Các nhà khoa học Đức đang tập trung cho công trình nghiên cứu lấy lại một phần ánh sáng cho người mù bằng việc cấy ghép một vi mạch với mắt điện tử vào võng mạc của người bệnh. Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trường Đại học Tuebingen thuộc bang Baden Wuettemberg của Đức đã giúp người mù có thể đọc được chữ in và nhận biết các đồ vật xung quanh nhờ ký thuật độc đáo nói trên.
Kỹ thuật này bao gồm việc cấy ghép vào võng mạc người bệnh một con chip rất nhỏ, kích thước khoảng 3x3mm có chứa 1.500 tế bào nhận biết hình ảnh và mỗi ca vi phẫu như vậy chỉ kéo dài trong 4 giờ.
Nhờ phương pháp này, một bệnh nhân người Phần Lan có tên là Miika đã cải thiện được thị lực một cách đáng kể đến mức anh tưởng như mình không còn bị mù nữa.
Ông Eberhart Zrenner, trưởng nhóm nghiên cứu, nói rằng với sự trợ giúp của bộ phận quang học mới, anh Miika 45 tuổi hầu như đã vượt qua được ranh giới của một người mù trở thành một người sáng mắt.
Ông Eberhart Zrenner cho biết, trong trường hợp thử nghiệm đầu tiên này, nhìn chung cơ thể người bệnh chấp nhận bộ phận kỹ thuật mới rất tốt và chưa thấy một vấn đề nghiêm trọng nào xuất hiện như viêm nhiễm. Tuy nhiên, đây mới là trường hợp thử nghiệm đầu tiên và con chip đã được gỡ bỏ sau vài tuần theo yêu cầu của Hội đồng y tế của trường đại học.
Ông Eberhart Zrenner, người đã thành lập công ty Retina Implant (cấy ghép võng mạc), nói với báo chí rằng trong năm 2010, nhóm nghiên cứu của ông sẽ tiếp tục thử nghiệm đối với 20 bệnh nhân khác với loại chip này và có thể sẽ gắn vĩnh viễn trong võng mạc sau khi đã theo dõi kỹ lưỡng.
Ông Eberhart Zrenner hy vọng thành công của công trình nghiên cứu tiên phong này sẽ mở ra tương lai lớn cho những người mù trên thế giới./.