Điều cần nói trước tiên là trận động đất xảy ra ở Christchurch, New Zealand hôm 4/9 vừa qua giống hệt với trận động đất đã tấn công vào Haiti hồi tháng 1 năm nay. Cả hai trận động đất đều mạnh 7 độ richter và đều xảy ra tại vết nứt gần trung tâm dân cư chính.
Nhưng sự tương đồng chấm dứt ở đó. Các báo cáo về trận động đất ở Christchurch gần như là kỳ diệu: Dẫu rằng thành phố này đã bị tàn phá trên diện rộng nhưng không một ai trong số gần 400.000 dân cư của thành phố thiệt mạng. Ngược lại, Port-au-Prince, thủ đô của Haiti không chỉ bị san phẳng mà gần 250.000 dân cư thành phố đã thiệt mạng. Và gần 8 tháng sau, những hậu quả của trận động đất hồi tháng 1 vẫn còn hiện hữu.
Có 2 lý do chính cho sự tương phản trong sự việc này: may mắn và sự sẵn sàng.
Trước tiên, hãy nhìn gần hơn vào 2 trận động đất để thấy một sự khác biệt quan trọng về mặt địa chất. Tâm chấn trong trận động đất ở Haiti chỉ cách thủ đô Port-au-Prince 16 dặm trong khi tâm chấn của trận động đất ở Christchurch lại cách đó hơn 30 dặm.
Động đất tàn phá thành phố Christchurch, New Zealand
"Những sóng địa chấn chỉ như những sóng âm thanh. Sự chuyển động mạnh mẽ của mặt đất đã bị triệt tiêu ở khoảng cách đó", Peter Yanev, một kỹ sư về cấu trúc thuộc tổ chức Giải pháp nguy hiểm quốc tế có trụ sở ở California, Mỹ nói.
Ông Yanev cho biết thêm, thậm chí cả khi thành phố Christchurch được xây trên một nền đất yếu có thể khuyếch đại những rung lắc trong khi động đất xảy ra thì phần lớn năng lượng địa chấn tồi tệ nhất cũng đã bị tiêu tan khi nó tới được trung tâm thành phố.
Người dân New Zealand cũng cực kỳ may mắn bởi họ đã ở nhà, ngủ trong những ngôi nhà được xây dựng theo những quy chuẩn nghiêm ngặt của quốc gia khi trận động đất xảy ra vào hồi 4h35' sáng giờ địa phương.
"Những tòa nhà cũ kỹ trong thị trấn là những nơi đầu tiên chịu tác động của động đất, như những gì chúng ta nhìn thấy trong các bức ảnh. Có một sự may mắn là người dân đã không có ở quanh đó khi những lan can rơi khỏi các tòa nhà", ông Yanev nói.
Và tất nhiên, còn có những quy chuẩn của riêng các tòa nhà. Nằm giữa vùng kiến tạo Úc và Thái Bình Dương, New Zealand rất có kinh nghiệm về những trận động đất mạnh và gây tổn thất. Chính vì vậy, chính phủ nước này đã tạo ra một quy định là tất cả những tòa nhà hiện đại đều phải được xây dựng đủ sức chống đỡ với những rung lắc mạnh.
Ở Haiti, những quy chuẩn trên không có.
Đương nhiên, nền tảng kinh tế cũng ảnh hưởng nhiều. New Zealand là quốc gia phát triển hơn nhiều so với Haiti. Nhưng ông Yanev cho rằng, thậm chí ở những khu vực luôn có sự sẵn sàng phòng bị thì câu chuyện thành công của Christchurch cũng không nên đem đến sự chủ quan.
Trong tương lai, những trận động đất mạnh hơn trận động đất vừa xảy ra ở New Zealand sẽ tấn công vào vết nứt San Andreas ở nam California, Mỹ; vết nứt Heyward ở vùng vịnh San Francisco cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới. Tâm chấn của những trận động đất này sẽ gần các trung tâm thành phố hơn và các rung lắc do động đất gây ra thậm chí có thể vượt quá sức chống đỡ của các tòa nhà.
Kịch bản ở đây, thật không may, lại không phải là một câu hỏi "nếu", mà là "khi nào".