Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nhất là nuôi heo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến đổi khí hậu và làm trái đất nóng lên. Bởi vì một lượng khí mêtan (CH4) rất lớn được tạo ra từ quá trình phân hủy của nước tiểu và phân heo.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường, khí CH4 có mức độ “gây hại” đối với môi trường gấp nhiều lần so với mức độ gây hại của khí CO2. Do vậy, việc xử lý và tìm giải pháp tận dụng nguồn khí này vào một dự án có lợi hơn cho cộng đồng là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhận thức được điều này, cách đây khoảng 5 năm, nhiều đơn vị chăn nuôi heo công nghiệp của TPHCM đã bắt đầu di dời ra khỏi các khu dân cư đông đúc ở quận 9, Thủ Đức và Gò Vấp. Việc di dời này đã cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm không khí do các chất thải của heo gây ra trong các khu dân cư. Thế nhưng, đó mới là bước đầu trong việc làm giảm thiểu mức độ gây ô nhiễm, điều quan trọng, làm sao khai thác nguồn chất thải này để sản xuất năng lượng thay thế nguồn điện sử dụng trong quá trình chăn nuôi, vừa giúp giảm chi phí sản xuất vừa giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường.
Xí nghiệp Chăn nuôi heo Phước Long đã đi tiên phong trong vấn đề này.
Vừa qua, dự án mang tên “Chương trình sử dụng biogas từ nguồn chất thải” đã được triển khai xây dựng với sự tài trợ của Tập đoàn Quản lý năng lượng Kemco (Hàn Quốc). Tổng kinh phí của dự án trên 21 tỷ đồng, trong đó phía Hàn Quốc tài trợ trên 18 tỷ đồng. Theo ông Nam Sang Ick, Chủ tịch Công ty Hanatech (Hàn Quốc), đơn vị cung cấp, lắp đặt và vận hành dây chuyền phát điện, đây là công trình xử lý giúp “tài nguyên hóa” nguồn phân heo bằng hình thức ủ tạo khí (biogas) trong quá trình chăn nuôi để sản xuất ra điện năng. Cùng với quá trình này, mùi hôi thối sẽ được xử lý triệt để. Công suất sản xuất điện của dây chuyền là 80kWh. Bước đầu, lượng điện này có thể đáp ứng trực tiếp khoảng 2/3 nhu cầu điện cho chính Xí nghiệp Chăn nuôi heo Phước Long.
Trang thiết bị của dây chuyền này là một trong những thiết bị có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Đây là kết quả của chương trình hỗ trợ hợp tác quốc tế do Chính phủ Hàn Quốc thực hiện để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam. Lượng phân heo thu hồi sau khi xử lý biogas là bột khô, không còn mùi hôi sẽ được dùng để bán cho các nơi sản xuất phân vi sinh, thu thêm một nguồn lợi nữa cho các nhà sản xuất.
Hiện nay, Xí nghiệp Chăn nuôi heo Phước Long có khoảng 13.500 con heo. Nếu 1 con heo “sản xuất” bình quân 6kg chất thải/ngày thì Phước Long đã có khoảng 80 tấn chất thải/ngày làm nguyên liệu để sản xuất biogas. Và việc sản xuất điện từ biogas này không những giúp Phước Long bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm chi phí sử dụng điện, thu thêm chi phí bán bột phân khô, giúp có thêm thu nhập, nâng cao đời sống người công nhân.
Bên cạnh Xí nghiệp Chăn nuôi heo Phước Long, Xí nghiệp Chăn nuôi heo Đồng Hiệp thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng đang cân nhắc về việc thực hiện chương trình biogas từ chất thải của heo. Sắp tới sẽ có thêm một xí nghiệp heo giống cấp 1 của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn di dời ra khỏi nội thành TPHCM, chuẩn bị cho việc nghiên cứu thực hiện chương trình biogas.
Trong buổi lễ khánh thành dây chuyền sản xuất điện ở Xí nghiệp Chăn nuôi heo Phước Long, ông Nam Sang Ick cho biết, Tập đoàn Kemco đã đề nghị được tiếp tục tài trợ thực hiện và mở rộng các dự án giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đề nghị này đã được hiện thực hóa bằng các biên bản ghi nhớ với Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM. Trong đó, tất nhiên có thêm dự án phát điện từ biogas cho các xí nghiệp chăn nuôi heo khác của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Trên thực tế, phía Hàn Quốc đã đến tham quan Xí nghiệp Chăn nuôi heo Đồng Hiệp để nghiên cứu lập dự án.
Hiện nay, việc vận hành thiết bị tại Xí nghiệp Chăn nuôi heo Phước Long cần có thời gian để tối ưu hóa quy trình sản xuất. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy, việc “tài nguyên hóa” phân heo là việc hoàn toàn có thể.
(Theo Công Phiên // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com