Theo một nghiên cứu mới, điểm cực từ Bắc của Trái Đất đang bị dịch về phía nước Nga khoảng 60 km mỗi năm do sự thay đổi trong lõi hành tinh gây ra.
Dữ liệu mới nhất vừa được phân tích cho thấy, có một vùng từ tính đang thay đổi rất nhanh trên mặt ngoài của lõi Trái Đất, có khả năng nó được tạo ra từ một khu vực từ tính bí ẩn nào đó nằm sâu hơn trong lõi.
Arnaud Chulliat, nhà địa vật lý ở Viện vật lý địa cầu Paris, Pháp, cho biết, đây có thể là nguyên nhân đang kéo cực bắc đi xa hơn vị trí vốn có của nó ở phía Bắc Canada.
Cực từ của Trái Đất đã thay đổi khá nhiều kể từ lần đầu tiên xác định được nó vào năm 1831.
Cực từ Bắc, nơi mà mọi kim là bàn đều chỉ tới nhưng chính xác thì nó không phải ở Bắc Cực theo địa lý như nhiều người vẫn tưởng. Hiện tại cực từ này không còn ở đảo Ellesmere, Canada như lần đầu nó được xác định.
Lần đầu tiên các nhà khoa học xác định được vị trí của cực từ Bắc là vào năm 1831. Đến năm 1904, nó đã thay đổi theo hướng Đông bắc với tốc độ khá đều đặn khoảng 15 km mỗi năm.
Năm 1989, nó lại di chuyển thêm một lần nữa và vào năm 2007, các nhà khoa học đã xác nhận rằng cực từ Bắc đang dịch chuyển theo hướng Siberia, Nga với tốc độ 55 - 60 km mỗi năm.
Các nhà hàng hải đã sử dụng cực từ Bắc trong suốt nhiều thế kỷ để định hướng khi họ đã ở quá xa các mốc địa lý mà họ vẫn dùng để nhận biết.
Ngày nay, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) đã thay thế hầu hết thiết bị truyền thống, nhưng nhiều người vẫn thường phải dùng đến la bàn để định hướng như trong các trường hợp ở dưới mặt nước hay dưới mặt đất nơi mà không thể liên lạc được với các vệ tinh GPS.
Sự thay đổi nhanh chóng của cực từ Trái Đất có nghĩa là chúng ta phải cập nhật bản đồ từ trường thường xuyên hơn để cho phép những người sử dụng la bàn có thể định hướng chính xác dựa trên cực từ.
(Theo Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com