![]() |
Công nghiệp phụ trợ Việt Nam mới phát triển ở mức độ sơ khai. Nguồn: Vinasme. |
Theo tiến sĩ Matthias Dühn, giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cuộc chạy đua thu hút đầu tư sắp tới giữa các nước ASEAN sẽ là cuộc đua phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Nhiều tỉnh thành của Việt Nam hiện cũng kêu gọi đầu tư vào ngành này nhưng lúng túng vì không biết công nghiệp phụ trợ cụ thể là gì.
Trong một buổi gặp mặt mới đây giữa các các bộ phận xúc tiến đầu tư, một đại diện của tỉnh Bình Thuận cho biết, ngoài thế mạnh lâu nay là du lịch, tỉnh đang quan tâm nhiều hơn đến công nghiệp phụ trợ nhưng còn lúng túng, chỉ biết ưu tiên cho cơ khí và chế tạo ô tô, cụ thể là gì thì chưa rõ.
Chưa hiểu rõ
Trường hợp của Bình Thuận không phải là cá biệt, mà nhiều tỉnh khác cũng gặp khó khăn này.
“Các anh chị ở địa phương nói rất nhiều về công nghiệp phụ trợ nhưng chúng ta chưa hoàn toàn hiểu kỹ về công nghiệp phụ trợ. Bản thân chúng tôi nói thật cũng không hiểu sâu sắc về công nghiệp phụ trợ”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), nói tại cuộc gặp trên.
“Chúng ta chỉ mới có khái niệm về một số lĩnh vực công nghiệp phụ trợ như điện, may mặc, công nghiệp giày da, với một số công đoạn như hàn đá, khuôn, và một số công đoạn khác. Nhưng thực ra xúc tiến đầu tư vào công nghiệp phụ trợ như thế nào, cả về chính sách lẫn thực tiễn, vẫn là một câu hỏi đang bỏ ngỏ. Phải biết xúc tiến vào đâu thì chúng ta mới kết nối được các doanh nghiệp của nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng một ngành công nghiệp phụ trợ thực sự của Việt Nam”, bà Vân cho biết.
Bà Vân cho biết thêm, trong năm tới Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ tập trung vào việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, trước tiên là tạo một hành lang pháp lý cho hoạt động này.
Được biết, Bộ Công thương đã lập tổ biên tập dự thảo nghị định về chính sách phát triển một số chuyên ngành công nghiệp phụ trợ. Theo dự thảo, chính phủ sẽ đưa ra hỗ trợ và ưu đãi để phát triển công nghiệp phụ trợ cho 5 chuyên ngành: cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt-may, da-giày. Các chuyên ngành này được coi là có hàm lượng công nghiệp phụ trợ cao và có triển vọng để phát triển công nghiệp phụ trợ.
Nghị định sẽ có hướng dẫn cụ thể và chi tiết về những sản phẩm linh kiện, phụ tùng, vật liệu, phụ kiện và bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh của 5 chuyên ngành kể trên, thay vì chỉ nói chung chung là ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ
Ngoài ra, nghị định được cho là sẽ tạo hành lang pháp lý và chính sách tập trung hơn để doanh nghiệp không phải “mò mẫm” xem mình có thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không khi sản xuất ra sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho một ngành nào đó. Ngoài ra nghị định sẽ giúp chính phủ đo lường được hiệu quả chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp này.
Và còn nhiều vướng mắc
Ông Trần Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho Thời báo Kinh tế Sài gòn Online biết, dự thảo nghị định đã được gửi lên Chính phủ và đang đợi Thủ tướng ký duyệt. Theo ông Hùng, nghị định dự kiến là được phê duyệt vào cuối năm 2010, nhưng đến giờ vẫn chưa được ban hành.
Ông Hùng cho biết thêm hiện cũng còn những vướng mắc như, có nên ban hành một nghị định hay ra hẳn một luật về ngành công nghiệp phụ trợ, vì một “nghị định không đầu” (nghị định chưa có luật điều chỉnh) như thế sẽ khó có thể mang lại hỗ trợ thực sự cho ngành công nghiệp phụ trợ. Và, nếu phải đợi Quốc hội ra một luật về công nghiệp phụ trợ thì doanh nghiệp và các địa phương sẽ phải tiếp tục chờ thêm một thời gian nữa.
Theo ông Tạ Minh Thành, Phó trưởng phòng Hành chính – bổ trợ tư pháp (cơ quan đại diện phía Nam của Bộ Tư pháp), một “nghị định không đầu” như thế sẽ gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, lâu nay đã có một số quy định ưu đãi công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ cho một số ngành nhưng nằm rải rác ở nhiều luật và các văn bản pháp quy khác nhau.
Do đó, nghị định mới này dù có đưa ra nhiều hỗ trợ và ưu đãi cho doanh nghiệp thì vẫn có hiệu lực thực thi thấp hơn một nghị định khác có luật điều chỉnh. Ngoài ra, việc hướng dẫn “nghị định không đầu” cũng sẽ khó khăn, vì nếu hướng dẫn quá chi tiết thì sẽ dễ động đến các quy định luật khác đã có trước đó, do vậy“nghị định không đầu” dễ có tính chất chung chung, và như thế hiệu quả hỗ trợ thực sự lại không cao.
“Việc có một luật hoàn chỉnh về ngành này là quá tốt, nhưng trong khi chưa có lựa chọn tốt nhất thì ta nên chọn cái gần tốt”, ông Thành cho biết.
Theo bản dự thảo nghị định, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ, tức sản xuất vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng trong 5 ngành (cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt-may, da-giầy), sẽ được hưởng một số hỗ trợ và ưu đãi. Chẳng hạn như, doanh nghiệp được ưu tiên xem xét dành quỹ đất thích hợp cho các dự án đầu tư sản xuất, hay được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp được tự đề xuất cụ thể các cơ chế ưu đãi đặc biệt gửi lên Hội đồng thẩm định dự án công nghiệp phụ trợ xem xét và trình Thủ tướng. |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com