Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát huy tiềm năng, lợi thế của một trung tâm khoa học công nghệ

Các kỹ sư Viện vũ trụ làm việc ở Phòng thí nghiệm thuộc Viện KHCN Việt Nam.
 Viện Khoa học và Công nghệ (Viện KH - CN) Việt Nam, là một trung tâm khoa học lớn với nhiều tiềm năng và lợi thế. Thời gian qua, Viện đã đạt được những thành tựu gì, và trong những năm tới đơn vị có kế hoạch, giải pháp phát triển như thế nào để thật sự là trung tâm khoa học lớn nhất của cả nước? Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với GS, TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện KH - CN Việt Nam. Nội dung như sau:

 

Phóng viên (PV):  Với một đội ngũ cán bộ khoa học khá đông đảo (trong đó có khoảng 800 người là  GS, PGS, TSKH, TS, xin đồng chí Chủ tịch Viện cho biết một số thành tựu mà Viện đạt được trong thời gian qua?

 

GS, TS Châu Văn Minh (GS, TS CVM): Viện KH-CN Việt Nam (trước đây là Viện Khoa học Việt Nam) được thành lập ngày 20-5-1975.  Nhìn lại hơn 33 năm, đặc biệt là trong năm năm gần đây Viện  đạt được một số thành tựu cơ bản. Trước hết, Viện xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao. Khi mới thành lập Viện KH-CN Việt Nam chỉ có lực lượng cán bộ khoa học khoảng 500 người, trong đó số GS,TS chỉ có vài ba người.  Ðến nay Viện có hơn 2.400 cán bộ, nhân viên, trong đó có hơn 200 là giáo sư và phó giáo sư, hơn 600 người có học vị tiến sĩ khoa học và tiến sĩ, hơn 500 thạc sĩ. Viện đã được Nhà nước đầu tư xây dựng trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ đa ngành mạnh nhất nước.  Với hạ tầng kỹ thuật bước đầu đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác nghiên cứu cho hầu hết các viện chuyên ngành.

 

Ðã có bốn phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia được Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng phục vụ đắc lực cho hoạt động của Viện. Nhờ đó, thời gian qua, đặc biệt là năm năm gần đây Viện đã đạt được một số thành tựu: Thành lập Viện Công nghệ Vũ trụ và triển khai chương trình KHCN trọng điểm quốc gia về công nghệ vũ trụ. Thực hiện dự án vệ tinh nhỏ quan sát trái đất. Thành lập Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, thực hiện quy hoạch mạng lưới bảo tàng thiên nhiên trong cả nước. Thành lập Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần từ tháng 10-2007, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 

Công tác trực được thực hiện liên tục 24/24 giờ trong ngày cho nên các trận động đất có magnitude M Ý 3.5 độ rích-te xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam và Vịnh Bắc Bộ đều được thông báo kịp thời. Gần đây, các cán bộ khoa học Viện ứng dụng công nghệ gien để định danh hài cốt liệt sĩ. Ðồng thời, hoàn thành quy trình sản xuất giống, quy trình sản xuất vắc-xin thành phẩm và hoàn tất khâu thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho vắc-xin phòng, chống cúm gia cầm H5N1...

 

Năm 2008, Viện KH-CN Việt Nam thực hiện 341 đề tài thuộc chương trình NCCB trong KHTN với tổng kinh phí là 15.490 triệu đồng. Năm năm  qua các cán bộ khoa học của Viện đã công bố được 3.985 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc gia và quốc tế (không kể nhiều bài đăng trong tuyển tập công trình các hội nghị khoa học), trong đó có 725 bài báo trên các tạp chí quốc tế đạt chất lượng tốt, được liệt kê trong danh sách của Viện thông tin khoa học quốc tế ISI... Ðến nay, 17 viện chuyên ngành của Viện được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học. Hầu hết các viện đều có quá trình đào tạo sau đại học hơn 20 năm, nhất là các đơn vị như Viện Toán học, Viện Công nghệ thông tin, Viện Cơ học đã có nhiều thành tích về đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ với số lượng lớn. 

 

PV: Ngân sách, kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học mấy năm gần đây được tăng lên rõ rệt, một số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia được xây dựng nhưng xem ra hiệu quả đạt được còn thấp. Nguyên nhân vì sao, thưa đồng chí?

 

GS, TS CVM: Việc Nhà nước tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ trong mấy năm gần đây thể hiện quyết tâm triển khai quan điểm, chiến lược của Ðảng, cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị T.Ư 2 khóa VIII (năm 1996) và Kết luận của Hội nghị T.Ư 6, khóa IX (năm 2002), về phát triển khoa học và công nghệ để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

 

Ðầu tư có trọng điểm vào các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, quan trọng và vào các cơ quan nghiên cứu khoa học mạnh trong nước, làm đòn bẩy nâng trình độ khoa học - công nghệ ở một số ngành lên ngang tầm khu vực và thế giới là một chủ trương đúng đắn và kịp thời. Hiệu quả của việc xây dựng 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, trong đó có bốn phòng thí nghiệm trọng điểm được đặt tại các viện chuyên ngành của Viện KH-CN Việt Nam, đang được Bộ Khoa học và Công nghệ tổng kết đánh giá. Có thể nhận xét rằng hiệu quả đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố: (1) tiềm lực thực tế của đơn vị chủ trì để có đủ lực lượng cán bộ vận hành và khai thác năng lực thiết bị và (2) sự tiếp tục đầu tư của Nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên cũng như đào tạo cán bộ trẻ để tăng cường lực lượng và khai thác ngày càng tốt hơn các thiết bị được đầu tư. 

 

Có thể nói, các phòng thí nghiệm trọng điểm đặt tại Viện KH-CN Việt Nam đều hoạt động có hiệu quả. Ðặc biệt, hai phòng thí nghiệm: Công nghệ gien (đặt tại Viện Công nghệ sinh học) và Vật liệu và linh kiện điện tử (đặt tại Viện Khoa học vật liệu) hoạt động tốt, mang lại hiệu quả cao. Các kết quả nghiên cứu thực hiện tại các phòng thí nghiệm này đạt chuẩn mực quốc tế, được công nhận; nhờ có phòng thí nghiệm trọng điểm mà số lượng công bố quốc tế và số lượng đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của các đơn vị tăng thêm một cách đáng kể. Ðồng thời cũng góp phần đào tạo cán bộ khoa học trẻ (tiến sĩ, thạc sĩ) cho đơn vị và cho cả nước; tạo điều kiện cho đơn vị hợp tác quốc tế một cách bình đẳng với các đối tác nước ngoài.

 

Một số phòng thí nghiệm trọng điểm được đầu tư mà chưa đạt được hiệu quả như mong muốn là do đơn vị chủ trì chưa có sự chuẩn bị tốt về lực lượng cán bộ và cơ sở vật chất để tiếp thu, trong đó yếu tố quan trọng nhất là thiếu cán bộ để vận hành và khai thác thiết bị. Vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước phải tổng kết, rút kinh nghiệm để có thể triển khai có hiệu quả hơn chương trình này. Ðối với các phòng thí nghiệm trọng điểm đã được đầu tư, việc Bộ KH-CN ban hành quy chế và cấp kinh phí hoạt động thường xuyên là các biện pháp kịp thời nhằm đưa việc quản lý các phòng thí nghiệm trọng điểm vào nền nếp và giúp chúng hoạt động hiệu quả hơn.

 

PV: Có ý kiến cho rằng, việc thẩm định, đánh giá các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nói chung và ở Viện nói riêng còn thiếu chặt chẽ, khách quan. Ðồng chí có ý kiến gì về vấn đề này?

 

GS, TS CVM: Những năm đầu thế kỷ này, việc quản lý hệ thống các đề tài KH-CN bắt đầu được quan tâm hơn. Năm 2002 Viện KH-CN Việt Nam đã ban hành Quy định về phương thức làm việc của các hội đồng tư vấn thẩm định các đề tài KHCN cấp Viện KH-CN Việt Nam. Từ đó đến nay, việc tuyển chọn và quản lý các đề tài đã đi vào nền nếp, đồng thời Viện không ngừng rút kinh nghiệm thực tiễn, điều chỉnh bổ sung một số quy định, để việc tuyển chọn các đề tài được chặt chẽ, chính xác, khách quan và đạt hiệu quả cao. Việc thẩm định, đánh giá các đề tài, dự án đều được thông qua các hội đồng khoa học gồm các chuyên gia có uy tín, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Có thể khẳng định, quy trình thẩm định, đánh giá, tuyển chọn, quản lý và nghiệm thu các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học ở Viện là chặt chẽ và khách quan, đồng thời triển khai tốt quy trình này. Ðối với các đề tài, dự án khoa học công nghệ do Bộ KH-CN quản lý, việc thẩm định đánh giá cũng đã tuân thủ các quy định. Hiện nay, hằng năm, Viện KH-CN Việt Nam triển khai hơn 100 đề tài cấp viện. Tuy nhiên, với khối lượng lớn các nhiệm vụ như vậy, cùng nhiều đề xuất đề tài/dự án của các nhà khoa học cho nên có thể trong quá trình chọn lọc, cạnh tranh có một số trường hợp cơ quan quản lý đã phải loại những đề tài có chất lượng nhưng do không có kinh phí, cho nên chỉ đề xuất các đề tài xuất sắc nhất được chọn.

 

Ðiều này có thể gây sự không hài lòng từ một số nhà khoa học, cho rằng những đề tài tốt là phải được chọn. Cũng có yếu tố nữa là, việc thẩm định, đánh giá lựa chọn đề tài dự án là căn cứ vào ý kiến chuyên gia của hội đồng khoa học mà trong khoa học quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng, có những quan điểm, trường phái khác nhau, vì vậy có thể phát sinh những mâu thuẫn, ý kiến trái ngược về kết quả thẩm định đánh giá đề tài; đây là một thực tế khách quan trong khoa học - công nghệ.

 

PV: Ðể giữ được vị thế "đầu tàu" trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có kế hoạch và giải pháp như thế nào trong thời gian tới?

 

GS, TS CVM: Ðể giữ được vị thế "đầu tàu", là Trung tâm khoa học lớn nhất của cả nước, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Viện KH-CN Việt Nam đang có nhiều kế hoạch xây dựng và phát triển tiềm lực con người, cơ sở vật chất, theo đó  triển khai các dự án lớn xứng đáng với tầm cỡ của Viện. Chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ Ðề án Khu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của Viện KH-CN Việt Nam tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhằm xây dựng cơ sở vật chất, phát triển tiềm lực cho một số ngành KH-CN cao, mũi nhọn theo kịp với trình độ phát triển của các nước trong khu vực và thế giới mà  Trung tâm công nghệ vũ trụ Hòa Lạc là một thành phần trong đề án này.

 

Viện cũng trình Thủ tướng Chính phủ về Dự án xây dựng Trường đại học Khoa học-Công nghệ Hà Nội, phấn đấu thành trường đại học chất lượng quốc tế khi được Thủ tướng cho phép. Mặt khác, đẩy mạnh công tác đào tạo đại học và sau đại học có chất lượng. Tiếp tục xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam ở Hà Nội, thực hiện quy hoạch mạng lưới Bảo tàng thiên nhiên của Việt Nam.

 

Ðồng thời chuẩn bị các điều kiện thực hiện Dự án vệ tinh nhỏ quan sát trái đất trong tương lai gần. Nâng cao chất lượng Ðề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến 2010, tầm nhìn đến 2020: triển khai Chương trình hợp tác điều tra tài nguyên môi trường Biển Ðông giữa Việt Nam và các nước, thực hiện Dự án điều tra cơ bản và đánh giá tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái, địa chất vùng biển và các đảo Việt Nam và nhiệm  vụ không kém phần quan trọng trong thời gian tới là triển khai dự án Tăng cường mạng lưới trạm quan sát động đất phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.

 

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

( Theo báo điện tử Nhân dân)

  • Ông Đỗ Trung Tá được bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2009-2013
  • Ứng dụng lò nung gạch bằng trấu phế thải
  • Việt Nam có thể có vệ tinh thứ hai vào năm 2012
  • 9 công trình đoạt giải sáng tạo kỹ thuật 2008
  • Công bố 10 sự kiện KH - CN nổi bật 2008
  • Ứng dụng lò gas nung gốm tiết kiệm năng lượng vào sản xuất gốm sứ
  • 4 công trình đoạt giải Khoa học-Kỹ thuật thanh niên năm 2008
  • Đầu tư cho khoa học công nghệ đạt 1,5% GDP vào năm 2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị