Từ thời xa xưa, trường sinh bất lão là giấc mơ chưa bao giờ thành hiện thực của con người. Khác với các sinh vật khác, chỉ có con người là biết được mình được sinh ra, lớn lên, già đi và cuối cùng sẽ chết. Chính điều này làm cho con người không ngừng tìm kiếm những công cụ, phương pháp, bài thuốc giúp mình có thể sống lâu hơn, ngăn ngừa quá trình lão hoá. Vậy có thuốc chống được lão hóa không? Việc sử dụng các thuốc này như thế nào?
Nguyễn Thu Phương (Hà Nội): Ai cũng mong muốn mình trẻ mãi...
Là phụ nữ, tôi luôn muốn mình khỏe mạnh và xinh đẹp. Nghe mọi người mách bảo, rồi xem các quảng cáo trên truyền hình, trên báo rồi trên mạng... tôi cũng đã tìm đến với các sản phẩm có tác dụng chống lão hóa. Lúc đầu chỉ là vitamin E, vitamin C hay viên dầu gấc... tôi dùng bổ sung theo từng đợt. Hiện nay tôi dùng sản phẩm tổng hợp có chứa cả vitamin C, vitamin E, vitamin A và các chất có tác dụng chống ô xy hóa khác như selen... Tôi cũng được biết một số thực phẩm chức năng cũng có tác dụng này nhưng do giá thành còn cao nên tôi chưa có điều kiện dùng. Ngoài thuốc tôi còn chú ý đến chế độ ăn uống như ăn nhiều rau xanh, hoa quả... với mong muốn mình trẻ lâu.
ThS.BS. Vũ Tuấn Anh Trung tâm nghiên cứu bệnh cơ địa, dị ứng (Nhật Bản):
Chỉ có thuốc hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa
Có nhiều thuyết với các quan điểm khác nhau lý giải cho hiện tượng lão hoá trong đó các thuyết sau được chấp thuận nhiều nhất:
Thuyết di truyền: lý giải hiện tượng lão hoá do gen. Các gen trong mỗi tế bào đã được lập trình sẵn và đến giai đoạn nhất định sẽ xảy ra hiện tượng lão hoá. Đây gọi là hiện tượng lão hoá nội sinh, không thể phòng tránh hay ngăn ngừa được.
Thuyết gốc tự do: gốc tự do (free radical) là các tiểu phần hoá học có chứa một nguyên tử đơn độc ở ngoài cùng. Nguyên tử này rất hoạt tính (ở trạng thái hoạt động), không ổn định, rất dễ dàng kết hợp với các phân tử khác. Trong cơ thể, ôxy vô cùng cần thiết cho quá trình chuyển hoá của tế bào, nhưng trong quá trình đó cũng làm phát sinh các gốc tự do trong đó có nguyên tử ôxy như peroxide, superoxide, hydroxyl radicals... Các gốc tự do này có thể phá hủy các thành phần khác của tế bào, đặc biệt phá huỷ DNA, và gây ra tình trạng lão hoá. Các tác nhân bên ngoài môi trường như tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời, phóng xạ, bức xạ, vi khuẩn, thức ăn, hoá chất... cũng có thể tác động vào cơ thể tạo ra các gốc tự do và gây lão hóa.
Từ những thuyết trên, rõ ràng không có thuốc để làm thay đổi các chương trình lập sẵn về tiến trình lão hoá gây ra do gen. Tuy nhiên, các gốc tự do lại hoàn toàn có thể ngăn ngừa và hạn chế được. Từ đó, các chất chống ôxy hoá (antioxidants) đã được tìm tòi, nghiên cứu nhằm chống lại quá trình lão hoá gây ra do gốc tự do.
Ngoài ra, việc phòng ngừa sự hình thành gốc tự do bằng cách phòng, tránh các tác nhân có hại từ bên ngoài cũng góp phần làm hạn chế quá trình lão hóa. Nghiên cứu in vitro cho thấy nhiều loại thuốc có khả năng kéo dài quá trình sinh trưởng, phát triển và tồn tại của tế bào động vật tuy nhiên các thử nghiệm trên cơ thể sống lại chưa có kết quả khả quan. Như vậy các chất chống ôxy hoá hiện nay đã có, đang rất được quan tâm và được sử dụng tương đối rộng rãi để góp phần làm trì hoãn quá trình lão hoá do gốc tự do nhưng thuốc chống lão hoá với tác dụng thực sự chấm dứt hiện tượng lão hoá thì vẫn còn phải... chờ trong tương lai.
Hiện nay có nhiều chất chống ôxy hoá được sử dụng nhằm hạn chế quá trình lão hoá ví dụ như: vitamin E, C, A, B6, B12, selenium, lycopene, lutein, catechin, cryptoxanthin, isoflavonoid, lignan, indoles, các nguyên tố vi lượng như kẽm, đồng... Các chất này cũng thường có trong các loại rau quả, thức ăn tự nhiên, muối khoáng. Các chất sẵn có trong tự nhiên có tác dụng tốt hơn các chất được bào chế, chiết xuất, tổng hợp. Tuy nhiên hiện nay có quá nhiều quảng cáo quá mức về các chất chống lão hoá mà thực tế tác dụng của chúng chỉ ở mức độ hỗ trợ và làm chậm lại có mức độ quá trình lão hoá ở trong từng trường hợp nhất định chứ không phải tất cả. Ngoài ra còn phải tránh các yếu tố tác động có hại từ bên ngoài như tia tử ngoại (trong ánh nắng mặt trời), phóng xạ, bức xạ, vi khuẩn, thức ăn, hoá chất... kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt phù hợp mới có hiệu quả.
Biểu hiện lão hoá của da rất dễ nhận thấy như nhăn nheo, mất đàn hồi, khô, xù xì, thô ráp, bong vảy, thay đổi màu sắc... Yếu tố bên ngoài là nguyên nhân chủ yếu gây lão hoá da sớm và nhanh, chiếm khoảng 90% và có thể phòng tránh, trong khi nguyên nhân do gen khoảng 10%. Các chất chống lão hoá ở trên cũng được sử dụng trong da liễu để chống lão hoá cho da. Ngoài ra còn có các sản phẩm sử dụng các chất chống ôxy hoá dùng bằng đường bôi ngoài da. Tuy nhiên các sản phẩm bôi ngoài có chứa các loại vitamin, khoáng chất tác dụng cũng hạn chế vì hoặc là không thấm được qua da (do trọng lượng phân tử cao) hoặc là ít bền vững nên dễ bị phá huỷ và mất tác dụng. Đối với lão hoá da do yếu tố bên ngoài như ánh sáng, thuốc lá, alcohol... có thể cải thiện bằng cách tránh yếu tố nguyên nhân và dùng thuốc bôi có thành phần coenzyme Q10, alpha lipoic acid, các chất có tác dụng tẩy như glycolic acid, Tri-chlo acetic acid, alpha hoặc beta hydroxy acid, hoặc laser, botox, filler... Gần đây có một số tác giả còn nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc vào chống lão hoá da nhưng kết quả cũng còn nhiều tranh luận. So với chống lão hoá trên phương diện tổng thể, chống lão hoá da có nhiều hiệu quả và khả quan hơn.
GS.TSKH. Hoàng Tích HuyềnTrường đại học Y Hà Nội
Tốt nhất là bổ sung bằng các sản phẩm từ thiên nhiên
Hàng ngày, ta tiếp xúc với môi trường có chứa nhiều chất độc hại (tia cực tím, khí thải, khói bụi, hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật...). Những chất đó khi còn ở ngoài hay khi vào cơ thể sẽ tương tác với nhau tạo ra các gốc tự do ngoại nhập (chất ôxy hóa). Các gốc tự do này sẽ tăng cường quá trình ôxy hóa, tác động lên các DNA... làm hư hỏng tế bào... làm cho quá trình lão hóa theo sinh lý sẽ bị thúc đẩy diễn ra nhanh hơn bình thường. Cơ thể sẽ chóng già hơn (già trước tuổi). Vitamin E, C, beta caroten, selenium chống lại các gốc tự do, làm chậm quá trình ôxy hóa, sự hư hỏng tế bào... nên giúp làm chậm lại quá trình lão hóa.
Chúng ta cần biết rằng, bản thân cơ thể cũng tự tạo ra gốc tự do nội sinh do quá trình hô hấp tế bào và cũng chính cơ thể lại tự sản xuất ra các chất để chống lại các gốc tự do nội sinh. Nếu quá trình sinh lý bình thường thì các gốc tự do nội sinh sẽ sinh ra vừa phải, bị chính các chất chống ôxy hóa nội sinh trong cơ thể như gluthation, coenzym 10... thu dọn. Nhưng khi bị một rối loạn nào đó (bệnh tật, hay các tương tác bất lợi), các gốc tự do nội sinh quá nhiều và lực lượng “thu dọn” sẵn có trong cơ thể không đủ để đáp ứng. Lúc này cần bổ sung các chất chống ôxy hóa từ bên ngoài vào. Nếu chế độ ăn uống (ăn nhiều hoa quả) không đủ mới dùng thuốc để bổ sung.
Tuy nhiên chất chống lão hóa chỉ làm chậm chứ không làm đảo ngược quá trình lão hóa, và chỉ thực sự có hiệu lực khi dùng đúng lúc và đúng cách.
(Theo Phương Thu // Sức khỏe & Đời sống)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com