Thị trường bông vải trên thế giới đang rơi vào khủng hoảng thiếu khi giá bán bông vải liên tục tăng rất cao trong năm nay do sản lượng bông thu hoạch trong vụ mùa 2010-2011 ở các nước cung ứng bông vải lớn của thế giới được dự báo sẽ giảm. Ảnh hưởng việc tăng giá này, hoạt động sản xuất của các công ty dệt trong nước đang trong tình trạng cầm chừng, sản phẩm vải hoàn tất theo đó cũng tăng 40%-50% so với trước.
Giá bông vải tăng gây khó khăn cho các công ty dệt trong nước. Ảnh: CAO THĂNG |
Giá nguyên liệu hàng may mặc tăng cao
Từ đầu năm nay, thị trường bông vải thế giới đã tăng liên tục khi giá bán bị đẩy lên cao. Ở thời điểm tháng 5 và 6 của năm 2010, giá bông tăng lên mức 1,9 - 2 USD/kg, mức tăng này đã được xem là quá cao, tăng đến 40% so với trước đó do các nước xuất khẩu bông lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc gặp hạn hán kéo dài, sản lượng bông giảm mạnh. Mỹ - nước sản xuất bông lớn nhất thế giới cũng giảm sản lượng dự trữ. Nguồn cung bông không đủ cầu.
Trong khi đó, Trung Quốc - nước tiêu thụ bông lớn nhất thế giới lại giảm 16% diện tích trồng bông và gặp mất mùa nên phải nhập khẩu khoảng 800.000 tấn để bù đắp sự thiếu hụt cho niên vụ 2009-2010. Hơn nữa, Ấn Độ - nước xuất khẩu bông lớn thứ 2 thế giới tuyên bố ngưng xuất khẩu bông đề đảm bảo cho ngành nguyên liệu trong nước đã gây tác động mạnh đến thị trường bông thế giới và làm cho thị trường bông thêm rối ren.
Đến thời điểm này, giá bông vải trên thị trường thế giới tiếp tục tăng và chưa có điểm dừng. Chỉ sau vài tháng, giá bông trên thị trường đã tăng lên trên 4 USD/kg, mức tăng hơn 100% so với trước đây, cao nhất trong 140 năm qua và cũng là kỷ lục cao nhất từ khi giao dịch mặt hàng này.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thế giới, việc lo ngại nguồn cung tại các nước sản xuất là nguyên nhân chính làm cho giá bông biến động theo hướng tăng gần đây. Dù cho giá bông đang tăng cao nhưng nhu cầu sản xuất của mặt hàng này vẫn không giảm.
Những diễn biến trên khiến giá bông sẽ còn phức tạp trong thời gian dài. Vì vậy, các quốc gia phụ thuộc vào nguồn bông nhập khẩu nhiều như Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua, tạm trữ và sản xuất.
Thực tế hiện nay, Việt Nam đang có kế hoạch đầu tư, mở rộng diện tích trồng bông vải trong nước nhưng với sản lượng thu hoạch trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được gần 2% (10.000 tấn bông vải) nhu cầu sản xuất. 98% nguồn bông vải phải nhập khẩu từ nước ngoài quả là bài toán khó khăn cho doanh nghiệp dệt sợi trong tình hình nóng bỏng hiện nay.
Hơn nữa, với 80% nguyên liệu làm hàng may mặc phải nhập khẩu từ nước ngoài, việc phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ có ảnh hưởng lớn đến không chỉ ngành dệt sợi mà cho cả hoạt động sản xuất, xuất khẩu dệt may. Vì hiện nay, trong chuỗi sản xuất liên hoàn từ sản xuất bông, xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải rồi mới đến may mặc, Việt Nam mới làm tốt được khâu cuối cùng.
Doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn
Ở thời điểm giữa năm 2010, khi giá sợi đã tăng cao lên 40% thì hầu hết các doanh nghiệp dệt sợi Việt Nam đã bán hết hàng và đang phải tất tả chạy ngược xuôi để mua nguyên liệu sản xuất cho đơn hàng đã ký trước đó. Lỗ đã đành mà còn không tìm ra nguyên liệu để mua là câu chuyện dở khóc, dở cười của nhiều doanh nghiệp dệt, sợi Việt Nam ở thời điểm đó.
Vì các doanh nghiệp không lường trước được sự bùng nổ của thị trường bông, sợi. Đây là bài học cho DN VN cần phải có những dự báo và thông tin nhanh nhạy, có biện pháp phòng ngừa từ xa.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt sợi Việt Nam đang phải sản xuất cầm chừng hoặc ngưng hoạt động vì không thể cạnh tranh khi nguyên liệu đầu vào tăng giá quá cao. Một doanh nghiệp dệt chuyên làm hàng xuất khẩu tại TPHCM chia sẻ, giá nguyên liệu đầu vào quá cao, doanh nghiệp không thể cạnh tranh được nên ngưng làm hàng xuất khẩu, ngay cả việc làm, tiêu thụ tại thị trường nội địa thì doanh nghiệp may mặc trong nước cũng không mua nổi. Sản xuất hiện nay của doanh nghiệp chủ yếu là làm hàng gia công cho nước ngoài.
Việc giá bông tăng cao, những mặt hàng làm bằng cotton chịu ảnh hưởng trực tiếp. Như hiệu ứng domino, giá sợi đã tăng gấp đôi, vải và các loại khăn bông cũng theo xu hướng tăng ở các mức độ khác nhau.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Giám đốc Hãng Thời trang Sanding cho biết, 80% hàng thời trang của Sanding được sản xuất từ các loại vải cotton, giá nguyên liệu vải mua vào đang tăng vùn vụt, hơn 50% so với vài tháng trước đây. Việc này đã đẩy chi phí sản xuất tăng cao và chắc chắn giá bán sản phẩm cũng tăng lên ít nhất 50%.
Nguyên liệu vài sản xuất chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, nhờ có kế hoạch đặt hàng sớm từ các tháng trước đây nên một số đối tác cung ứng chịu thỏa thuận bán giá thấp hơn giá hiện tại.
Với tình hình tăng giá hiện nay, sang năm 2011, giá nguyên liệu vải mua vào sản xuất còn tăng cao. Để giảm bớt khó khăn, tiếp tục sản xuất, nhiều doanh nghiệp chuyển sang tìm nguồn nguyên liệu có giá rẻ hơn, sử dụng nguồn vải polyester (tổng hợp), điều này cũng đẩy giá bán của mặt hàng này tăng lên 20%.
Những khó khăn trên đòi hỏi các nhà tư vấn chiến lược ngành dệt may cần có những dự báo chính xác hơn nữa và đưa ra các giải pháp cấp bách để giúp cho các DN có hướng đi, ổn định sản xuất.
( Theo Mỹ Hạnh // Báo SGGP Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com