NASA vừa được giao nhiệm vụ đưa người lên thiên thạch trong một sứ mệnh được cho là có thể cứu giúp nhân loại
Việc đưa người lên mặt trăng đã là một thành tựu khổng lồ. Giờ đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama giao cho Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) một nhiệm vụ thậm chí còn khó khăn hơn theo đúng kiểu của Hollywood: Đưa người lên thiên thạch - một tảng đá khổng lồ di chuyển ở tốc độ cao - trong vòng 15 năm tới.
Sứ mệnh quan trọng
Theo kế hoạch vừa được Tổng thống Obama phác thảo cho NASA, Mỹ dự kiến sẽ có tàu không gian mới được thiết kế cho những sứ mệnh xa hơn trên không gian, bắt đầu bằng việc đưa phi hành gia lên thiên thạch lần đầu tiên trong lịch sử vào năm 2025 rồi sau đó là sứ mệnh sao Hỏa vào giữa thập niên 30 của thế kỷ này. Giám đốc NASA Charles Bolden thừa nhận với hãng tin AP: “Đây thật sự là nhiệm vụ khó nhất mà chúng tôi có thể làm”.
Sứ mệnh đưa người lên thiên thạch trong vòng 15 năm tới của NASA có thể giúp trái đất tránh được nguy cơ va chạm với thiên thạch. Ảnh: DAILY MAIL |
Các chuyên gia không gian cho rằng việc đưa người lên thiên thạch có thể giúp giải mã những bí mật về sự hình thành của Thái Dương hệ. Ngoài ra, một sứ mệnh thiên thạch có thể mang đến sự huấn luyện quan trọng cho sứ mệnh sao Hỏa về sau này. Ông Ed Crawley, giáo sư về ngành du hành vũ trụ tại Viện Công nghệ Massachussetts (MIT), nhận định: “Nếu con người không thể đến được những vật thể gần trái đất, họ sẽ không thể đến được sao Hỏa”.
Quan trọng hơn cả, một sứ mệnh như thế có thể giúp con người biết được cách thức làm được điều mà cho đến nay chỉ mới xuất hiện trong phim ảnh: giúp trái đất tránh được một vụ va chạm thảm họa có thể xảy ra với thiên thạch. Ông Bill Ney, phó chủ tịch Hiệp hội Hành tinh, nhận định: “Đây là một sứ mệnh có thể cứu giúp nhân loại. Vì thế, nó thật sự đáng để tiến hành”.
Nhiều khó khăn, rủi ro
Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh một nhóm nhà khoa học, kỹ sư và cựu phi hành gia của NASA đang họp bàn về kế hoạch bảo vệ trái đất khỏi nguy cơ va chạm với thiên thạch hoặc sao chổi. NASA đã ghi nhận được gần 7.000 vật thể gần trái đất. Trong số này, 1.111 vật thể được xem là những thiên thạch “có khả năng gây nguy hiểm”. Các chuyên gia vẫn chưa nghĩ đến một thiên thạch cụ thể nào cho sứ mệnh nói trên dù đang có vài chục ứng cử viên tiềm tàng. Hầu hết thiên thạch này nằm cách trái đất khoảng 8 triệu km, xa gấp 20 lần khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng và có đường kính chưa đến 0,4 km.
Các chuyên gia không gian cho rằng sứ mệnh đưa người lên thiên thạch có thể kéo dài hơn sứ mệnh lên mặt trăng vài tháng.Trong lúc tàu Apollo 11 chỉ mất 8 ngày để lên mặt trăng và quay về trái đất vào năm 1969 thì ông Crawley ước tính rằng một sứ mệnh thiên thạch có thể kéo dài khoảng 200 ngày (tính cả thời gian đi và về).
Ngoài ra, những rủi ro mà sứ mệnh gặp phải cũng nhiều hơn. Chẳng hạn, nếu sứ mệnh bị hủy bỏ trong tình trạng khẩn cấp, con người sẽ bị mắc kẹt trên không gian trong nhiều tuần. Vì thế, theo ông Crawley, sứ mệnh này đòi hỏi công nghệ đẩy lá chắn phóng xạ và công nghệ hỗ trợ sự sống mới để cho phép phi hành gia ở lại trên không gian trong thời gian lâu hơn.
Bên cạnh đó, do thiên thạch không có trọng lực nên tàu không gian không thể đáp an toàn xuống bề mặt của nó mà có thể sẽ nảy lên khỏi bề mặt. Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Don Yeomans, quản lý chương trình vật thể gần trái đất của NASA, là để tàu không gian lảng vảng gần thiên thạch, rồi phi hành gia sẽ đi bộ ngoài không gian để xuống bề mặt của nó. Ngoài ra, NASA cần phải nghĩ ra được cách giúp phi hành gia đi bộ được trên bề mặt thiên thạch.
(Theo Phương Võ // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com