Xưởng kéo sợi của Công ty CP Dệt may Hoàng Thị |
Nhu cầu lớn về nguyên liệu, phụ liệu dệt - may
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè Phạm Phú Cường cho biết, Tổng công ty chỉ sử dụng được 20% nguyên liệu và 50% phụ liệu trong nước, còn lại đều phải nhập từ nước ngoài. Năm 2009, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu của Tổng công ty là 150 triệu USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu là 240 triệu USD. Nguyên liệu, phụ liệu sản xuất trong nước chưa phong phú, đa dạng, giá bán lại cao hơn hàng nhập khẩu từ 5% đến 10% là lý do khiến DN này phải nhập khẩu phần lớn các loại nguyên liệu, phụ liệu.
Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của Công ty cổ phần may Ðồng Nai đạt 31,5 triệu USD. Con số này không hề sụt giảm so với năm 2008 mặc dù công ty gặp nhiều khó khăn do nhiều đối tác giảm đơn hàng. Thế nhưng theo Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Bùi Thế Kích, khó khăn lớn nhất đối với DN này là việc tìm được nguyên liệu, phụ liệu phù hợp. Hiện Công ty cổ phần may Ðồng Nai mới chỉ sử dụng 30% vải nguyên liệu và 50% phụ liệu trong nước. Mặc dù, trong nước đã có nhiều loại nguyên liệu, phụ liệu dệt may nhưng cơ bản các DN vẫn chưa sản xuất được hàng cao cấp để làm những đơn hàng xuất khẩu chuyên biệt. Mặt khác, quy mô còn nhỏ nên năng lực sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu của các DN dệt - may trong nước.
Giống như may Ðồng Nai, Công ty TNHH một thành viên may mặc Bình Dương, một trong những DN có tỷ lệ làm hàng FOB lên đến 95% cũng phải sử dụng tới 60% đến 70% nguyên liệu, phụ liệu của nước ngoài. Ngoài lý do chính là bị nhà nhập khẩu chỉ định mua nguyên liệu, phụ liệu của các công ty ở nước ngoài, thì nguyên nhân vẫn là do trong nước thiếu những nguyên liệu, phụ liệu có chất lượng cao. Giám đốc nhân sự hành chính Nguyễn Hồng Anh lấy dẫn chứng về vải nguyên liệu trong nước, do khâu nhuộm, hoàn tất chưa bảo đảm nên chất lượng vải chưa ổn định, rất khó được khách hàng nước ngoài chấp nhận.
Cùng chung quan điểm này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Phương Ðông Hoàng Thu Hà cho biết, các đơn hàng xuất khẩu của công ty chỉ sử dụng từ 30% đến 40% nguyên liệu, phụ liệu trong nước như vải của Tổng công ty Việt Thắng, chỉ của Công ty TNHH cost Phong Phú, dây kéo của Công ty cổ phần phụ liệu may Nha Trang hay của Công ty TNHH YKK Việt Nam..., phần còn lại vẫn phải nhập khẩu. Không chỉ may Phương Ðông mà nhiều DN may khác đều có nhu cầu mua nguyên liệu, phụ liệu trong nước bởi nếu mua được trong nước thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian, nhất là bảo đảm đúng thời gian giao hàng cho các đối tác. Trong nhiều trường hợp, DN phải thực hiện những đơn hàng rất gấp, nếu nhập khẩu nguyên liệu phải mất chi phí cử người sang tận nơi đàm phán hợp đồng, chưa kể khi hàng về Việt Nam thì làm thủ tục hải quan nhập khẩu thường mất nhiều thời gian, hàng về không kịp, ảnh hưởng đến cả đơn hàng. Tổng Giám đốc Hoàng Thu Hà nhấn mạnh, DN xuất khẩu được hàng ra nước ngoài, đem ngoại tệ về, nếu không phải sử dụng số ngoại tệ đó để mua lại nguyên liệu, phụ liệu thì sẽ đem lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho sản phẩm xuất khẩu. Ðặc biệt trong những thời điểm căng thẳng ngoại tệ, việc mua được ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu không phải dễ dàng. Chỉ cần nguyên liệu, phụ liệu nào trong nước sản xuất có chất lượng cao là DN cố gắng tìm mua bằng được.
Không chỉ DN may mà DN dệt cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu trong nước. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) Nguyễn Khánh Sơn, DN này phải nhập khẩu hoàn toàn nguyên liệu sản xuất với sản lượng khoảng 20 nghìn tấn bông, xơ/năm, trị giá 24,5 triệu USD để sản xuất các sản phẩm như sợi, vải dệt kim, vải jean, khăn. DN phải nhập khẩu 100% nguyên liệu là do trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu vì sản lượng, diện tích trồng bông còn ít; một số nguyên liệu trong nước sản xuất được nhưng giá lại bằng sản phẩm nhập khẩu trong khi chất lượng không ổn định.
Phát triển công nghiệp phụ trợ dệt - may
Rõ ràng, nhu cầu sử dụng nguyên liệu, phụ liệu trong nước của các DN dệt may là rất lớn và chủ động nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước là mong muốn của hầu hết các DN nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu. Ông Nguyễn Ðức Khiêm, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Việt Thắng, một trong những DN sản xuất vải nguyên liệu lớn nhất của cả nước, thừa nhận, đến nay nguyên liệu, phụ liệu sản xuất trong nước chưa đủ đáp ứng cho các DN dệt - may. Không chỉ vậy, khả năng cung ứng nguyên liệu của các DN trong nước còn hạn chế, không thể bằng các DN ở nước ngoài do họ có hệ thống sản xuất quy mô lớn, chất lượng phục vụ tốt. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là DN trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu này. Với một số loại nguyên liệu, ngành dệt trong nước cũng đã đáp ứng được một phần nhu cầu. Mặc dù vậy, nguyên liệu sản xuất trong nước cũng có một số hạn chế nhất định như khâu nhuộm hoàn tất chưa bảo đảm nên chất lượng chưa ổn định.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân cho biết, đến nay, các nguyên liệu trong nước như bông đã đáp ứng 10%; xơ, sợi tổng hợp 60%; sợi 70%; vải 50%; phụ liệu 70%. Theo số liệu 11 tháng của năm 2009, kim ngạch nhập khẩu bông đạt 353 triệu USD; xơ, sợi 721 triệu USD; vải 3.821 triệu USD; phụ liệu 992 triệu USD; tổng cộng gần 5,9 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu cho gia công xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD. Như vậy giá trị gia tăng của ngành dệt may đạt khoảng hơn 3,8 tỷ USD (chiếm khoảng 47,3% kim ngạch xuất khẩu). Ðiều này cho thấy, sản xuất nguyên liệu, phụ liệu trong nước đã có sự tăng lên đáng kể và tỷ trọng nội địa hóa trong các sản phẩm dệt may đã tăng khá trong năm 2009.
Theo ông Lê Quốc Ân, để đẩy mạnh cung cấp nguyên liệu bông xơ sản xuất trong nước cho ngành dệt - may, từng bước đáp ứng nhu cầu bông, giảm nhập siêu, tạo điều kiện để ngành dệt - may Việt Nam tăng trưởng và phát triển ổn định, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015. Chương trình đặt ra mục tiêu là đến năm 2015, diện tích cây bông vải đạt 30.000 ha và tiếp tục tăng lên hơn 2,5 lần (76.000 ha) vào năm 2020. Việc triển khai tích cực chương trình này sẽ từng bước giúp các DN dệt - may có thể chủ động nguyên liệu trong nước. Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Dệt - May Việt Nam (Vinatex) cũng đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất sợi tổng hợp ở Khu công nghiệp Ðình Vũ (Hải Phòng). Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào sản xuất năm 2012, đáp ứng 100% nhu cầu xơ, sợi tổng hợp cho ngành dệt. Ngoài ra, Vinatex đang xây dựng bốn khu công nghiệp dệt nhuộm tại các tỉnh Ninh Bình, Nam Ðịnh, Long An, Trà Vinh nhằm thúc đẩy các dự án sản xuất vải, nâng năng lực sản xuất của tập đoàn tăng thêm 200 triệu m vải vào năm 2015. Phát triển các khu công nghiệp dệt có hệ thống xử lý nước thải sẽ khuyến khích các DN trong nước và ngoài nước đầu tư sản xuất nguyên liệu, phụ liệu tại Việt Nam. Như vậy, việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dệt - may trở thành một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm nâng cao khả năng tự đáp ứng về nguyên liệu, phụ liệu và tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt - may.
Nhu cầu lớn về sử dụng nguyên liệu, phụ liệu trong nước của các DN dệt - may khiến cơ hội kinh doanh sản xuất loại nguyên liệu, phụ liệu này cũng có nhiều tiềm năng. Nhìn thấy cơ hội này, năm 2000, Công ty cổ phần sợi Thế Kỷ đã quyết định đầu tư phát triển sản phẩm sợi polyester filament, một trong những nguyên liệu dệt vải có tính bền cao, chống nhăn, đàn hồi. Ðến nay, cả nước mới chỉ có bốn DN đầu tư phát triển loại sản phẩm này. Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sợi Thế Kỷ Ðặng Triệu Hòa cho biết, năm 2000, công suất của nhà máy chỉ đạt 4.800 tấn/năm, đến năm 2009, nhà máy đã tăng công suất tới 14.400 tấn/năm, sản phẩm làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Mới đây, công ty khởi công xây dựng thêm một nhà máy có công suất 25 nghìn tấn/năm với tổng vốn 550 tỷ đồng. Theo ông Ðặng Triệu Hòa, cơ hội kinh doanh ngành sản xuất nguyên liệu dệt may là rất lớn, nhưng để kinh doanh thành công thì DN cần đầu tư những sản phẩm cao cấp. Nếu sản xuất hàng chất lượng thấp thì không thể cạnh tranh được với hàng nước ngoài. Ngoài ra, để khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn vì hiện năng lực về vốn của các DN trong nước còn rất hạn chế trong khi đầu tư phát triển lĩnh vực này thường đòi hỏi vốn lớn.
Các DN dệt - may đều mong muốn nguyên liệu, phụ liệu trong nước phong phú về mẫu mã, đa dạng về chủng loại, chất lượng bảo đảm và giá cả cạnh tranh. Ðây là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh thành công của nguyên liệu, phụ liệu dệt - may trong nước với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Ðể làm được điều này, theo Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Việt Thắng Nguyễn Ðức Khiêm, ngoài việc đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại, thì quan trọng nhất vẫn là đào tạo nguồn nhân lực. Ðội ngũ quản trị trình độ cao cùng đội ngũ công nhân lành nghề là điều kiện để DN khai thác có hiệu quả dây chuyền thiết bị, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu không chỉ của các DN dệt - may trong nước mà cả các DN nước ngoài.
(Theo nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com