Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ

Cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ (KH và CN) ở Việt Nam hiện còn bất cập và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sáng tạo của nhà khoa học. Ðây cũng là vấn đề đang có nhiều tranh luận, thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, và nhà khoa học.

Ðổi mới nhận thức về hoạt động KH và CN

Hiện nay, nhiều nhà quản lý đánh đồng hoạt động KH và CN với hoạt động dịch vụ công như hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao; hoạt động dịch vụ như thông tin, du lịch, giao thông vận tải; thậm chí như hoạt động sản xuất kinh doanh trong công - nông - thương nghiệp. Cũng có nhiều nhà quản lý khẳng định, hoạt động KH và CN là hoạt động của một "lực lượng sản xuất", nghĩa là phải tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Lại có những người cho rằng, hoạt động KH và CN như một thứ "trang sức" làm đẹp cho xã hội. Xuất phát từ các nhận thức khác nhau và chưa đúng đắn đó là những quan điểm khác nhau về đầu tư cho KH và CN cũng như đòi hỏi khác nhau về hiệu quả của sự đầu tư đó.

Theo chúng tôi, hoạt động KH và CN là một hoạt động đặc thù, lấy sự sáng tạo làm mục đích chủ đạo. Vì thế, phải có cơ chế quản lý tài chính riêng cho hoạt động KH và CN phù hợp đặc thù đó. Ở nhiều quốc gia, người ta đang có xu thế hợp nhất ba khái niệm: Khoa học, công nghệ và đổi mới trong một ngành và thực hiện quản lý thống nhất thông qua một Bộ trong Chính phủ.

Do đặc thù của hoạt động KH và CN lấy mục đích sáng tạo là chính, cho nên sản phẩm của hoạt động KH và CN gồm có ba loại: Thứ nhất, các công bố khoa học dưới dạng các bài báo gốc trình bày các kết quả mới được công bố trên các tạp chí uy tín có sự phản biện của các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn. Thứ hai, các bằng phát minh, sáng chế được bảo hộ trong và ngoài nước bởi các cơ quan chuyên nghiệp. Thứ ba, những nghiên cứu ứng dụng, thực chất là việc thử nghiệm các kết quả có sẵn ở điều kiện cụ thể nào đó, đặc biệt là điều kiện trong nước.

Khi so sánh hiệu quả hoạt động KH và CN của các quốc gia, người ta chỉ tính số lượng trung bình các công bố, chỉ số tác động hay chỉ số trích dẫn của chúng được tính theo số lượng nhà khoa học làm công tác nghiên cứu. Số lượng các bằng phát minh, sáng chế cũng là chỉ số để so sánh. Ở nước ta, các nhà quản lý và khoa học còn né tránh việc sử dụng các chỉ số nêu trên, coi nặng loại nghiên cứu ứng dụng. Những tiêu chí mà chúng ta nêu ra trong khi đánh giá đề tài không có tính định lượng, không theo thông lệ quốc tế. Một số tiêu chí đánh giá các nhà khoa học thông qua số lượng đề tài, bài báo trong quá trình xét phong học hàm thì còn khá rườm rà, mang tính liệt kê, dễ tạo ra khe hở cho sự lách luật.

Theo chúng tôi, sự đổi mới về nhận thức sẽ dẫn đến những đổi mới trong nguyên tắc quản lý và đầu tư cho hoạt động KH và CN. Nguyên tắc số một là tiến hành đầu tư tập trung. Với một quốc gia còn nghèo như nước ta, có thể nêu một nguyên tắc chung là "có nhiều thì làm nhiều, có ít thì làm ít", nhưng phải tập trung, nhất quyết không chia đều, trải rộng. Quán triệt được nguyên tắc tập trung, tức là chỗ nào cần thiết, nơi nào đã làm tốt thì được tập trung đầu tư nhiều, mạnh dạn bỏ qua chỗ yếu. Ðiều này cần có sự nhạy bén và quyết đoán của người làm công tác quản lý và lãnh đạo. Nguyên tắc thứ hai là đầu tư tới hạn cho hoạt động KH và CN. Sản phẩm khoa học khó cân đo, đong đếm bằng các đại lượng đo lường cụ thể, vì thế khó xác định mức tới hạn để mà đầu tư. Không thể đầu tư cho ngành giao thông làm một nửa hay hai phần ba cây cầu rồi để đó, nhưng trong nghiên cứu khoa học thì hiện tượng giảm, rút kinh phí đề tài so với đề xuất là phổ biến, không cần biết có hoàn thành hay không.

Ngoài ra, cần có sự thông thoáng trong cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động KH và CN, tránh tình trạng máy móc, cứng nhắc như hiện nay. Có thể dùng một cụm từ "chặt chẽ theo hạng mục, linh động trong chi tiết", nghĩa là người thực hiện có thể điều chỉnh trong phạm vi hạng mục những chi tiết cụ thể về số lượng, chất lượng theo yêu cầu phát sinh. Các nước tiên tiến trên thế giới đều quản lý theo nguyên tắc đó.

Con người là yếu tố số một trong mọi hoạt động xã hội, trong đó có hoạt động quản lý KH và CN. Muốn đổi mới, trước hết phải mạnh dạn đổi mới cách tuyển chọn người làm quản lý. Các quốc gia tiên tiến tạo nguồn nhân lực quản lý bằng cách: Ðào tạo chuyên nghiệp; điều động, luân chuyển cán bộ từ các cơ sở hoạt động KH và CN; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ tại chỗ. Ở nước ta, việc này làm còn thiếu bài bản, thiếu tính chuyên nghiệp. Vì thế, nhiều khi cách thức quản lý bị ảnh hưởng theo cách quản lý của một ngành nghề nào đó, khiến cho việc thực hiện trở nên bất cập.

Ðổi mới nguyên tắc và cơ chế đầu tư tài chính cho KH và CN

Theo khía cạnh tài chính, hoạt động KH và CN cần có sự phân định rõ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động sáng tạo công nghệ. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong mọi thời đại, ở mọi quốc gia đều là hình thức tiêu tiền, dù đó là nguồn tiền nào, phần lớn là nguồn tài chính công hoặc một phần tài chính do các công ty, hãng bỏ ra để đầu tư cho nghiên cứu dài hạn. Khó có thể đưa ra thí dụ về việc nghiên cứu khoa học làm ra tiền. Như vậy, cần có cơ chế đặc thù cho hoạt động nghiên cứu khoa học và thước đo hiệu quả của hoạt động này chỉ là số lượng các công trình công bố trên các tạp chí chuyên ngành. Nguyên tắc cơ bản để hoạch định chính sách cho hoạt động loại này là "kế hoạch tuân theo khả năng tài chính". Vì vậy, cơ chế tài chính chủ yếu là cơ chế cấp phát và biện pháp quản lý chủ yếu tập trung cho quản lý việc chi ngân sách. Và, nếu là cấp phát thì người dùng tiền phải tuân thủ mọi quy định, dù là ngặt nghèo của cơ quan quản lý.

Hoạt động sáng tạo công nghệ không những chỉ tạo ra công nghệ, có khả năng đăng ký phát minh, sáng chế, mà còn có thể mua bán trên thị trường công nghệ và có thể tạo ra nguồn thu tài chính. Chính sách tài chính đối với loại hoạt động này cần có sự minh bạch giữa thu và chi. Ngoài ra, cũng cần có sự rõ ràng trong nguyên tắc phân chia các khoản thu trong hoạt động chuyển giao, mua bán công nghệ.

Phương thức cấp phát, thanh toán cũng cần có sự đổi mới. Cần có phân bổ cụ thể, quy định rõ ràng về hạng mục ưu tiên tập trung đầu tư nghiên cứu cơ bản, nâng cao trình độ; hạng mục cần tập trung dứt điểm để hoàn thành quy trình, phát minh sáng chế; hạng mục cần có sản phẩm cụ thể.

Cơ chế, chính sách là công cụ quản lý của Nhà nước, công cụ tốt và dùng đúng thì sẽ tạo ra những sản phẩm tốt. Hiện nay, khi nước ta mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, việc chọn lựa cách thức làm đúng phụ thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan của đội ngũ cán bộ quản lý. Tuy nhiên, khi tiến hành chọn lựa, chúng ta còn thiếu phương pháp khoa học, chưa thật sự khách quan và thiếu tính chuyên nghiệp, vì thế cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, thiếu tính khả thi. Khắc phục được những tồn tại nói trên chúng ta sẽ tìm ra được cách làm đúng và đồng vốn đầu tư sẽ được sử dụng một cách có hiệu quả.

(theo báo Nhân Dân )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị