Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tàu thám hiểm Venus Express đi vào quỹ đạo sao Kim

Tàu vũ trụ Venus Express của châu Âu đã bay vào quỹ đạo chung quanh sao Kim, hành tinh gần nhất với trái đất của chúng ta sau một hành trình kéo dài năm tháng.

Sáng sớm 11.4, những kỹ sư điều khiển chuyến bay đã khởi động động cơ chính của con tàu này để giảm tốc độ của nó và giúp nó rơi vào vùng lực hấp dẫn của hành tinh này.

Tàu Venus Express sẽ bay quanh quỹ đạo của sao Kim trong khoảng 500 ngày (tính theo ngày Trái đất) để khảo sát bầu khí quyển của ngôi sao này, vốn đã từng trải qua hiệu ứng nhà kính. Từ đó, các nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn về cơ chế thay đổi khí hậu trên Trái đất.

Động cơ đốt chính của con tàu đã được các kỹ sư tại trung tâm điều hành của Cơ quan Vũ trụ châu Âu khởi động vào lúc 7 giờ 17 phút giờ GMT. Quá trình vận động quan trọng kéo dài 49 phút này được thiết kế để giảm tốc độ tương ứng của con tàu với sao Kim khoảng 15%, khiến cho nó bị kéo vào quỹ đạo chung quanh hành tinh này.

Ông Mike Healy, một quan chức của EADS-Astrium, nhà thầu chính chế tạo con tàu này, cho biết quy trình này phải diễn ra hoàn hảo. Ông giải thích: "Nếu động cơ đốt quá lâu, con tàu sẽ có thể lao thẳng vào sao Kim".

Vào lúc 7 giờ 45 giờ GMT, với động cơ vẫn đang hoạt động, Venus Express đã biến mất vào phía sau của sao Kim và mất liên lạc với Trái đất. Sau khoảng 10 phút, các kỹ sư điều khiển chuyến bay lại bắt được tín hiệu của con tàu, một dấu hiệu ban đầu cho thấy quá trình vận động đã diễn ra thành công và con tàu đã đi vào quỹ đạo của sao Kim.

Nhà khoa học Colin Wilson thuộc ĐH Oxford, người cũng tham gia vào nhiệm vụ lần này nói rằng ông và đồng nghiệp của mình đã chờ đợi khoảnh khắc này từ rất lâu rồi.

Còn ông Andrew Coates, một nhà khoa học tham gia chuyến bay thuộc Phòng thí nghiệm Khoa học Không gian Mullard, ĐH Luân Đôn, nói rằng con tàu đã kết thúc giai đoạn đốt động cơ đúng và đã giảm tốc độ đúng như đã dự đoán.

Trong vài tuần tới, Venus Express sẽ bay vào một quỹ đạo hình ê-líp với khoảng cách gần nhất với bề mặt cực bắc của sao Kim khoảng 400km.

Chuyến bay với chi phí 140 triệu bảng Anh này được thực hiện với mục đích tìm hiểu xem sao Kim, hành tinh có kích thước, khối lượng và cấu tạo gần giống với trái đất của chúng ta đã thay đổi như thế nào trong suốt 4,6 triệu năm qua.

Mặc dù hành tinh này gần Mặt trời hơn so với Trái đất, một lớp mây dày, có độ phản chiếu cao đã giúp sao Kim hấp thụ ít bức xạ Mặt trời hơn so với Trái đất. Đây là một lý do khiến các điều kiện bề mặt của hai hành tinh có thể có sự tương đồng.

Tuy nhiên, bầu khí quyển với lượng khí CO2 lớn, đậm đặc của sao Kim đã có tác dụng như một tấm chăn, đã giữ những tia bức xạ mặt trời làm nóng bề mặt của hành tinh này tới mức nhiệt độ trung bình ở mức 467oC, đủ làm nóng chảy chì.

Mặc dù Trái đất sẽ không thể nóng tới mức này, nhưng sự tăng lên của các khí nhà kính trong bầu khí quyển cũng sẽ có thể khiến Trái đất của chúng ta thay đổi theo hướng bất lợi, tương tự như trên sao Kim.

Bầu khí quyển bất lợi trên sao Kim cũng có thể là nơi nắm giữ câu trả lời về việc hiện tượng nóng lên sẽ ảnh hưởng tới Trái đất như thế nào trong những thập kỷ tới và giúp các nhà khoa học lập được các mô hình về sự thay đổi khí hậu.

Ông Gerhard Schwehm, một quan chức của ESA cho biết: "Mục tiêu chính của chúng tôi là khảo sát các quá trình đang diễn ra bên trong bầu khí quyển của sao Kim. Hầu hết các thiết bị trên Venus Express sẽ cung cấp những thông tin về cấu tạo hoặc sự lưu thông của bầu khí quyển, hiện trạng nhiệt độ trên hành tinh này. Chúng tôi muốn biết được cách thức hoạt động của hệ thống này bởi vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn về sao Kim".

Các nhà khoa học hy vọng rằng, họ sẽ biết được lý do khiến cho bầu khí quyển của sao Kim quay nhanh hơn so với hành tinh này. Tàu Venus Express cũng sẽ nghiên cứu một cơn lốc xoáy kép tại cực bắc của sao Kim để tìm hiểu nguyên nhân khiến cơn lốc này ổn định và nguồn năng lượng của nó.

Tàu Venus Express được phóng vào vũ trụ nhờ một tên lửa Soyuz của Nga từ Sân bay vũ trụ Baikonur (Kazakhstan) vào ngày 9.11.2005.

( theo Tạp chí hoạt động khoa học )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị