VN sẽ xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) đối với một loạt ngành công nghiệp chủ lực như thế nào? Các chuyên gia cho rằng cơ hội không phải đã hết, vấn đề là chọn đúng ngành và phải đột phá về mặt chính sách.
Dự án của Intel và Samsung là hai ví dụ cho thấy nếu có định hướng rõ ràng, ngành CNPT sẽ có hướng ra.
Cơ hội thứ hai từ Samsung
Khi Tập đoàn Samsung đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất khu vực với tổng vốn đầu tư hơn 670 triệu USD, nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng hơn từ dự án này là hàng chục nhà sản xuất linh kiện vệ tinh cho Samsung sẽ theo vào.
Ông Yoo Young Bok, tổng giám đốc Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung (SEV), cho biết bước đầu sẽ có sáu công ty vệ tinh của SEV, cung cấp những linh kiện quan trọng như màn hình, camera, pin...
Theo SEV, chỉ riêng kế hoạch năm 2010, vốn đầu tư từ số doanh nghiệp vệ tinh có thể tương đương ít nhất 50% vốn đầu tư của công ty này.
Theo ông Trần Quang Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử VN, nếu chỉ nhìn vào Samsung thôi cũng thấy rằng việc tiếp tục duy trì ngành CNPT cho VN là cần thiết.
“Tuy nhiên, cần tập trung chọn lọc ngành có thế mạnh, sản xuất số lượng lớn và hướng đến một vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tốt nhất là nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới, tận dụng linh kiện, phụ tùng sẵn có của nước ngoài để thiết kế ra các sản phẩm riêng của VN. Đầu tư sản xuất mạch vi điện tử hoặc đầu tư vào màn hình phẳng là thua trắng” - ông Hùng nói.
Theo các chuyên gia trong ngành, với những đầu tư mới, có chiều sâu, đích đến là thị trường toàn cầu, như mô hình của SEV sẽ kéo theo hàng loạt nhà cung ứng thứ cấp. Bởi với loại hình sản xuất và cung ứng toàn cầu thì yêu cầu về tính cấp thời và sự linh hoạt trong kế hoạch sản xuất - giao hàng là hết sức cần thiết. Một dự án như SEV sẽ kéo theo 20-30 nhà sản xuất phụ trợ làm hạt nhân thúc đẩy ngành CNPT VN. “Đây là cơ hội thứ hai cần chớp lấy và khai thác, đừng để nó trở thành cơ hội cuối cùng” - ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung VN, khuyến cáo.
Intel và 10 năm nữa
Nói về khả năng của các doanh nghiệp VN trong việc cung cấp nguyên liệu trực tiếp cho Intel, tổng giám đốc Intel Products VN Rick Howarth thẳng thắn: “Các công ty VN không có cửa!”. Theo ông Rick Howarth, trên toàn thế giới chỉ có 4-5 công ty của Nhật Bản và Đài Loan có thể cung cấp đế chip (substrates). Tụ điện chip (chip capacitors) hay hỗn hợp hàn chip (flux, under-fill) thì hiện có những công ty ở Trung Quốc, đảo Đài Loan, Nhật Bản. Những công ty này có công nghệ thuộc loại “đặc chủng” phục vụ các nhà máy Intel. Thừa nhận đây là lĩnh vực khó đầu tư, tổng giám đốc Intel Products VN cho rằng trong vòng 5-10 năm nữa khó có một công ty nào của VN đủ khả năng lao vào lĩnh vực này, chỉ có thể hi vọng những công ty nước ngoài đến VN mở nhà máy”.
Tuy nhiên, theo ông Rick Howarth, VN hoàn toàn có thể đi theo hướng phát triển các nhà cung ứng nguyên liệu gián tiếp cho Intel. Lấy Costa Rica làm ví dụ, khi Intel đầu tư vào đây, ngành công nghiệp hỗ trợ của nước sở tại đã thay đổi. Không chỉ tạo ra thêm 2.000 công việc gián tiếp thông qua hoạt động mua hàng từ các nhà cung cấp trong nước, giá trị mua hàng và dịch vụ đạt 50-150 triệu USD, chiếm 10-12% giá trị xuất khẩu của Intel. Hơn 40 mối liên kết giữa các nhà cung cấp địa phương với các tập đoàn đa quốc gia đã được hình thành tại Costa Rica từ chương trình phát triển ngành CNPT do Intel và chính phủ nước này khởi xướng.
“Làm được điều này, VN cần có kế hoạch và những chính sách ưu đãi để các công ty VN phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài cho ngành CNPT. Rất khó để nói về 5-10 năm tới vì điều này phụ thuộc nhiều vào các công ty địa phương và chiến lược phát triển ngành CNPT của VN” - tổng giám đốc Intel Products VN nhận định.
Vì vậy, khi Intel đóng cửa hai nhà máy tại Malaysia và Philippines, nhiều chuyên gia cho rằng cơ hội vô cùng lớn đang đến với VN. Nhưng để có được mô hình như Costa Rica, VN phải mất khoảng 10 năm và hoàn toàn tùy thuộc vào sự phát triển của thị trường, cũng như năng lực của ngành CNPT địa phương.
(Báo Tuổi Trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com