Từ TP Lạng Sơn theo đường 4B đi về hướng Lộc Bình, Đình Lập, qua chợ Bản Ngà là tới Ủy ban Nhân dân xã Gia Cát. Trụ sở Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã nằm gọn trong mấy gian nhà ngói cấp 4 đơn sơ cũ kỹ.
Đồng chí Chủ tịch xã Đường Long Biên, người dân tộc Tày tiếp tôi, vẻ hồ hởi và thân mật như người quen lâu ngày gặp lại. Mặc dù chiều hôm đó đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đi vắng, phải tiếp dân và xử lý nhiều việc nhưng anh vẫn dành thời gian ngắn ngủi đưa tôi đi thăm đồng và gặp gỡ người trồng dưa.
Men theo con mương nổi bằng bê tông, chúng tôi đến khu ruộng dưa hấu ghép nằm trải theo sườn đồi thoai thoải. Dưa hấu ghép bầu lên xanh tốt, lá phủ kín mặt ruộng, lấp ló những quả dưa căng bóng nằm lăn lóc...
Tôi đang lấy máy ảnh ra để chụp thì anh Thi Văn Chinh, người dân tộc Tày, chủ nhiệm thôn Gia Đông 2 - xuất hiện.
Anh Chinh cho biết: người đầu tiên đem dưa hấu ghép trên gốc bầu là ông Hoàng Văn Quảng, người bên xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình. Thật ra, cũng chẳng phải do ông Quảng tự nghĩ ra, mà ông học hỏi cách làm từ nông dân bên Trung Quốc.
Anh Phương Văn Thắng đang tỉa bớt dây dưa.
Anh Phương Văn Thắng đang tỉa bớt dây dưa, nghỉ tay nói với chúng tôi về kỹ thuật trồng dưa ghép: Để dưa sống khỏe, đạt năng suất cao, chỉ cần nắm vững hai điều: một là không trồng dày gốc quá, hai là không để cây nhiều dây quá. Tùy theo cây yếu hay khỏe, chỉ chọn để lại từ 3 đến 5 dây.
Người dân Gia Cát gọi anh Thắng là người có bàn tay vàng vì dưa anh ghép đạt tỷ lệ sống rất cao. Gốc bầu mới 15 ngày tuổi, trong khi ngọn dưa mới khoảng 7 ngày tuổi mềm oặt, cả hai đều rất dễ bị giập nát, thế mà anh Thắng ghép sống được từ 95 đến 98%.
Mấy năm trước, dưa hấu trong vùng chỉ trồng được trên ruộng lạ, trồng đến lần thứ hai là dưa chết ghê lắm. Mưa thuận gió hòa, chăm sóc chu đáo, thế mà cây đang tươi tốt cứ héo rũ ra rồi chết. Sau khi ông Quảng ghép thành công dưa hấu với bầu, mọi người trong thôn, trong xã kéo đến học hỏi. Ông cũng chẳng giấu nghề, tận tình chỉ bảo đến đầu đến đũa. Cứ thế, cứ thế, người biết rồi lại hướng dẫn cho những người chưa biết, sau vài năm thì nông dân hai bên bờ sông Kỳ Cùng thuộc huyện Cao Lộc, Lộc Bình đều đã biết cách áp dụng kỹ thuật ghép dưa hấu với bầu vào sản xuất.
Giờ đây, về cơ bản, bệnh chết rũ của dưa hấu đã được khắc phục, năng suất, chất lượng cải thiện đáng kể, ruộng tốt thu được khoảng 10 tấn/sào. Trúng mùa dưa hấu, dù giá bán chưa phải là cao nhưng nhiều hộ gia đình đã có cơ hội thoát nghèo.