Dùng xương voọc ghép xương đùi cho thương binh, dùng xương của trâu, bò để tạo thành những đinh xương kết ghép vào hai đầu xương bị gãy, bàn mổ là những chiếc xuồng ba lá. Đó thực sự là kỳ tích của những bác sĩ trong chiến tranh. Người còn sống, người đã ra đi nhưng...
Bệnh viện dã chiến trong thời chống Mỹ- nơi các bác sĩ đã có những phát minh độc nhất vô nhị của mình để cứu chữa thương binh - Ảnh tư liệu |
Chuyện về " Thủy xương Voọc"
Đã 43 năm trôi qua, người lính Nguyễn Hải Thủy thuộc Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam, vẫn còn nhớ như in trận giáp lá cà Thiện Ngôn ác liệt, suýt cướp đi sinh mạng của mình. “Trận đánh kết thúc, tui bị đạn bắn dập nát chân phải, các bác sĩ chẩn đoán có thể phải cưa toàn bộ chân" - thương binh Hải Thủy nhớ lại.
Nhìn chàng trai 19 tuổi quằn quại trong nỗi đau, bác sĩ Dương Văn Hải mà anh em vẫn gọi là Tư Hải, thuộc BV Liên Cơ - Ban Dân y, Trung ương cục Miền Nam đã quyết định lấy xương voọc ghép xương đùi cho anh.
Nhìn vào cái chân còn những vết sẹo sau cuộc phẫu thuật giữa rừng, người thương binh giờ đã bước sang tuổi 63 kể lại câu chuyện đầy hứng khởi. “Tháng 12- 1967, Mỹ huy động hàng ngàn quân đổ bộ xuống ngã ba lộ 20, 22, xây dựng nơi đây thành căn cứ quân sự Thiện Ngôn. Tui cùng mấy anh em trong Đoàn 180 An ninh vũ trang do anh Nguyễn Hồng Thanh được lệnh mật phục chặn đánh quyết liệt với địch"- Ông Thủy kể.
"Ngoài công lao dùng xương voọc ghép xương cho đồng đội bị thương, bác sĩ Tư Hải đã trực tiếp mổ trong thời gian ở Liên Cơ khoảng 1.000 trường hợp". |
Sau khi cùng đồng đội triệt hạ 20 tên địch cùng 2 chiếc xe tăng, ông Thủy bị đạn bắn từ phía sau giập nát toàn bộ đùi bên phải. Một đồng đội của ông lúc ấy đã lấy hai cây thông nòng của súng AK, xé khăn băng bó rồi chặt cây rừng khiêng ông về trạm giải phẫu tiền phương. Sau đó ông được chuyển đến BV Liên Cơ.
“Tưởng chừng như cái chân phải vĩnh viễn ở lại chiến trường, nhưng tại đây bác sĩ Tư Hải đã quyết định ghép xương đùi cho tui bằng được, ca mổ cho tui quả là có một không hai".
Ban đầu, các bác sĩ lấy tre ghép lại thành bàn mổ, đèn mổ là đèn măng- sông và đèn pin tự chế… sau đó, mới chuẩn bị đi lấy xương voọc để ghép.
Theo ông Thủy thì việc lấy xương voọc không phải dễ dàng bởi súng nổ sẽ làm địch phát hiện. Vì vậy, người được chọn làm xạ thủ hạ voọc lúc bấy giờ là đại đội trưởng Nguyễn Văn Cứu luôn phải theo phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng".
Chỉ sau đúng một phát đạn, xạ thủ Nguyễn Văn Cứu đã hạ được con voọc lớn nhất bầy. Hạ xong, voọc được đưa ngay về bệnh viện lấy xương luộc nhiều lần, ngâm trong cồn 90 độ sát trùng, sau đó được đưa vào ghép.
Sau 4 tiếng đồng hồ, ca ghép đã thành công tốt đẹp. Hai tháng sau thương binh Hải Thủy đã dần hồi phục với cái chân ghép xương voọc. Đến cuối năm 1968, ông ra viện. Cũng kể từ ca ghép kỳ tích ấy, mà cái tên “Thủy xương voọc" ra đời.
Ngâm mình mổ cho đồng đội
Rời cương vị giám đốc BV Nhân dân 115 TPHCM gần 2 năm nay theo chế độ nghỉ hưu, nhưng bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh vẫn sốt sắng với công việc như thời ông còn là một cán bộ y tế của đội phẫu thuật tiền phương Nam.
Ngồi lại trong thời bình, bác sĩ Khánh vẫn nhớ nhóm cán bộ y tế của Ban Dân Y Trung ương Cục miền Nam được điều về phục vụ ở chiến trường Mậu Thân 1968 do bác sĩ Lâm Thiên Trường làm đội trưởng, còn phụ trách đội là bác Sáu Dân - nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Tư lệnh tiền phương.
Tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử cùng những sáng kiến cứu sống hàng ngàn thương binh. |
Theo bác sĩ Khánh, thời điểm Mậu Thân phòng mổ được làm bán âm, dưới bán âm và phòng mổ trên sàn hay dưới địa đạo. Trong khi đó, đội phẫu thuật tiền phương Nam thì gần như thường xuyên lấy xuồng ba lá làm bàn mổ.
“Nhiều khi anh em mổ cho thương binh ở nhà dân, trong vườn nhà dân…có khi bác sĩ đứng ngụp dưới nước hay ngập sâu dưới bùn để mổ" - Ông Khánh nói vui: “Những kiểu phẫu thuật như vậy vẫn diễn ra hằng ngày và có lẽ chỉ có ở Việt Nam".
Theo bác sĩ Khánh, có khi phải dùng nước muối để sát trùng vết thương, dùng nước dừa để thay nước truyền dịch.
Độc nhất vô nhị
Ngoài phát mình lấy xương voọc ghép vào xương người, trong những năm mưa bom bão đạn, có thêm những bác sĩ với những sáng kiến khiến nhiều người ngạc nhiên. Tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử cùng những sáng kiến cứu sống hàng ngàn thương binh. Bác sĩ Vũ Trọng Kính là một trong số những người đó.
Sau những trận đánh, chiến sĩ ta lại đối diện với nhiều vết thương gãy tay, chân. Tuy nhiên do không có phương tiện cứu chữa, thương binh bị gãy tay chân chỉ được nẹp bằng nẹp tre nên dù được chữa lành vết thương nhưng do không có phương tiện cố định xương nên sau đó xương thường bị cong, vẹo hoặc chỗ bị thương giữa hai đầu xương phát triển thành cái khớp giả, không cử động được.
Năm 1964 khi bác sĩ Kính xung phong vào chiến trường miền Nam và tham gia ngay chiến dịch Bình Giã với vai trò chỉ huy đội phẫu thuật chuyên khoa cánh Đông.
Tại chiến dịch này, đã có nhiều chiếc sĩ bị thương gãy xương và cũng từ đó, ông trăn trở làm sao cố định được chỗ gãy để không làm cho xương bị cong. Từ trăn trở đó, ông đã mạnh dạn ứng dụng phương pháp kết xương dị loài cổ điển của giáo sư Savalt O’rale để cứu chữa cho hàng trăm thương binh.
Thời điểm ấy, phương pháp này chỉ còn tồn tại ở những tài liệu cũ kỹ mà ông tình cờ đọc được khi sang Nga học vào những năm 1960. Đây là phương pháp dùng xương trâu, bò… để tạo thành những đinh xương kết ghép vào hai đầu xương gãy, ổn định, điều trị cho xương mau lành.
Một người để lại tiếng vang cho ngành y tế xuyên suốt mấy mươi năm qua là GS - BS Nguyễn Thiện Thành - người đã nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng việc chữa bệnh bằng phương pháp Filatov từ năm 1952 và trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đây là phương pháp chữa bệnh do giáo sư N.P.Filatov - người Anh, sống tại thành phố Odessa - Nga nghiên cứu và phát minh. Phương pháp này được áp dụng trên nguyên lý: khi các tế bào bị cắt lìa khỏi cơ thể và đem đặt vào một môi trường kìm hãm sự sống như bỏ vào tủ lạnh từ 0 đến 4 độ C, tế bào này phải đấu tranh với nghịch cảnh để tồn tại. Trong khi đấu tranh để sống còn, tế bào ấy tiết ra một chất gọi là Biostimuline giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
Năm 1950, BS Nguyễn Thiện Thành đã tiếp cận được nguyên lý này trong hoàn cảnh lao tù khi ông bị giặc Pháp bắt và giam tại nhà giam Virgile. Sau khi ông ra tù năm 1951 với sáng tạo dùng bánh nhau sản phụ để ứng dụng.
Theo nguyên lý, bánh nhau là một tổ chức tế bào sống, nếu bị đặt trong nghịch cảnh, các tế bào nhau sẽ huy động sức tự vệ để chiến đấu, sản xuất ra chất Biostimuline.
Đem cấy bánh nhau này vào cơ thể hoặc lọc các chất Biostimuline để tiêm vào cơ thể sẽ là một phương thuốc tuyệt vời để trị bệnh. Filatov đã nhanh chóng tạo tiếng vang lớn cho ngành y tế cách mạng.
(Theo Lê Nguyễn // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com