Một loài cá mập nhỏ ở Thái Bình Dương đã phát triển cách thức đặc biệt để tự bảo vệ mình khỏi kẻ săn mồi.
Ảnh: minh họa - Internet |
Nghiên cứu chi tiết đầu tiên về loài cá mập đèn lồng (tên khoa học là Etmopterus spinax) ở sâu dưới Thái Bình Dương cho thấy, loài cá này không chỉ có khả năng phát sáng trong bóng tối, mà hiệu ứng ánh sáng đó còn tạo ra một chiếc áo choàng khiến nó vô hình trước kẻ săn mồi.
Nghiên cứu được đăng trên chuyên san Journal of Experimental Marine Biology and Ecology cũng lần đầu tiên ghi nhận sự hiện diện của loài cá mập hình trụ này trong vùng biển quanh đảo Okinawa của Nhật. Trước đó, nó chỉ được phát hiện ở phía đông biển Đông, ngoài khơi đảo Đài Loan và các vùng biển phía nam Nhật Bản.
Màn trình diễn ánh sáng tự nhiên của nó, được tạo ra bởi các bộ phận phát sáng được gọi là photophore, thực hiện rất nhiều chức năng. Áo choàng vô hình có lẽ là một trong những chức năng có lợi nhất vì nó giúp bảo vệ loài cá mập nhỏ này khỏi những kẻ săn mồi ở bên dưới.
Julien Claes, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Phòng Thí nghiệm sinh học biển thuộc Đại học Louvain (Bỉ) và là trưởng nhóm nghiên cứu, nói với trang tin Discovery: “Các photophore thay thế ánh sáng chiếu xuống từ mặt trời, vốn được cơ thể cá hấp thụ, do vậy, bóng của loài cá này biến mất khi nhìn từ dưới lên”.
Claes và các cộng sự đã tiến hành phân tích và phát hiện mỗi con cá có 9 vùng phát sáng riêng biệt. Một số vùng như vùng trên bụng góp phần tạo hiệu ứng áo choàng vô hình. Một số vùng thậm chí sáng hơn hiện diện trên các bộ phận giao cấu, sườn, đuôi và vây ngực của cá. Các nhà nghiên cứu dự đoán chúng có thể được sử dụng trong quá trình kết đàn và giao tiếp giao phối.
Theo Claes, cá mập là loài thụ tinh nội nên sự hiện diện của các photophore trên các cơ quan giao cấu có thể giúp ích cho quá trình này.
Ngoài ra, đó có thể là một cách để cá phát đi tín hiệu rằng nó đã sẵn sàng cho giao phối hoặc chúng là ứng viên sinh sản tốt hơn trong một hệ thống chọn lựa bạn tình trên cơ sở ánh sáng. Các nhà khoa học tin rằng, các dây thần kinh và hormone chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát ánh sáng. Các sắc tố cũng di chuyển trong tế bào như một phần của quá trình này.
Khả năng phát quang có lẽ đã tiến hóa khi cá mập phát sáng thống lĩnh vùng biển sâu vào cuối kỷ Bạch phấn, cách đây chừng 65-75 triệu năm. Cá mập phát sáng rực rỡ này ngày nay sống ở độ sâu 0,2 - 1 km dưới mực nước biển, nơi có mức ánh sáng cực thấp.
Trước đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu một loài khác thuộc họ cá mập này và cũng phát hiện ra các vùng sáng và đặc điểm tương tự khác. Do đó, có thể phỏng đoán rằng khả năng phát sáng ở loài này đã tiến hóa rất lâu trước khi tách nhánh cách đây ít nhất 31,55 triệu năm. Thậm chí có khả năng nhiều loài động vật biển tiền sử khác cũng có thể phát sáng trong bóng tối.
“Đáng tiếc bộ phận phát quang chỉ là một mô mềm nên không thể để lại, hoặc cực ít, dấu tích hóa thạch. Do vậy, rất khó khẳng định liệu các loài tiền sử khác có thể phát sáng hay không nhưng khả năng này có thể xảy ra dưới lòng biển sâu vì phát quang sinh học rất phổ biến trong môi trường này”, Claes nói.
(Theo Khang Huy // Thanh Niên)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com