Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lại một mùa muối... đắng!

Với giá muối như hiện nay, người làm muối càng thu hoạch nhiều càng lỗ nặng

Nắng nóng, khô hạn kéo dài là điều kiện thuận lợi để người sản xuất muối thu hoạch với năng suất tăng trên 30% so với mọi năm nhưng diêm dân ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng vẫn rơi nước mắt do muối rớt giá thê thảm.

Ông Trần Văn Đông (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình-Bạc Liêu) thẫn thờ bên ruộng muối của mình

Không màng thu hoạch

Với diện tích trên 3.000 ha, Bạc Liêu được xem là tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hằng năm, diêm dân Bạc Liêu cung cấp ra thị trường trên 100.000 tấn muối các loại. Dù vậy, vẫn không ai giàu lên bằng nghề sản xuất muối. Có chăng là những thương lái, đầu nậu muối chuyên dự trữ, mua đi bán lại. Cái vòng luẩn quẩn trúng mùa mất giá, thất mùa được giá từ khi nghề làm muối khai sinh đến nay vẫn đeo bám theo những mảnh đời cơ cực của diêm dân như hình với bóng.

Thông thường, khi những cơn mưa trái mùa ập đến là diêm dân lo cuống cuồng thu hoạch. Nhưng năm nay, “chuyện lạ” đang xảy ra trên những cánh đồng muối mênh mông: Người dân không màng đến chuyện thu hoạch mặc cho mùa mưa đã đến. Cả tháng nay, ông Trần Văn Đông (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình-Bạc Liêu) cứ thất thểu trên đồng muối của mình. Mấy ngày trước, ông tìm được mối bán gần 1 tấn muối với giá chỉ 450 đồng/kg để trả chi phí, tiền nhân công... Ông chua chát cho biết: “Với giá muối như hiện nay, người làm muối càng thu hoạch nhiều lại càng lỗ nặng. Tất cả chi phí xăng dầu, nhân công đều tăng chóng mặt nhưng giá muối ngày càng thấp khiến chúng tôi chỉ biết rơi nước mắt”.

Cảnh ăn trước trả sau đối với những người làm muối diễn ra khắp nơi trên cánh đồng muối ĐBSCL nhiều năm nay. Do không có vốn đầu tư nên họ phải vay mượn tứ phương, trong đó phần nhiều là vay của các thương lái. Vì thế, cứ đến mùa thu hoạch, các thương lái chỉ việc mang phương tiện đến vận chuyển, dù giá muối thế nào thì diêm dân cũng phải cắn răng mà bán để trừ nợ. Cảnh bán “muối non” như thế cứ tiếp diễn từ vụ mùa này sang vụ khác. Năm nào nắng to, trúng mùa thì mất giá; năm nào mưa trái mùa, muối thất thì giá tăng lên. Nói như vậy không phải thời tiết quyết định giá muối mà do chính thương lái chi phối. Hiện nay, thị trường tiêu thụ muối nội tỉnh chủ yếu từ Nhà máy Muối Bạc Liêu, mỗi năm, chỉ thu mua trên 10.000 tấn, còn lại trên 100.000 tấn người dân không biết tiêu thụ ở đâu. Tất cả đều thông qua thương lái, họ trả bao nhiêu diêm dân bán bấy nhiêu.

Đầu tư nhiều, lời chẳng bao nhiêu

Sau nhiều lần khảo sát, đầu năm 2010, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ xây dựng chỉ giới địa lý nhằm tạo một bước cho việc xây dựng thương hiệu muối Bạc Liêu. Trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đã trình diễn mô hình trải bạt trong sản xuất muối và năm 2010, có trên 100ha được diêm dân sản xuất theo mô hình này. Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải-Bạc Liêu, cho biết kỹ thuật sản xuất muối bằng cách trải bạt giúp năng suất tăng 30% so với nền đất truyền thống. Trớ trêu thay, muối sản xuất ra nhiều nhưng lại bán không được giá. Ông Nguyễn Quốc Vinh, Chủ nhiệm HTX Diêm Nghiệp (ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải), bộc bạch: “Để đầu tư sản xuất theo phương pháp trải bạt, HTX phải mua bạt (thiếu nợ) hơn 1 tỉ đồng nhưng với giá muối này thì không biết lấy tiền đâu mà trả. Chúng tôi đang huy động xã viên đưa HTX vay sổ đỏ của gia đình để đem thế chấp ngân hàng lấy tiền trả nợ”.

Không riêng gì diêm dân Bạc Liêu, diêm dân các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng cũng đang “khóc ròng” vì giá muối. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Châu-Sóc Trăng, cho biết năm nay, Vĩnh Châu ước đạt trên 60.000 tấn muối. Nhưng giá hiện nay khá thấp, cộng với ntình trạng tiêu thụ chậm, buộc diêm dân phải trữ muối vì bán không có lãi.

Bạc tỉ... phơi sương!

Có những công trình cứ tưởng sẽ giúp diêm dân giảm bớt nỗi nhọc nhằn nhưng hiện giờ lại đang nằm phơi sương. Cụ thể, dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, do Tổng Công ty Muối (Bộ NN-PTNT) triển khai từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hoặc công trình trạm bơm cấp nước cho đồng muối (ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải) được đầu tư xây dựng hơn 5,5 tỉ đồng và hoàn thành từ năm 2008 nhưng lại không thể vận hành vì kênh thủy lợi không có... nước.

( Bài và ảnh: KHÁNH CHÂU // Nguoilaodong Online)

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
  • Công nghiệp Việt Nam 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng
  • Tranh cãi về chuyện nuôi chim yến
  • Người chăn nuôi đối mặt với lỗ
  • Ngành chăn nuôi lao đao
  • Các ngành vào cuộc bình ổn thị trường phân bón
  • Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về thu hút FDI
  • “Xanh hóa” sản xuất công nghiệp
  • Căng thẳng thị trường giấy
  • Lào: Ngành công nghiệp chế biến tăng trưởng cao
  • Tiếp sức công nghiệp hỗ trợ
  • Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ
  • ĐBSCL mở rộng diện tích trồng mía lên 90.000ha
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container