Ngày 20.7.2009, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu cùng đại diện một số bộ/ngành đã có buổi làm việc với Bộ KH&CN. Dự buổi làm việc với Phó Thủ tướng có Lãnh đạo Bộ KH&CN, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2009. Bám sát Chương trình công tác năm 2009 cũng như Chương trình hành động của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2009, Bộ KH&CN đã triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực, với các kết quả chính như sau:
Đổi mới cơ chế, chính sách và hoàn thiện pháp luật về KH&CN: Bộ đã xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ banh hành và ban hành theo thẩm quyền 20 văn bản (gồm 1 luật, 2 nghị định và 17 thông tư), đang triển khai xây dựng nhiều văn bản khác (gồm 1 luật, 3 nghị định, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về 4 chương trình và 3 đề án quốc gia, trên 20 thông tư). Hoàn thành công tác chuẩn bị và đang triển khai xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch phát triển KH&CN 5 năm giai đoạn 2011-2015. Chủ trì và phối hợp với các bộ/ngành liên quan xây dựng các chính sách về sử dụng cán bộ KH&CN, trọng dụng người tài; đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp; mô hình và phương thức hoạt động KH&CN địa phương; hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN…
Đối mới quản lý nhà nước về KH&CN gắn với đổi mới phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN: Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị quản lý của Bộ đã tập trung xây dựng nội dung và giải pháp thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế về nhân lực, tài chính, đầu tư… cho KH&CN cũng như tăng cường hoạt động kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các chương trình, đề tài/dự án và của các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN. Hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN quốc gia được mở rộng và đẩy mạnh, tạo cơ hội tham gia cho các nhà khoa học với cơ chế tuyển chọn cạnh tranh nhưng tương đối gọn nhẹ. Hệ thống đánh giá đã được xây dựng, trong đó đã hoàn thành các dữ liệu về tiêu chí đánh giá...
Đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất trong các doanh nghiệp và tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá thông qua hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật: Đã chuyển đổi 2.000 bộ tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành sang tiêu chuẩn quốc gia (nâng số bộ tiêu chuẩn được chuyển đổi lên 6.000). Gần 300 bộ tiêu chuẩn quốc gia và trên 200 bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới đã được xây dựng và ban hành. Phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động xuất khẩu cũng như xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước. Thường xuyên triển khai nhiệm vụ chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại...
Tăng cường xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh khai thác và phát triển tài sản trí tuệ: Tiếp nhận và xử lý gần 26.000 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và trên 2.000 nhãn hiệu đăng ký quốc tế. Chấp nhận bảo hộ gần 14.500 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái). Chủ đơn là cá nhân, tổ chức Việt
Phát triển thị trường công nghệ: Tỷ lệ giao dịch mua bán công nghệ tăng 25% so với năm 2008, không chỉ diễn ra ở các Chợ công nghệ thiết bị mà còn ở hầu hết các hội chợ của các ngành khác. Các hoạt động giao dịch, mua bán công nghệ trên mạng được duy trì thường xuyên.
Đổi mới nội dung và nâng cao năng lực đảm bảo thông tin KH&CN: Thông tin về các kết quả nghiên cứu mới, hiện đại trong nhiều lĩnh vực KH&CN quan trọng đã được tăng cường; cập nhật và cung cấp kịp thời không chỉ cho các tổ chức KH&CN mà cho cả các doanh nghiệp những thông tin về sáng chế, giải pháp công nghệ, định hướng thị trường… tạo thuận lợi cho hợp tác, liên kết giữa giới khoa học và doanh nghiệp. Từng bước hoàn thiện mạng nghiên cứu và đào tạo VINAREN, tạo điều kiện hợp tác và nghiên cứu với hàng nghìn viện nghiên cứu, trường đại học trên thế giới.
Nâng cao tiềm lực về KH&CN: Đang tiến hành rà soát (điều tra, khảo sát), đánh giá phân loại các tổ chức KH&CN của cả nước để xây dựng Đề án quy hoạch mạng lưới nghiên cứu quốc gia gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển KH&CN nói riêng. Hình thành các cơ sở ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp KH&CN với nòng cốt là các trường đại học, các khu công nghệ cao tham gia vào chương trình phát triển doanh nghiệp do Chính phủ khởi xướng.
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN: Đã cơ bản hoàn thành Đề án hội nhập quốc tế về KH&CN; từng bước xây dựng mạng lưới đại diện KH&CN ở nước ngoài với nhiệm vụ tạo dựng cơ hội hợp tác, tìm kiếm công nghệ và hỗ trợ tổ chức quá trình chuyển giao công nghệ vào Việt Nam.
Khẩn trương chuẩn bị cho việc phát triển điện hạt nhân: Tổ chức, điều phối với các bộ/ngành triển khai Kế hoạch tổng thể ứng dụng năng lượng nguyên tử. Chủ trì xây dựng Quy hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử theo tinh thần của Luật Năng lượng nguyên tử và Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020; phối hợp với các bộ/ngành liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân, các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn về an toàn hạt nhân, an toàn nhà máy điện hạt nhân; nghiên cứu, chuẩn bị các phương án đánh giá các công nghệ được áp dụng trong các lò phản ứng và trong nhà máy điện hạt nhân…
Tính đến hết tháng 6.2009, các hoạt động KH&CN đã đạt được những kết quả nổi bật như: Số công trình công bố tăng 5 lần so với năm 2004. Trong đó, số công trình khoa học thực hiện trong nước đăng trên các tạp chí quốc tế 6 tháng đầu năm nay lớn hơn cả năm 2004, số các sáng chế được đăng ký xấp xỉ cả năm 2005. Số lượng các kết quả nghiên cứu từ các đề tài/dự án, chương trình KH&CN được đưa vào ứng dụng và được thương mại hoá thành sản phẩm hàng hoá tăng nhanh. Năng lực làm chủ và khai thác hiệu quả công nghệ nhập có những bước tiến đáng ghi nhận, với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà KH&CN Việt Nam với kinh phí đầu tư KH&CN vào các lĩnh vực dầu khí (giàn khoan nổi, kho chứa di động), đóng tàu (với các tải trọng khác nhau), năng lượng (các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, hệ thống biến áp), xi măng (lò quay công suất trên 1,5 triệu tấn/năm), cơ khí chế tạo (cần cẩu siêu trường, siêu trọng). Đã làm chủ công nghệ tạo giống cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi và quy trình công nghệ nuôi trồng, canh tác với cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, thuỷ, hải sản có giá trị cao. Đã có trên 600 tổ chức KH&CN hoạt động theo cơ chế tự chủ (trong đó có 200 tổ chức mới thành lập) và gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN (trong đó có gần 100 đơn vị mới hình thành). Xây dựng các chương trình hợp tác nghiên cứu chung giữa các cơ quan KH&CN việt Nam với các cơ quan, tổ chức KH&CN của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp... và giữa Việt Nam với EU.
Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu đại diện cho các bộ/ngành đều đồng tình với báo cáo của Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, ủng hộ Bộ KH&CN trong việc đổi mới cơ chế, chính sách quản lý. Ông Nguyễn Việt Long, đại diện Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh việc rà soát, sửa đổi các thông tư liên quan đến thủ tục tài chính sao cho phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng cơ chế gắn đề tài nghiên cứu với kinh phí chi thường xuyên (theo hướng giảm dần chi thường xuyên đối với nghiên cứu ứng dụng, ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản); tiếp tục chú trọng các nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, do Nhà nước đặt hàng; đẩy mạnh hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN quốc gia. Ông Nguyễn Đình Minh (đại diện Văn phòng Chính phủ) kiến nghị nên đầu tư tập trung, hợp lý, có hiệu quả việc chi ngân sách cho KH&CN ở các địa phương, tránh tình trạng nơi cần thì thiếu, nơi chưa cần lại thừa. Đại diện Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… cũng đóng góp một số ý kiến liên quan đến cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Bộ KH&CN với các bộ/ngành liên quan; tăng cường các nghiên cứu trong lĩnh vực dự báo và định hướng phát triển kinh tế cho đất nước; gắn kết nghiên cứu khoa học với giáo dục và đào tạo; đầu tư KH&CN trong doanh nghiệp...
Sau khi lắng nghe ý kiến của Bộ KH&CN cùng đại diện của các bộ/ngành, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao những đóng góp của KH&CN, đặc biệt là sự cố gắng của Bộ trong 6 tháng vừa qua. Phó Thủ tướng cũng phân tích và chỉ ra những nguyên nhân khó khăn cơ bản của ngành KH&CN, trong đó có việc chi cho KH&CN còn thấp, số người làm khoa học tính bình quân trên đầu người chưa cao. Phó Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian tới, Bộ KH&CN cần tập trung thực hiện tốt một số công việc cụ thể: Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra kế hoạch nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực (đảm bảo tỷ lệ cung ứng nhất định cho người nông dân); nghiên cứu công nghệ mới gắn với doanh nghiệp, từ đó sớm hoàn thiện danh mục công nghệ trong Chương trình xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia; tăng cường nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế; tăng cường nghiên cứu về biển và nguy cơ nước biển dâng; tiếp tục xây dựng và phát triển thị trường công nghệ, phát triển và xây dựng cơ chế ưu đãi cho các tổ chức trung gian phục vụ phát triển thị trường công nghệ; khẩn trương trình Chính phủ điều chỉnh Nghị định 115 và Nghị định 80 cho phù hợp với thực tế để thực sự tạo sự chuyển biến tích cực; triển khai ứng dụng KH&CN tại địa phương; đặc biệt lưu ý vấn đề chất lượng, chống hàng giả, nhất là trong lĩnh vực thuốc và thực phẩm; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính cho KH&CN; hoàn chỉnh các văn bản theo chương trình của Chính phủ để triển khai các luật đã có; quan tâm phát triển Khu Công nghệ cao Hoà Lạc; cùng Chính phủ thực hiện tốt các công việc liên quan đến KH&CN đã được đề ra tại Hội nghị Trung ương 9 (khoá X) của Đảng; chuẩn bị tốt các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập Bộ và ngành KH&CN.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong hứa sẽ thực hiện tốt những vấn đề mà Phó Thủ tướng nêu theo lộ trình, kế hoạch cụ thể với quyết tâm cao.
(Theo Tạp chí HĐ khoa học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com