Đó là tác dụng của bộ kết nối kính hiển vi với máy vi tính. Nhờ đó, nhiều học sinh có thể cùng lúc quan sát hình ảnh qua kính hiển vi và trao đổi với giáo viên hướng dẫn
Ban đầu, bộ kết nối kính hiển vi với máy vi tính được dùng để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, nay đã được sử dụng tại 187 trường học, bệnh viện trên cả nước. Đây là kết quảtừ nghiên cứu của giảng viên Nguyễn Hướng Việt, Khoa Điện tử - Viễn thông của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM.
Giảng viên Nguyễn Hướng Việt (X) đang hướng dẫn sử dụng bộ kết nối tại một bệnh viện
Bộ kết nối này bao gồm những thiết bị vốn sẵn có ở các trường học và bệnh viện như kính hiển vi, máy tính, camera quan sát..., cùng phần mềm hỗ trợ và một số công cụ do chính thầy Việt thiết kế. Mẫu vật quan sát được qua kính hiển vi, camera sẽ được kết nối với máy tính thông qua cổng USB và thể hiện trên màn hình máy tính hoặc gắn máy chiếu để đưa hình ảnh này phóng lên bảng, màn hình lớn. Trường hợp không có kính hiển vi, chỉ cần camera và lens cũng cho được độ phóng đại lên hơn 100 lần. Chính vì thế mà bộ kết nối này đã giúp bác sĩ dễ dàng quan sát và chẩn đoán bệnh chính xác hơn,thuận tiện hơn trong việc lưu hình ảnh trong hồ sơ bệnh án.
Với một kính hiển vi có vật kính 100, thị kính 10 sẽ cho độ phóng đại lên 1.000 lần nhưng khi lắp thêm bộ kết nối này vào, độ phóng đại được nhân lên đến 3.000 lần. Điều này cho phép quan sát rõ những mẫu vật có kích thước cực nhỏ. Nhờ vậy, thay vì chỉ một người quan sát được hình ảnh qua kính hiển vi thì giờ đây, nhiều học sinh có thể quan sát cùng lúc và trao đổi với giáo viên hướng dẫn, giúp cho việc học tập và nghiên cứu thuận lợi hơn rất nhiều.
Nhận xét về hiệu quả của bộ kết nối này, ông Phạm Quốc Việt, Phòng Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, nói: “Nhờ bộ kết nối này, người trực tiếp làm việc trên kính hiển vi đỡ mỏi mắt hơn do không phải nhìn trực tiếp vào kính hiển vi mà chỉ cần nhìn vào màn hình máy tính. Chức năng nhân độ phóng đại và việc lưu lại kích thước mẫu vật cũng chính xác hơn so với việc đưa máy hình vào thị kính của kính hiển vi để chụp lại”.
Cuối tháng 7 này, bộ kết nối kính hiển vi với máy vi tính của thầy Nguyễn Hướng Việt sẽ được chuyển giao cho một số trường học tại Lào.
Chi phí chỉ 5-10 triệu đồng “Nghiên cứu của giảng viên Nguyễn Hướng Việt cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của các phòng thí nghiệm. Ưu điểm nổi bật là chi phí để thực hiện thấp hơn khoảng 20 lần so với các thiết bị ngoại nhập có cùng mục đích”- thạc sĩ Phạm Văn Phúc, Phó PhòngNghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, nhận xét. Giảng viên Nguyễn Hướng Việt cho biết sẵn sàng lắp đặt và chuyển giao cho bất cứ trường học và bệnh viện nào có nhu cầu, chỉ cần hỗ trợ chi phí đi lại và lắp đặt, huấn luyện... trong khoảng 5 triệu đồng/trường học hoặc 10 triệu đồng/bệnh viện. |
(Bài và ảnh: Kiều Chung // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com