Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng thuốc trong điều trị bệnh có hiệu quả hay không, chẳng những phụ thuộc vào loại thuốc mà còn phụ thuộc vào việc bệnh nhân có sử dụng thuốc đúng chỉ dẫn về liều lượng và thời gian hay không.
Đặc biệt, 1/3 các ca ghép thận bị thất bại là do sử dụng không đúng thuốc chỉ định chống đào thải. Chỉ có khoảng 60 đến 75% phụ nữ bị ung thư vú sử dụng thuốc theo chỉ định chống tái phát sau hai năm, trong khi yêu cầu là 5 năm.
Trên thực tế, trong quá trình điều trị, nhiều khi bác sỹ không biết bệnh nhân có sử dụng thuốc đúng chỉ dẫn hay không. Để giúp bác sỹ theo dõi chính xác quá trình sử dụng thuốc trong điều trị, công ty Citobi (Bỉ) đã nghiên cứu và đưa ra thiết bị có tên là Scores.
Về mặt kỹ thuật, Scores có dạng phim nhựa bên trong có các mạch điện và người bệnh phải gắn thiết bị này vào đằng sau vỉ thuốc. Ở đầu phim có một hộp rất nhỏ màu trắng chứa một con chíp gọi là RFID.
Mỗi lần người bệnh lấy một viên thuốc từ vỉ thì đồng thời màng trên của vỉ thuốc cũng bị bung ra. Ngay lập tức, tín hiệu điện ghi ngày giờ sẽ được con chíp lưu lại. Khi vỉ thuốc hết, người bệnh sẽ gửi hộp trắng nhỏ có chứa con chíp đến Citobi, cơ quan này sẽ lấy ra các dữ liệu của con chíp và gửi báo cáo đến bác sỹ điều trị.
Citobi đã tiến hành thử nghiệm từ tháng 6 năm nay đối với các loại bệnh nặng như ung bướu và trầm cảm. Kết quả được xác nhận là có một số bệnh nhân quên sử dụng thuốc theo chỉ dẫn, và khi đã quên thì lần sau sẽ phải uống gấp đôi liều lượng.
Tuy nhiên, vấn đề trước mắt hiện nay là giá thành sản phẩm rất cao, khoảng 20 euro/chiếc, đôi khi còn đắt hơn cả vỉ thuốc. Citobi cho rằng Scores trước hết được sử dụng cho những bệnh nhân bị bệnh nặng và dùng các loại thuốc đắt tiền trong điều trị.
Vì vậy, giải pháp tốt nhất là hệ thống bảo hiểm xã hội nên chi trả khoản này vì chính họ được hưởng lợi nếu như bệnh nhân điều trị hiệu quả./.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com