Ủy ban Hải dương liên chính phủ (IOC) của UNESCO cho biết có 9 nước cam kết đóng góp 5,5 triệu USD cho Liên hợp quốc để hỗ trợ xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống cảnh báo sớm sóng thần ở 27 nước ven Ấn Độ Dương.
Hệ thống trên có thể đưa vào hoạt động trong vòng 6 tháng tới. Các nước cam kết đóng góp bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Na Uy, Phần Lan, Bỉ, Đức, Ôxtrâylia, Italia và Trung Quốc. IOC dự kiến sẽ hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương xây dựng các trung tâm cảnh báo quốc gia trực tiếp thu các tín hiệu cảnh báo từ 2 trung tâm ở Haoai (Mỹ) và Tôkyô (Nhật Bản), để kịp thời báo động nguy cơ động đất và sóng thần cho người dân ven biển.
Theo kế hoạch, Ôxtrâylia, Inđônêxia, Malaixia và Thái Lan sẽ phát triển công nghệ phát hiện, phân tích và cảnh báo nguy cơ sóng thần ở khu vực địa chấn dài 4.000 km quanh Inđônêxia. Các nước ấn Độ, Pakixtan và Iran chịu trách nhiệm giám sát khu vực địa chấn Mácran, gần Pakixtan. Hai khu vực địa chấn này là nguồn gây động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương.
IOC nhấn mạnh các nỗ lực khu vực này sẽ góp phần tăng cường hợp tác quốc tế để hợp thành hệ thống báo động sớm các hiểm họa thiên nhiên toàn cầu.
IOC kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường đầu tư hơn nữa để giúp các nước ven Ấn Độ Dương đào tạo nguồn nhân lực hoạt động liên tục 24/24 giờ tại các trung tâm cảnh báo hoạt động hiệu quả. Theo IOC, cần trang bị cho người dân sống ven biển các tri thức căn bản về động đất và sóng thần để họ chủ động đối phó khi có thông tin về nguy cơ sóng thần.
( theo Tạp chí hoạt động khoa học )
Bài thuộc chuyên đề: Ấn Độ - Thông tin kinh tế
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com