Robot PR2. |
Sự suy thoái kinh tế khiến lực lượng lao động gặp không ít khó khăn trong thời gian qua. Giờ đây, họ có thể sắp phải đối mặt với một mối đe dọa khác…
Với chiều cao khoảng 1,51m và nặng 86kg, robot HRP-4 có thể khiến không ít nhân viên văn phòng lo ngại cho số phận của mình trong tương lai. Robot có hình dáng giống người này – do công ty Kawada Industries và Viện Khoa học công nghiệp và công nghệ tiên tiến ở Nhật Bản phát triển – được lập trình để phát thư, rót cà-phê, và nhận biết khuôn mặt của những “đồng nghiệp” con người. Ngoài ra, nó có thể đứng bằng một chân, nhận biết vật thể, phát ra tiếng nói và làm theo khẩu lệnh.
Với giá bán khoảng 350.000 đô-la Mỹ, robot HRP-4 được hy vọng sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân công trầm trọng hiện nay tại Nhật Bản. Mức giá này có vẻ cao, nhưng đổi lại HRP-4 không mất thời gian cho những hoạt động như lên mạng xã hội Facebook, nghỉ trưa… Ông Noriyuki Kanehira, nhà quản lý các hệ thống robot ở Kawada Industries, tin rằng HRP-4 có thể dễ dàng “đóng vai trò của một thư ký trong tương lai gần”. Ông nói: “Sớm hay muộn, robot có thể hiện diện trong các văn phòng”.
Thư ký robot
Những robot “nhân công” như HRP-4 không có gì là quá mới mẻ. Theo World Robotics, một báo cáo thường niên của Liên đoàn Robot quốc tế (trụ sở ở Đức), hiện có khoảng 8,6 triệu robot được sử dụng trên thế giới. Nhiều robot trong số này đang làm những công việc ở những nơi mà con người không thể đặt chân đến. Vào năm 2007, Bill Gates, Chủ tịch hãng Microsoft, dự báo rằng trong tương lai mỗi ngôi nhà sẽ có ít nhất một robot. Trước mắt, trong một tương lai gần hơn, robot có thể hiện diện nhiều hơn tại văn phòng nhờ nỗ lực của các công ty công nghiệp và công nghệ khắp thế giới.
Robot HRP-4 |
Trong số này có robot QB, một sản phẩm của công ty Anybots (Mỹ). Robot này về cơ bản là một hệ thống hội nghị truyền hình di chuyển trên bánh xe. Nó được điều khiển từ xa thông qua trình duyệt web và bàn phím, cho phép các nhà quản lý ngồi tại văn phòng có thể tiếp cận những chi nhánh của công ty ở khắp thế giới. QB được tung ra thị trường vào tháng 5-2010 với giá 15.000 đô-la Mỹ. Theo ông Trevor Blackwell, nhà sáng lập Anybots, hàng trăm robot này đã được tiêu thụ cho đến nay.
Trong khi đó, công ty Smart Robots (Mỹ) cung cấp một dòng robot văn phòng tham vọng hơn gọi là SR4 với giá dao động từ 7.495 đến 18.950 đô-la Mỹ. Ông Joe Bosworth, Giám đốc điều hành công ty, cho biết SR4 có thể di chuyển từ bàn này đến bàn khác trong trong một văn phòng nhiều tầng. Nó còn có thể đưa thư xuống phòng thư tín, hoặc đi qua đường để lấy ly cà phê.
Đối với những doanh nghiệp rủng rỉnh tiền bạc hơn, robot PR2 có thể thu hút sự quan tâm của họ. PR2 là một “robot cá nhân” được nhóm nghiên cứu robot Willow Garage (Mỹ) phát triển. PR2 xuất hiện trên thị trường vào tháng 9-2010 với giá 400.000 đô-la Mỹ. Một trong những khách hàng đầu tiên sở hữu nó là hãng Samsung. Không như những robot văn phòng giá thấp hơn, PR2 (cao khoảng 1,5m và có hai cánh tay) có thể tự mở cửa mà không cần hướng dẫn hoặc tự cắm vào ổ điện khi sắp hết pin. Ngoài ra, nó còn có thể tìm kiếm bia trong tủ lạnh hoặc chơi bi-da pool.
Nỗi lo và hy vọng
Robot QB |
Bất chấp những nỗi lo về sự xâm lấn của robot vào công sở, nhóm Willow Garage vẫn tin rằng một khi robot gia nhập lực lượng lao động, các công ty sẽ không bỏ qua công nghệ này. Ông Josua Smith, một giáo sư về khoa học tại Đại học Washington và là thành viên nhóm Willow Garage, nhận định: “Nếu nước Mỹ muốn có chỗ đứng trong thị trường này, thì đây không phải là lúc cho những hạn chế về robot dựa trên những nỗi lo sợ ngớ ngẩn và không có căn cứ”. Ông Hyoun Park, một nhà phân tích của công ty Aberdeen Group (Mỹ), cũng đồng ý rằng vẫn chưa có lý do gì để lo ngại về robot. Trong thời buổi kinh tế vẫn còn khó khăn như hiện nay, việc thay con người bằng robot là không hợp lý.
Dù vậy, không phải ai cũng tin rằng sự xuất hiện của lực lượng lao động robot trong thời gian tới là vô hại. Doanh nhân Marshall Brain, người bán trang web HowStuffWorks cho kênh truyền hình Discovery với giá 250 triệu đô-la Mỹ vào năm 2007, dự báo rằng robot sẽ trở nên phổ biến rộng rãi vào năm 2030 và cuối cùng có thể đảm nhận gần một nửa số công ăn việc làm ở Mỹ. Ông Brain cũng nhận định rằng robot văn phòng là mối đe dọa cho nhân viên ở mọi cấp bậc trong công ty vì nó đang được trang bị những kỹ năng quản lý ngày càng tinh vi.
Tại Viện Công nghệ Georgia (Mỹ), kỹ sư Alan Wagner đã cộng tác với giáo sư Ronald Arkin trong nỗ lực giải mã trí tuệ robot. Theo ông Wagner, công trình nghiên cứu của họ nhằm phát triển “robot không chỉ có khả năng tương tác với con người mà còn có thể trình bày, tranh luận và phát triển quan hệ với con người”. Nhóm nghiên cứu này cho biết đã phát triển một thuật toán cho phép robot “xem xét tình hình và xác định xem liệu nó có cần phải cung cấp thông tin sai để mang lại lợi ích cho nó”. Về cơ bản, họ đã dạy robot cách thức nói dối.
Khả năng mới mẻ này của robot có thể càng khiến nhân viên văn phòng thêm lo lắng về nguy cơ mất việc làm. Mặt khác, ông Bosworth nhấn mạnh rằng sự phát triển của những robot ngày càng tinh vi cũng mang lại không ít hy vọng. Ông lý giải: “Công nghệ tạo ra việc làm chứ không phải xóa sổ chúng”. Ông chỉ ra rằng việc phát minh ra ti-vi đã giúp tạo ra cả một ngành công nghiệp sửa chữa ti-vi. Tương tự, robot hứa hẹn có thể mang lại nhiều lợi nhuận cho lĩnh vực bảo trì và sửa chữa robot.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // BusinessWeek)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com