Các nhà khoa học đã có bằng chứng về nguồn gốc của những ngôi sao từ kỳ lạ - loại sao có từ trường mạnh đến mức đủ để ép bất kỳ ai đứng gần thành bánh có độ dày 1 nguyên tử, và quét 1 tấm danh thiếp từ trái đất đi nửa đường tới mặt trăng.
Tiến sĩ Bryan Gaensler, thuộc Trung tâm vật lý thiên thể Harvard-Smithsonian ở Mỹ, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết dường như loại sao này ra đời khi những ngôi sao khổng lồ bùng nổ. Ông cũng tin rằng nghiên cứu có thể đảo lộn cách nhìn của chúng ta về quá trình hình thành lỗ đen.
Nhóm nghiên cứu đã liên hệ sao từ IE 1048.1-5937, nằm cách chúng ta khoảng 9.000 năm ánh sáng trong chòm sao Carina thuộc dải Ngân hà, với một bóng khí hydro khổng lồ.
Gaensler kết luận bóng khí này là tàn tích của một ngôi sao cực lớn, kích thước gấp 30 - 40 lần mặt trời, từng bùng nổ để hình thành ngôi sao từ nói trên.
Phát hiện sẽ giúp trả lời điều bí ẩn rằng tại sao một số loại sao đặc biệt khi bùng nổ lại cho ra nhiều dạng vật thể như thế.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn cho rằng các pulsar - một dạng sao neutron, giải phóng sóng radio năng lượng thấp - được tạo ra khi những ngôi sao lớn gấp 10 lần mặt trời bùng nổ. Trong khi đó, sao từ - phun ra những luồng tia X hoặc tia gamma năng lượng cao - là sản phẩm của những ngôi sao cùng kích cỡ với loại sao đã sinh pulsar. Sau cùng, bất cứ thứ gì lớn gấp 20 lần mặt trời khi suy tàn sẽ để lại một lỗ đen.
Nhưng nay, ranh giới này đã được nới rộng. Nếu một ngôi sao lớn gấp 40 lần mặt trời sụp đổ tạo ra một sao từ, thì các lỗ đen chắc chắn phải được hình thành từ những vật thể lớn hơn rất nhiều, có thể gấp 100 lần kích cỡ mặt trời.
Nếu điều này là đúng, có thể số lượng lỗ đen sẽ ít hơn nhiều so với chúng ta tưởng, vì các ngôi sao quá lớn là rất hiếm hoi.
T. An
(Theo ABConline)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com