Công nghệ vệ tinh và internet sắp được sử dụng để cải thiện việc chăm sóc sức khỏe người dân tại những vùng xa xôi ở Nepal
Người dân tại miền thôn quê Nepal có thể sớm tiếp cận được các bác sĩ chuyên khoa ở xa thông qua internet nhờ một dự án trị giá 400.000 USD của chính phủ.
Một dự án y học từ xa mà chính phủ Nepal sắp thực hiện hứa hẹn sẽ cải thiện việc chăm sóc sức khỏe của người dân _Ảnh: AFP |
Điều kiện khó khăn
Trong vòng vài tuần tới, chính phủ sẽ bắt đầu sử dụng công nghệ vệ tinh để kết nối 25 bệnh viện nằm tại những vùng hẻo lánh và khó tiếp cận trên dãy Himalaya với các bác sĩ chuyên khoa ở thủ đô Kathmandu. Đây là dự án y học từ xa đầu tiên ở Nepal, nơi hàng triệu người sống ở những cộng đồng không có đường sá và phải mất vài ngày đi bộ để đến được bệnh viện gần nhất.
Dự án trên là ý tưởng của bác sĩ Mingmar Sherpa, giám đốc bộ phận hậu cần của Bộ Y tế Nepal. Ông từng có 24 năm quản lý bệnh viện chính ở vùng Everest tại miền Đông Nepal.Trong thời gian làm việc ở đó, người bác sĩ 56 tuổi này hiểu rõ những thách thức mà người dân và nhân viên y tế gặp phải.Ông cho hãng tin AFP biết: “Hầu hết người dân Nepal sống tại những ngôi làng hẻo lánh, nơi thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở khiến họ khó tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe. Mặt khác, rất khó để đưa chuyên gia đến những vùng này. Hầu hết họ đều muốn ở lại thành phố hoặc ra nước ngoài làm việc. Ngay cả việc đưa người đỡ đẻ có kỹ năng đến đó cũng là một thách thức không nhỏ”.
Nepal đã cải thiện đáng kể việc chăm sóc sức khỏe trong những năm gần đây, như giảm tỉ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ em, đồng thời tăng tuổi thọ người dân. Năm 2007, chính phủ bắt đầu thực thi chính sách điều trị bệnh miễn phí cho những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất. Dù vậy, các cơ quan phát triển cho biết vẫn còn 1/4 người dân Nepal chưa tiếp cận được việc chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Điều trị bệnh bằng công nghệ
Ông Sherpa nảy ra ý tưởng về y học từ xa 5 năm trước. Dù vậy, hạ tầng internet ở Nepal vào thời điểm đó là quá yếu để dự án trở nên khả thi. Giờ đây, để phục vụ cho dự án, Bộ Y tế đã xây dựng mạng internet tốc độ cao ở 25 bệnh viện, đồng thời sử dụng công nghệ vệ tinh để cung cấp đủ băng thông cho các cuộc họp qua video.
Theo dự án, các bác sĩ địa phương sẽ đưa hồ sơ bệnh án, cùng với hình ảnh X-quang, hình ảnh siêu âm và kết quả xét nghiệm lên mạng để các bác sĩ chuyên khoa ở Kathmandu kiểm tra. Theo ông Sherpa, hệ thống mới này sẽ giúp chẩn đoán nhanh hơn các bệnh thông thường đồng thời cho phép bệnh nhân hậu phẫu được tiếp tục điều trị ngay tại địa phương mà không cần phải đến Kathmandu.
Dự án cũng giúp các bác sĩ địa phương được đào tạo thêm thông qua các cuộc hội thảo video. Không những thế, các bác sĩ ở Kathmandu còn có thể kết nối với các “siêu chuyên gia” tại 12 bệnh viện ở khắp Ấn Độ để nhận được sự hỗ trợ khi cần.Ngoài ra, chính phủ còn cho lập một đường dây điện thoại miễn phí để cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe cho người dân sống ở vùng hẻo lánh.
Ông Sherpa nhận định: “Nghe có vẻ rất kỹ thuật, nhưng y học từ xa thực ra chỉ là việc sử dụng công nghệ để điều trị bệnh nhân. Đây chỉ mới là sự khởi đầu. Một khi đi đúng hướng, dự án sẽ được mở rộng khắp nước”.
(Theo Phương Võ // Nguoilaodong Onlie)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com