Trong một bài báo đăng trên tạp chí "Vật liệu sinh học" (Biomaterials) số ra gần đây, các nhà khoa học tại trường Đại học Michigan (Mỹ) công bố họ đã thành công trong việc tạo ra tủy xương có thể sản sinh liên tục hồng cầu và bạch cầu.
Thành công này góp phần đơn giản hóa các thử nghiệm thuốc, tạo thuận lợi cho các nghiên cứu về khiếm khuyết trong hệ thống miễn dịch và giúp cho việc cung cấp máu liên tục cho các cuộc truyền máu.
Nhà khoa học chủ trì công trình nghiên cứu trên, ông Nicholas Kotov cho biết tủy xương nhân tạo này được phát triển trên một giàn giáo ba chiều có thể bắt chước các mô hỗ trợ tủy xương trong cơ thể.
Tủy xương này không được tạo ra để cấy vào cơ thể mà chỉ để thực hiện chức năng trong các thí nghiệm. Tuy nhiên, nhà khoa học Kotov cho biết đây là thành công đầu tiên trong việc tạo tủy xương.
Thực thể nhân tạo này có hai chức năng cần thiết nhất của tủy xương, đó là khả năng tái tạo tế bào máu và sản sinh tế bào B. Các tế bào máu làm tăng lượng máu cũng như nhiều dạng tế bào khác.
Trong khi đó, các tế bào B - một dạng bạch cầu- giúp con người chống chọi với các bệnh cảm cúm, nhiễm khuẩn và "chiến đấu" với các tế bào lạ và bất thường, bao gồm cả các tế bào ung thư.
Để xác định liệu thực thể này có hoạt động giống như tủy xương thực thụ hay không, các nhà khoa học đã cấy nó vào một con chuột bị hỏng chức năng miễn dịch. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi con chuột thí nghiệm đã sản sinh tế bào miễn dịch ở người và các mạch máu cũng phát triển nhờ tủy xương cấy ghép này.
Cho đến nay, các thuốc điều trị ung thư đang được sử dụng trên thế giới có thể làm suy giảm nghiêm trọng chức năng của tủy xương người bệnh, khiến cho họ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn.
Tủy xương nhân tạo có thể cho phép các nhà khoa học thử nghiệm những loại thuốc chống ung thư mới sẽ tác động thế nào đến chức năng của tủy xương để giảm thiểu tác dụng phụ của nó trước khi tiến hành thử nghiệm ở người./.