Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thách thức từ nhu cầu năng lượng tăng nóng

Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... là giải pháp căn bản cho vấn đề an ninh năng lượng. Ảnh: Lê Toàn.

Vào những tuần lễ cuối tháng 7-2010, nhiệt độ trung bình vào ban ngày ở thành phố Đà Lạt chỉ dao động quanh 22-26 độ bách phân. Bầu không khí mát mẻ đó mang lại cảm giác dễ chịu cho các vị khách trong nước và quốc tế. Họ là những người đến thành phố này để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 28, diễn ra vào đúng thời điểm cái nóng gay gắt vẫn còn đang làm khổ cư dân nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhưng với những người từng đến Đà Lạt nhiều lần, thì có thể cảm nhận rõ điều mà các kết quả nghiên cứu đã khẳng định - Đà Lạt đang trở nên nóng hơn trước.

Đó là hậu quả của biến đổi khí hậu, mà một trong những nguyên nhân chính là việc sử dụng quá nhiều năng lượng hóa thạch. Đây cũng là vấn đề mà bộ trưởng năng lượng các nước ASEAN và các nước đối tác thảo luận nhằm tìm hướng giải quyết.

Asean là khu vực kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng bình quân vào loại cao của thế giới. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng của khu vực này cũng đang tăng rất nóng và xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục trong nhiều chục năm tới.

Số liệu công bố tại hội nghị cho thấy, đến năm 2030, mức tiêu thụ năng lượng hàng năm của ASEAN sẽ lên đến 1,252 tỉ tấn dầu quy đổi (TOE), tăng gần gấp ba lần so với hiện nay. Nếu tính theo số tương đối, nhu cầu năng lượng của ASEAN trong 20 năm tới sẽ tăng bình quân 4%/ năm, gấp 2,2 lần so với trung bình của thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức cầu năng lượng tăng nóng nhất, khoảng 5,8%/năm.

Viễn cảnh trên là thách thức to lớn về an ninh năng lượng đối với Việt Nam nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung. Vì vậy, trong phần phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến việc cần tăng cường hợp tác để bảo đảm an ninh năng lượng cho ASEAN trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của toàn khối tiếp tục tăng cao. Đồng thời, cũng không thể không quan tâm đến vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng đi đôi với ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một trong những giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng, đã được thống nhất từ hội nghị lần thứ 27 tại Myanmar, là kết nối để hình thành mạng lưới ống dẫn khí đốt và mạng lưới điện ASEAN. Đồng thời, hội nghị này còn thảo luận việc dự trữ dầu mỏ, than đá tại mỗi quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho khu vực.

Việc kết nối đường ống dẫn khí và mạng lưới truyền tải điện giúp cho các nước trong ASEAN có điều kiện thuận lợi để bổ sung nguồn năng lượng qua lại cho nhau. Hiện nay, Brunei là quốc gia có tiềm năng xuất khẩu dầu thô và khí đốt mạnh nhất, do nhu cầu nội địa của nước này không lớn. Về điện năng, Lào cũng có nhiều tiềm năng để trở thành một trong những nhà cung cấp cho các nước khác trong khối, khi những dự án thủy điện lớn được xây dựng xong và đưa vào vận hành. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, vì số quốc gia thành viên dư thừa năng lượng không nhiều. Riêng với Việt Nam, dù hiện nay vẫn là nước xuất khẩu dầu thô và than đá, nhưng chỉ vài năm tới Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu năng lượng, do nhu cầu đang tăng rất nhanh.

Giải pháp căn bản và lâu dài cho vấn đề an ninh năng lượng của ASEAN chính là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, qua đó giảm tốc độ tăng nhu cầu tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, điện mặt trời… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các nước ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực ứng dụng và chuyển giao công nghệ than sạch trong nội khối và với các nước đối tác; hợp tác chặt chẽ hơn, đặc biệt là trong sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trên quy mô vừa và lớn; tăng cường nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ mới khả thi và hiệu quả.

Tại hội nghị này, bộ trưởng năng lượng các nước ASEAN đã thống nhất chương trình hành động về hợp tác năng lượng ASEAN giai đoạn 2010-2015, trong đó có việc hợp tác để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm tốc độ tăng nhu cầu năng lượng và phát triển nguồn năng lượng tái tạo với mục tiêu cụ thể là nguồn năng lượng này sẽ chiếm 15% tổng năng lượng sử dụng trong ASEAN.

Trong mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm là một trong những giải pháp quan trọng không thể không tính đến. Kết quả nghiên cứu về tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Đông Á, do ERIA (Economic Research Institute for ASEAN and East Asia) thực hiện và cung cấp cho đại biểu dự hội nghị cho thấy, tiềm năng tiết kiệm của các nước ASEAN còn rất lớn. Theo báo cáo nghiên cứu, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng năng lượng kém hiệu quả cao trên thế giới, do hạn chế về công nghệ ở cả lĩnh vực cung ứng và tiêu thụ.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực sản xuất điện năng, hiệu quả năng lượng của các nhà máy điện chạy bằng khí đốt chỉ đạt 37%, còn nhà máy điện chạy than là 36%, trong khi hiệu quả nhiệt điện chạy bằng khí đốt của Hàn Quốc lên đến 51%. Ngay Ấn Độ, Indonesia cũng đạt 41-42%. Các nhà nghiên cứu ước tính, nếu đến năm 2030 Việt Nam tiết kiệm được 7,6% trong tổng nhu cầu năng lượng như mục tiêu đã đề ra, thì mỗi năm sẽ giảm được 11,4 triệu tấn dầu quy đổi.

Tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, không chỉ là giải pháp tốt để bảo đảm anh ninh năng lượng cho Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác, mà còn góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu nguyên nhân làm biến đổi khí hậu, vốn là một mối đe dọa lớn, đặc biệt là với những quốc gia ven biển như Việt Nam.

Tăng trưởng nóng về nhu cầu năng lượng và biển đổi khí hậu là những vấn đề có tính nhân quả. Nó không chỉ là thách thức của riêng Việt Nam, mà của cả khu vực ASEAN và thế giới nói chung. Vì vậy, việc giải quyết thách thức này không thể chỉ bó hẹp trong phạm vi từng nước, mà cần có sự hợp tác của nhiều nước. Đó cũng là những gì mà các bộ trưởng năng lượng ASEAN và các nước đối tác đã và đang nỗ lực thực hiện.

(Theo Tấn Đức // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Giữ những hạt quả “còn tươi” từ 2.000 năm trước
  • Nhật phát hiện protein bảo vệ não khỏi trầm cảm
  • Loài người sống ở Philippines 67.000 năm trước
  • Fuji Xerox: khi công nghệ Mỹ kết hợp với chất lượng Nhật
  • Màu xanh của các đại dương đã nhạt đi hơn 40%
  • Tiết lộ mới về đại dương sau 10 năm nghiên cứu
  • Tìm thấy loài chuồn chuồn hiếm
  • Máy bay dùng nhiên liệu hydro
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị