thêm 1m vào năm 2100. Nếu điều này xảy ra, thì hơn 160 triệu người sẽ phải tìm một nơi ở mới.
Năm 2008, lượng khí CO2 thải ra từ những nguyên liệu hóa thạch cao hơn 40% so với năm 1990, cho dù các hội nghị quốc tế hằng năm vẫn đưa ra những mục tiêu, hứa hẹn về việc cắt giảm lượng khí CO2 thải vào môi trường. Cuối cùng, bản báo cáo khuyến nghị khí thải toàn cầu cần được cắt giảm hơn nữa để tránh những ảnh hưởng tồi tệ nhất do sự biến đổi khí hậu gây ra.
"Cần sớm tạo ra một bước ngoặt cho vấn đề biến đổi khí hậu”, các nhà khoa học nói. “Để giữ khí hậu toàn cầu ở mức ổn định, nhất thiết phải giảm lượng khí thải CO2 và khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thế kỷ này”.
Bản báo cáo cũng kêu gọi các chính phủ hãy ủng hộ kế hoạch yêu cầu các nước phát triển phải thực hiện mục tiêu cắt giảm lượng khí thải xuống dưới 25% và hỗ trợ các nước đang phát triển nỗ lực hơn nữa trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính để giảm thiểu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.
(Theo VietNamNet /Canada.com)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com