NASA cho biết cú “bỏ bom” của tên lửa và vệ tinh xuống Mặt trăng sáng ngày 9/10 thành công, tạo ra đủ bụi để cho các nhà khoa học xác định xem liệu có nước trên Mặt trăng hay không.
Sáng 9/10, NASA đã cho đâm tên lửa Centaur và vệ tinh Cảm ứng và quan sát miệng núi lửa Mặt trăng (LCROSS) vào bề mặt Mặt trăng, trong một sứ mệnh tốn kém 79 triệu USD. NASA đã cho phát hình trực tiếp về LCROSS khi nó đâm xuống gần cực nam của Mặt trăng.
Ít phút trước cú va chạm, vệ tinh đã dẫn đường một tên lửa đâm xuống bề mặt Mặt trăng trước nhằm tạo ra đủ bụi để LCROSS tìm kiếm xem có nước trong đất của Mặt trăng hay không.
Hình ảnh đầu tiên về Mặt trăng do LCROSS chụp ngày 9/10 được NASA công bố. |
Tầng trên của tên lửa đâm xuống Mặt trăng ngay sau 7h30 sáng (giờ Mỹ) và vệ tinh lao xuống sau đó 4 phút với các máy quay chụp ảnh về vụ va chạm đầu tiên.
Nhưng một vụ “mưa bụi đất” như mọi người mong đợi đã không xảy ra. Màn hình bị nhiễu và hiện chưa có bức ảnh nào về vụ va chạm. Không có cột khói bụi cao tới 10km bốc lên như người ta dự đoán trước đó. Hầu hết các bức ảnh NASA công bố trong cuộc họp báo sau đó là trước khi xảy ra vụ va chạm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học NASA vẫn rất vui và gọi vụ “bỏ bom” là một thành công. “Chúng tôi đã có dữ liệu cần thiết để cuối cùng có thể trả lời được câu hỏi chúng tôi đã đặt ra”, Anthony Colaprete, điều tra viên chính của sứ mệnh LCROSS cho hay.
Tuy nhiên, giám đốc dự án LCROSS Dan Andrews nói sẽ phải mất một thời gian để phân tích tất cả các dữ liệu vệ tinh thu được và đưa ra kết luận liệu nước có tồn tại trên Mặt trăng hay không. Nhưng ông cũng lạc quan cho biết “vệ tinh thăm dò đã trình diễn rất ngoạn mục”.
(Theo Dân trí)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com