Bức tranh đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào VN trong 5 tháng đầu năm 2010 có 3 điểm sáng: tăng tốc về giải ngân, nhiều chuyển dịch về lĩnh vực đầu tư, đóng góp lớn cho xuất khẩu.
Các doanh nghiệp FDI chiếm 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm |
Tăng tốc giải ngân
Giải ngân vốn FDI trong tháng 5 đã tăng thêm 1,1 tỷ USD, một mức khá cao so với bình quân chung của nhiều năm trước, đưa con số này của 5 tháng đầu năm lên mức 4,5 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Bình quân mỗi tháng từ đầu năm đến nay, giải ngân vốn FDI của Việt Nam đạt khoảng 900 triệu USD, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết.
Kết quả thu hút đầu tư vẫn tiếp tục khởi sắc với nhiều khoản vốn mới được các nhà đầu tư nước ngoài cam kết. Trong tháng qua, đã có 97 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 1,5 tỷ USD. Tính chung 5 tháng, đã có 360 dự án đăng ký cấp mới với tổng vốn cam kết đầu tư đạt trên 7,1 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ 2009.
Có thể thấy, kết quả giải ngân vốn FDI đang đạt tỷ lệ khá cao so với vốn đăng ký (4,5 tỷ so với 7,5 tỷ USD), thể hiện việc các dự án đăng ký đầu tư trước đó đang tăng tốc giải ngân tại thời điểm này. Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu
Xét theo lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với 127 dự án, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 2,55 tỷ USD, chiếm 33,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí... đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD, chiếm 28,6%. Có thể kể đến các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực này như dự án điện lực AES-TKV Mông Dương tại Quảng Ninh với vốn đầu tư là 2,1 tỷ USD; hai dự án nhà máy thép tại Nghệ An với vốn đầu tư 1 tỷ USD và tại Bà Rịa - Vũng Tàu với vốn đầu tư 620 triệu USD...
Lĩnh vực trước đây luôn “nóng” về FDI là bất động sản chỉ đứng thứ ba với tổng vốn 1,283 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm, chiếm 17%.
Mới đây, ngày 11/6, lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu thuộc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ cũng đã đến TP.HCM để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đây là những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hạ tầng, y tế, công nghệ thông tin, giáo dục, năng lượng..., những lĩnh vực mà VN nói chung và TP.HCM ưu tiên đầu tư.
Phó Chủ tịch hãng Oracle, ông Joseph Alhadeff cho biết, doanh nghiệp sẽ chú ý đầu tư nâng cấp công nghệ băng thông rộng, tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và hỗ trợ các dự án giáo dục tại Việt Nam.
Chiếm 51% kim ngạch xuất khẩu
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy từ đầu năm nay, các doanh nghiệp FDI chiếm 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước chiếm phần còn lại.
Trong khi năm 2009, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chỉ là 47% so với 53% của các doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong 5 tháng đầu năm đạt 13,8 tỷ USD (kể cả dầu thô), tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này cũng đạt 11,7 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Con số này hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2010 khi một số doanh nghiệp FDI cũng có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu. Chẳng hạn, theo kế hoạch, Intel Việt Nam đang hoàn tất giai đoạn lắp đặt thiết bị và thẩm định dây chuyền sản xuất đầu tiên. Đến tháng 7, sẽ xuất xưởng lô hàng chip đầu tiên từ nhà máy này. Dự kiến quý III và quý IV, đơn vị sẽ sản xuất khoảng 6 triệu sản phẩm.
Samsung Vina cho biết, bắt đầu từ tháng 6, công suất các nhà máy đã nâng lên xấp xỉ 4 triệu sản phẩm/tháng để đạt mục tiêu xuất khẩu 42 triệu sản phẩm, giá trị ước đạt 1,5 tỷ USD, phấn đấu trở thành doanh nghiệp FDI có giá trị xuất khẩu lớn nhất VN.
(Theo Công Trí // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com