Cũng tương tự, vắc-xin điều trị bệnh cúm A/H1N1 - được điều chế chỉ trong 5 tháng sau khi ca đầu tiên về dịch bệnh cúm này được phát hiện ở Mexico - đã được giới chuyên môn xem là thành tựu y học nổi bật nhất trong năm 2009.
Sau đây là những thành tựu y học nổi bật nhất trong năm 2009 được đài CNN bình chọn:
1. Vắc-xin cúm A/H1N1
Vắc-xin cúm A/H1N1 có thể được xem là thành tựu y học quan trọng nhất trong năm nay.
Loại vắc-xin này đã được chế tạo trong khoảng thời gian kỷ lục, chỉ với 5 tháng kể từ thời điểm những trường hợp cúm A/H1N1 được phát hiện đầu tiên là vào cuối tháng 3.2009.
Công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) đã hoàn tất các vụ thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về loại vắc-xin cúm A/H1N1 vào giữa tháng 8.2009. Sau đó, nhiều hãng dược phẩm khác, trong đó có hãng CSL của Úc và Novartis ở châu Âu, cũng đã lần lượt trình làng vắc-xin của mình.
Các loại vắc-xin này hoặc chứa vi-rút bệnh cúm không còn hoạt động được (tạm gọi vắc-xin 1) hoặc chứa vi-rút còn sống song đã yếu đi không thể gây bệnh cúm được (tạm gọi vắc-xin 2).
Loại vắc-xin 1 thường được dùng dưới dạng tiêm, trong khi vắc-xin 2 là qua dạng phun xịt vào mũi. Cả hai loại vắc-xin này đều được sản xuất bằng cách nuôi dưỡng vi-rút trong trứng gà.
Khoảng 3 tỉ liều vắc-xin cúm A/H1N1 sẽ được sản xuất hằng năm và lô vắc-xin đầu tiêu đã được tung ra thị trường hồi tháng 11.2009.
Vắc-xin cúm A/H1N1, “thần hộ mệnh” của con người trong thời dịch cúm - Ảnh: Reuters |
2. Mắt điện
Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã chế tạo ra một microchip (vi mạch xử lý) có tác dụng giúp người khiếm thị phục hồi một phần thị lực.
“Mắt điện” này không có tác dụng phục hồi thị lực hoàn toàn song sẽ giúp người sử dụng nó có thể nhận thấy được khuôn mặt, hình bóng người khác và xác định được các phòng ốc cũng như đường phố mà không cần trợ giúp.
Con chip này sẽ được cấy vào nhãn cầu của bệnh nhân. Bệnh nhân khiếm thị sau đó sẽ đeo một cặp kính mắt có trang bị một chiếc camera nhỏ giúp truyền hình ảnh trực tiếp đến con chip. Và con chịp này sẽ có nhiệm vụ truyền hình ảnh đến não.
Theo các chuyên gia MIT, một số cuộc thử nghiệm trên heo con đã cho kết quả khả quan. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tiến hành thử nghiệm ở người trong vòng hai năm tới.
“Mắt điện”, niềm hy vọng của người khiếm thị - Ảnh: MIT |
3. Máy trợ thính Lyric
Một loại máy trợ thính mới do các nhà khoa học Mỹ chế tạo đã không còn gây phiền hà cho bệnh nhân khiếm thính với những rắc rối thường hay gặp như pin yếu, phải lấy máy ra trước khi đi tắm hoặc đi ngủ…
Máy trợ thính Lyric, do công ty InSound Medical của Mỹ sản xuất, giúp tránh khả năng phải mổ ghép máy nhờ nó có thể cất giấu ẩn bên trong ống tai.
Thiết bị này có thể được sử dụng suốt 24 giờ mỗi ngày mà không cần lấy ra. Thế nhưng, nó cần được thay thế 3-4 lần mỗi năm. Mỗi lần cần lấy máy ra, người sử dụng chỉ việc lấy thanh nam châm đưa vào tai.
Hiện tại, có khoảng 3.500 người mang máy trợ thính Lyric và số người sử dụng thiết bị này đang ngày càng gia tăng.
Máy trợ thính Lyric - Ảnh: Ubergizmo.com |
4. Xương gỗ
Các nhà khoa học ở Viện Khoa học và Công nghệ Đồ gốm (Ý) đã tìm ra một kỹ thuật mới để tái sinh xương bị gãy rất độc đáo: đó là sử dụng những miếng gỗ nhỏ.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng một số loại gỗ, như gỗ sồi đỏ, có kết cấu xốp rất giống xương người.
Các bác sĩ có kế hoạch dùng những miếng gỗ nhỏ để kích thích quá trình phục hồi của cơ thể.
Anna Tampieri, nhà khoa học thực hiện dự án tạo xương gỗ này, đã phát biểu trên đài CNN rằng trong khi cơ thể có thể tự tạo ra xương mới thì các tế bào máu trong cơ thể cũng cần một vật gì đó để “bấu víu”.
Tampieri đã thử nghiệm thành công phương pháp tạo xương độc đáo này ở loài cừu và hy vọng sẽ sớm thử nghiệm trên người.
Biến gỗ thành xương, một liệu pháp đang được hy vọng sẽ chữa gãy xương - Ảnh: Medgadget.com |
5. Liệu pháp từ trường chống trầm cảm
Một chiếc mũ điện từ có thể giúp hàng triệu người bị trầm cảm vượt qua được bệnh tật mà không cần dùng thuốc chống suy nhược.
Số là các nhà khoa học đã tìm ra Liệu pháp kích thích từ trường xuyên sọ NeuroStar giúp truyền từ trường vào vỏ não của bệnh nhân, vốn là một phần não điều chỉnh các trạng thái tình cảm của con người.
Liệu pháp này có tác dụng kích thích các neuron thần kinh sản sinh ra nhiều chất giúp cải thiện trạng thái tinh thần.
Sau các lần điều trị kéo dài 30-40 phút mỗi ngày, khoảng 1/2 bệnh nhân trong cuộc thử nghiệm lâm sàng liệu pháp này đã giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm và 1/3 cho biết đã phục hồi hoàn toàn, theo công ty Neuronetics.
Kể từ giữa năm 2009, liệu pháp từ trường chống trầm cảm đã được phổ biến ở 31 bang của Mỹ.
Liệu pháp từ trường chống trầm cảm - Ảnh: Newjerseytms.com |
(Theo Huỳnh Thiềm/Thanhnien Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com