Một kỷ nguyên mới trong lịch sử chinh phục không gian vừa mở ra sau khi Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận vụ công phá mặt trăng để tìm nước vào tháng trước đã thành công.
Bụi bốc lên trong vụ công phá mặt trăng ngày 9/10. Ảnh: AP.
Ngày 9/10, tàu vũ trụ của NASA phóng một tên lửa nặng 2.200 kg xuống hố Cabeus (có đường kính 100 km) ở cực nam mặt trăng. Tác động của vụ nổ có thể hất tung mọi tinh thể băng tồn tại bên dưới mặt đất. Sau đó một tàu vũ trụ khác đưa thiết bị thăm dò xuống vị trí vụ nổ để xem có tinh thể băng bắn ra hay không. Vụ nổ tạo ra một hố có đường kính 20-30 m.
NASA hy vọng vụ nổ có thể tạo nên một cột bụi cao khoảng 10 km. Với độ cao như thế con người có thể quan sát cột bụi từ trái đất bằng kính thiên văn. Trên thực tế cột bụi khí nhỏ hơn nhiều so với dự kiến (chỉ cao khoảng 1,6 km). Mặc dù vậy, thiết bị thăm dò vẫn phát hiện ra hơi nước, tinh thể nước đóng băng, phân tử OH (chỉ xuất hiện khi phân tử nước bị phá vỡ bởi ánh sáng mặt trời).
Theo BBC, các nhà khoa học chịu trách nhiệm nghiên cứu dữ liệu mà thiết bị thăm dò gửi về nhận thấy trong đám bụi bốc lên từ vụ nổ có nhiều tinh thể băng và hơi nước.
“Chúng tôi đã tìm thấy nước trên mặt trăng. Không phải một chút nước đâu, mà rất nhiều”, Anthony Colaprete, trưởng nhóm chuyên gia tìm kiếm nước trên mặt trăng, tuyên bố.
Colaprete cho biết, vụ công phá hồi tháng trước đã làm bắn ra ít nhất 94,5 lít nước. Trong khi đó BBC nói rằng lượng nước trong đám bụi lớn hơn 100 kg.
Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng kết quả mà họ vừa công bố mới chỉ là dữ liệu ban đầu. Sẽ có thêm nhiều nghiên cứu được tiến hành để xác định lượng nước trong hố Cabeus.
Một số chuyên gia về chính sách vũ trụ cho rằng sự tồn tại của nước khiến mặt trăng đáng nhận được sự quan tâm trở lại của chính quyền Mỹ. Nếu mặt trăng có nhiều nước, các nhà khoa học có thể xây dựng căn cứ trên đó để cung cấp nước cho các nhà du hành và nhiên liệu cho tên lửa.
Từ trái đất con người chỉ nhìn thấy nửa sáng của mặt trăng do hành tinh này nằm trên quỹ đạo quay đồng bộ. Bề mặt của nửa sáng ấy khô hơn mọi sa mạc trên địa cầu. Song từ lâu giới khoa học đã dự đoán rằng nước có thể tồn tại ở nửa tối của “chị Hằng”. Theo họ, những thiên thạch rơi xuống mặt trăng cách đây vài tỷ năm đã mang theo nước.
Nếu những nghiên cứu trong tương lai chứng minh rằng lượng nước trên mặt trăng cực lớn thì con người có thể đặt căn cứ tại hai cực của hành tinh này.
“Các phi hành gia có thể dùng nước trên mặt trăng để uống. Chúng ta cũng có thể điện phân nước để tạo ra oxy và hydro – hai dạng nhiên liệu dành cho tên lửa đẩy. Ngoài ra các nhà du hành còn có thể dùng khí oxy để thở”, Mike Wargo, một nhà khoa học của NASA, giải thích.
(Theo VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com