Sau hơn 6 mùa vụ mày mò, nghiên cứu, 30 hộ dân xã Điện Thọ (Điện Bàn, Quảng Nam) đã lai tạo thành công giống lúa mới CT2 năng suất cao, kháng thể tốt, được một công ty đặt mua với giá 200 triệu đồng.
Ông Lựng bên giống lúa CT2 do chính ông và bà con nông dân lai tạo thành công. Ảnh: Nguyễn Huy. |
“Nhà khoa học” chân bùn
Gần tuần nay, các thửa ruộng trên địa bàn xã Điện Thọ đang bước vào mùa vụ mới. Nhưng thay vì sạ các giống lúa đại trà như trước đây, hàng trăm hộ dân quanh xã và các vùng lân cận đã tìm đến giống lúa mới CT2 do người dân thôn Tây (xã Điện Thọ) lai tạo để xuống giống.
Ông Nguyễn Văn Lựng - Lớp trưởng lớp “Bảo tồn, ứng dụng và phát triển đa dạng sinh học châu Á” (gọi tắt lớp Bucap Điện Thọ) bày tỏ: “Mừng là giống lúa do chính nông dân chúng tôi lai tạo đã thành công, năng suất cao và giờ có thể phục vụ lại bà con quanh vùng”.
Năm 2003, chương trình Bucap được triển khai tại nhiều vùng miền trên cả nước. Điện Thọ là địa phương duy nhất của Điện Bàn được ngành nông nghiệp, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh lựa chọn để triển khai. Ông Lựng cùng 29 nông dân trên địa bàn xã hăng hái tham gia. “Chúng tôi có gần một năm vừa học vừa thực hành qua hai mùa vụ. Đủ cả các khâu từ nghiên cứu, lai tạo giống mới, chọn dòng phân lý đến so sánh giống và phục tráng giống” - Ông Lựng kể lại.
Vốn là nông dân quen cày cấy theo kinh nghiệm nay bắt tay vào học hành, tiếp cận với khoa học không ít người bỡ ngỡ nhưng rồi quen dần. Hai giống lúa được chọn để lai tạo là Khang dân KD 18 (giống mẹ) và Lúa thơm VD 20 (giống bố).
"Qua theo dõi và kiểm tra, giống lúa CT2 có nhiều tính năng nổi bật nên chúng tôi thống nhất với các hộ dân để đơn vị có thể lấy giống và nhân rộng (với giá khoảng 200 triệu đồng) không chỉ ở miền Trung mà cả các địa phương Tây Nguyên" - Ông Trần Vinh Quang - Giám đốc Cty Cổ phần giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam |
Lớp trưởng Lựng cho biết: “Lý do chọn hai giống này là mỗi giống có ưu nhược điểm khác nhau nếu mình khắc phục được sẽ tạo nên lúa giống mới chất lượng hơn. Cụ thể, KD 18 năng suất cao nhưng gạo không được ngon, còn VD 20 năng suất thấp nhưng gạo ngon. Hơn nữa thời gian sinh trưởng của hai giống lúa khá trùng nhau nên có thể tiến hành các giai đoạn lai tạo phù hợp”.
Các bài học lý thuyết từ các thầy cô giáo ngành nông nghiệp, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Quảng Nam được các nông dân mày mò áp dụng. Vụ đầu, 30 học viên gieo sạ cả hai giống lúa trên ở ngoài đồng đến thời kỳ đứng cái làm đòng, số lượng lúa được đem về trồng cấy trong chậu và bảo quản cẩn thận.
Ông Lựng kể:“Khi cây KD18 làm đòng, chúng tôi cắt nửa đầu bông, sau đó bóc tách và cho nó mở ra như trổ đòng, rồi tiếp tục lựa chọn các hạt còn lại ở bông đòng, lấy kéo nhỏ cắt 1/3 từng hạt lúa, gặp 6 nhị đực trên một hạt cốt là để không cho chúng tự thụ phấn. Sau đó chờ đến buổi sáng khi nhiệt độ bắt đầu tăng, chúng tôi lấy KD 18 và VD 20 rung lên để chúng tự thụ phấn và kết hợp với nhau”.
“Tuy nhiên, phải sau 6 vụ, đến vụ đông xuân 2007, chúng tôi mới chọn ra được giống CT2 có năng suất và chất lượng nhất. Tiếp tục các công đoạn, lớp giao cho các học viên nhân rộng giống CT2 ra 4 sào lúa do UBND xã hỗ trợ để trồng đại trà trên các vùng đất, điều kiện khác nhau. Đến khi thu hoạch, tuy năng suất có dao động đôi chút nhưng đều giữ được nét nổi bật đặc trưng của CT2 và từ đó chúng tôi bắt đầu phổ, nhân giống ra cho các hộ dân quanh vùng”, ông Lựng hồ hởi.
Gạo ngon, kháng sâu bệnh
Vụ sản xuất đông xuân 2009 – 2010 vừa qua, giống lúa CT2 được đưa ra canh tác trên tổng diện tích gần 2 ha đất tại thôn Tây, xã Điện Thọ. Chị Phan Thị Tuyến (thôn Tây), thành viên lớp Bucap Điện Thọ phấn khởi: “Giống CT2 cho năng suất trung bình 400 hạt/ bông, so với các giống lúa đại trà khác chỉ chừng 300 hạt/bông, tính chung đạt 7 - 7,5 tấn/ha”.
Theo ông Lê Hữu Ái – Chủ nhiệm HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Điện Thọ 1, không chỉ năng suất cao, CT2 còn được kiểm chứng qua các mùa vụ vừa qua chính là khả năng kháng bệnh tốt, hầu như người dân không cần phải sử dụng các loại hóa chất trừ sâu nhiều, giống thuần và gạo mềm dẻo, thơm ngon hơn”.
Tiếng lành đồn xa, người dân trong vùng thi nhau tìm đến để nhân rộng giống lúa CT2 ra địa bàn. Ông Đỗ Như Hồng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Bàn, cho biết, kiểm nghiệm thực tế qua các mùa vụ qua, năng suất, chất lượng và tính kháng thể của giống lúa CT2 vượt trội hơn các giống lúa khác đang được người dân trồng đại trà trên địa bàn. Đặc biệt, trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, những chân ruộng gieo sạ giống lúa này đều ít mắc sâu bệnh, chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt, ít đổ ngã nên phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu miền Trung...
(Theo Nguyễn Huy // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com