Sau chuyến đi kéo dài 173 ngày và 431 triệu km, vào lúc 13giờ 7 phút (giờ Hà Nội, ngày 3.7) phi thuyền Deep Impact của Mỹ đã phóng thành công một viên đạn đồng khổng lồ về hướng sao chổi Tempel 1. Đây là một thí nghiệm độc nhất vô nhị nhằm nghiên cứu cấu trúc của sao chổi này.
Ngay sau khi viên đạn được phóng ra, Monte Henderson, Giám đốc dự án thuộc Phòng thí nghiệm phản lực của NASA, cho biết dữ liệu ban đầu cho thấy mọi thứ không thể tốt hơn được nữa. Viên đạn đã được phóng đúng vào đường đi dự định với sai số 1%. Thậm chí, Deep Impact còn có thể chụp được một bức ảnh rõ nét về viên đạn đồng khi viên đạn phóng vút ra xa. Hiện Deep Impact đã thay đổi hướng đi để tiến tới một vị trí quan sát an toàn.
Dự kiến viên đạn sẽ lao vào tâm sao chổi Tempel 1 vào khoảng 13 giờ (ngày 4.7, giờ Hà Nội). Vụ va chạm có thể hé lộ bí mật về cấu trúc và thành phần của lõi sao chổi. Trước kia, con người mới chỉ nghiên cứu nhân của bốn sao chổi bằng phi thuyền: Halley, Giacobini-Zinner, Wild 2 và Borrelly. Tuy nhiên, chưa có phi thuyền nào cung cấp những chi tiết như Deep Impact. Dữ liệu dưới dạng quang phổ đã làm sáng tỏ rằng nhân của sao chổi - có đường kính vài kilomet - là hỗn hợp của băng, đá và một số vật liệu hữu cơ chứa cacbon. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa biết tỷ lệ của những vật liệu này và trạng thái của chúng (khối cứng, vỡ vụn...).
Phần lớn các nhà khoa học mong đợi viên đạn sẽ tạo ra một hố có kích cỡ bằng ngôi nhà hoặc sân vận động bởi nó lao vào sao chổi với tốc độ 41.600km/giờ, tạo ra một chùm khí và bụi hình quạt. Điều này có thể làm cho sao chổi Tempel 1 sáng hơn một chút hoặc đột ngột bùng cháy. Một số ít các chuyên gia hành tinh lại cho rằng nếu vật liệu của sao chổi cực xốp, viên đạn đồng có thể xuyên qua nó và chẳng tạo ra một hiệu ứng thị giác nào đối với người quan sát. Ngoài ra, Tempel cũng có thể vỡ thành từng mảng.
Được biết Tempel 1 đã tạo ra một vụ nổ ngẫu nhiên vào sáng sớm ngày 2.7, lần thứ tư trong vòng ba tuần qua. Nếu những hoạt động như vậy lại xảy ra gần thời điểm va chạm với viên đạn đồng, nó có thể gây ra một số khó khăn trong việc phân tích kết quả.
( theo Tạp chí hoạt động khoa học )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com