Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các ngành vào cuộc bình ổn thị trường phân bón

Vận chuyển phân đạm tại nhà máy đạm Phú Mỹ. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để bình ổn thị trường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhưng các mặt hàng này vẫn phải qua nhiều tầng nấc trung gian khiến giá bán tăng đến 40% so với giá xuất xưởng.

Đặc biệt là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn ngang nhiên tung hoành khiến nông dân bị thiệt hại nặng nề.

Giá phân bón đến tay người tiêu dùng tăng đến 40%

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy, tình hình sản xuất, buôn bán phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại không nhỏ cho người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính trong nước.

Năm 2010, tổng nhu cầu phân bón trong cả nước cần khoảng 9 triệu tấn, trong khi đó sản xuất trong nước chỉ đạt 6 triệu tấn, phần còn lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến và phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp còn qua quá nhiều tầng nấc, công tác quản lý nhà nước chưa đủ mạnh, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội chưa rõ ràng dẫn đến giá cả bị đội lên cao.

Theo kết quả khảo sát, kênh phân phối phân bón thuốc bảo vệ thực vật hiện đi qua rất nhiều tầng nấc trung gian mới tới được người nông dân. 90% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được tiêu thụ bởi đại lý cấp 2 và 3, đại lý cấp 1 chỉ chiếm 10%.

Trong đó, đại lý cấp 1 là mắt xích quan trọng. Các công ty sản xuất, nhà nhập khẩu không bán hàng trực tiếp cho đại lý cấp 2, 3 và nông dân mà phải thông qua đại lý này. Qua mỗi tầng nấc như vậy, doanh nghiệp đều phải chi một khoản hoa hồng rất cao, khi đến tay nông dân giá bị tăng lên đến 30-40% so với giá xuất xưởng của nhà máy.

Không chỉ vậy, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường cũng khiến nông dân bị thiệt hại nặng nề mà không biết kêu ai. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường vật tư nông nghiệp luôn bất ổn và thật giả lẫn lộn.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2009, qua kiểm tra 859 mẫu phân bón của 17 tỉnh thành thì có đến 419 mẫu không đạt chất lượng, chiếm gần 48,78%, tăng 1,6% so với năm 2008. Trong số các mẫu phân không đạt chất lượng có 58% là phân vô cơ, 23% phân hữu cơ và 19% phân bón lá...

Ước tính của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, nạn phân bón giả làm thiệt hại cho nông dân mỗi năm khoảng 1.200 tỷ đồng, chưa kể đến những thiệt hại không nhỏ như giảm năng suất, ảnh hưởng đến đời sống cây trồng, mà những tạp chất “phụ gia” của các nhà sản xuất sử dụng trong dây chuyền “công nghệ cuốc xẻng” như đất sét, xỉ than... làm hỏng rễ, vàng lá, rụng trái, chết cây, góp phần đầu độc, tàn phá, làm suy nhược nền đất nông nghiệp.

Chung tay vào cuộc

Theo Hiệp hội Phân bón, thị trường phân bón Việt Nam chưa có chiến lược phát triển dài hạn, các văn bản quản lý điều hành đều có tính sự vụ. Chưa có luật phân bón và chiến lược dài hạn cho ngành phân bón. Bên cạnh đó là việc điều tiết thị trường chưa được thực hiện tốt, các số liệu dự báo cung cầu còn có sự chênh lệch lớn.

Chưa có cơ quan nào đứng ra điều tiết hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và dự trữ phân bón trên bình diện tổng thể để cân đối cung cầu trong nước mà hoàn toàn là do các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu tự cân đối phụ thuộc vào khả năng của mỗi doanh nghiệp.

Theo quy định, có ba bộ là Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Công Thương tham gia quản lý lĩnh vực này, nhưng giữa họ không hề có sự thống nhất điều hành nên nảy sinh tình trạng cấp phép tràn lan, với hệ lụy là nhiều nhà máy “công nghệ cuốc xẻng” ra đời.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng, thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề nóng mà các bộ, ngành Trung ương rất quan tâm. Trong đó, còn tồn tại rất nhiều bất cập, kể cả về mặt quản lý sản xuất lẫn phân phối, dẫn đến nông dân luôn phải chịu mức giá cao bất hợp lý.

Để bình ổn thị trường này, trước hết cần phải tập trung giải quyết từ khâu đầu vào, hoàn thiện kênh phân phối, thiết lập hệ thống kênh thông tin về tình hình cung cầu, giá cả để nông dân cập nhật, nắm bắt thông tin, nhanh chóng cải tiến, hoàn thiện công tác xúc tiến thương mại, phát triển hệ thống phân phối từ bán buôn đến bán lẻ thống nhất và thông suốt.

Trong hệ thống ngành dọc, các đơn vị phải có tổng kho và kho phân phối, mạng lưới cửa hàng bán lẻ rộng khắp trên các địa bàn. Cần liên kết với các nhà phân phối chuyên nghiệp để mở rộng thị phần, đặc biệt là ổn định giá bán đến tay người nông dân.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc cần thiết là hình thành Luật Phân bón và cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón. Đồng thời cần triển khai Nghị định số 15/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón để người nông dân và doanh nghiệp sản xuất chân chính bớt thiệt thòi.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, giá cả, bên cạnh việc xử phạt cần phải nêu tên các doanh nghiệp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Mặt khác, tăng cường công tác tập huấn cho nông dân về cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách an toàn, hiệu quả; đồng thời cung cấp sổ tay để nông dân ghi chép trong từng mùa vụ, từ đó đánh giá được chất lượng vật tư nông nghiệp mình đã sử dụng và rút kinh nghiệm cho vụ sau, góp phần làm giảm chi phí đầu tư./.

Văn Xuyên (TTXVN/Vietnam+)

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
  • Công nghiệp Việt Nam 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng
  • Tranh cãi về chuyện nuôi chim yến
  • Người chăn nuôi đối mặt với lỗ
  • Ngành chăn nuôi lao đao
  • Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về thu hút FDI
  • “Xanh hóa” sản xuất công nghiệp
  • Căng thẳng thị trường giấy
  • Lào: Ngành công nghiệp chế biến tăng trưởng cao
  • Tiếp sức công nghiệp hỗ trợ
  • Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ
  • ĐBSCL mở rộng diện tích trồng mía lên 90.000ha
  • Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi: Ngày càng phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container