Không thể công bố các trận địa tên lửa, ra đa, pháo phòng không… nên không thể xác định phạm vi ảnh hưởng an toàn tĩnh không (khoảng không an toàn) khi quy hoạch và cấp phép cho các công trình cao tầng. Chính vì thế, hầu hết các đồ án quy hoạch của TPHCM khi lập phải xin ý kiến của Bộ Quốc phòng để xác định độ cao tối đa của công trình xây dựng. Đó là những vấn đề nan giải của công tác quy hoạch và cấp phép xây dựng tại TPHCM hiện nay.
![]() |
Xây cao ốc thường vướng việc xác định độ an toàn tĩnh không. Ảnh: Huy Anh |
Chuyện con gà và quả trứng
Vấn đề tranh cãi hiện nay là lập quy hoạch trước rồi mới xác định phạm vi ảnh hưởng an toàn tĩnh không của các trận địa quân sự hay đưa ra các khu vực bị ảnh hưởng an toàn tĩnh không trước rồi mới lập quy hoạch. Chuyện này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận xét giống như chuyện con gà hay quả trứng có trước.
Ông Tăng Sĩ Châu, Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) cho rằng, việc tự lập quy hoạch thì sợ ảnh hưởng đến khoảng không an toàn các công trình an ninh quốc phòng như: trận địa tên lửa, trận địa pháo phòng không và tên lửa tầm thấp, trận địa ra đa… Do đó, Bộ Quốc phòng nên đưa ra giới hạn phạm vi ảnh hưởng an toàn tĩnh không các công trình này theo từng khu vực (nội thành, ngoại thành, vùng đệm…) trên địa bàn TP trước rồi mới lập quy hoạch.
Ông Bùi Hồng Hà, Phòng Pháp chế Sở Quy hoạch - Kiến trúc đặt vấn đề: muốn xác định việc ảnh hưởng an toàn tĩnh không các trận địa tên lửa, ra đa… cần xác định được trận địa đó nằm ở đâu mới lập quy hoạch chính xác được. Chứ như hiện nay, cơ quan cấp phép, đơn vị tư vấn lập quy hoạch và cả chủ đầu tư đều không biết trận địa ở đâu nên gặp rất khó khăn. “Lập quy hoạch mà không biết trước về an toàn tĩnh không, đến khi lập xong rồi xin ý kiến, nếu vướng phải điều chỉnh rất mất công sức, thời gian và chi phí “- ông Hà cho biết.
Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng TP) cũng cho rằng, khi hồ sơ đến Sở Xây dựng thì DN đã mất rất nhiều thời gian và công sức. Nếu khi đó xin ý kiến mà bị “phán” giảm khoảng 20m công trình do ảnh hưởng đến an toàn tĩnh không, coi như DN phải làm lại từ đầu.
Theo ông Tuấn, các đơn vị liên quan cần cung cấp vị trí các trận địa ra đa, tên lửa… đơn vị cấp phép mới xác định được bán kính ảnh hưởng để cấp phép xây dựng. “Hiện trên địa bàn TP có khoảng 33.000 giấy phép xây dựng, chẳng lẽ phải gửi hết cho Sư đoàn Phòng không 367 xác định độ ảnh hưởng của các trận địa trên hay sao?”- ông Tuấn bức xúc.
Về vấn đề này, đại diện Sở Tư pháp cho biết NĐ 20/CP của Chính phủ quy định rõ Bộ Quốc phòng có trách nhiệm công khai bề mặt giới hạn các chướng ngại vật sân bay và các khu vực giới hạn độ cao công trình. Do đó, các đề nghị của Sở QH-KT và Sở Xây dựng là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, đại diện Sư đoàn Phòng không 367 cho rằng, theo việc công khai các trận địa chỉ có thể cung cấp ở mức độ xã, phường nào có trận địa thôi, chứ không cung cấp cụ thể địa điểm, vì như vậy sẽ vi phạm việc bảo vệ an ninh quốc phòng. Do vậy khi các sở-ngành có quy hoạch liên quan đến đất quốc phòng cần báo cáo với đơn vị để hai bên cùng giải quyết.
Không phải xin phép từng công trình
Trước đây, các công trình cao trên 45m (khoảng 12 tầng) trong phạm vi ảnh hưởng có bán kính 30km từ sân bay Tân Sơn Nhất phải xin ý kiến của Bộ Quốc phòng để xác định có ảnh hưởng đến an toàn tĩnh không của sân bay. Với bán kính trên, hầu như mức ảnh hưởng này đã bao trùm toàn TP.
Hiện Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có Công văn số 1997 thông báo giới hạn độ cao tối đa của các chướng ngại vật (các công trình cao tầng) đối với sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có quy định cụ thể khu vực nào được xây dựng cao tối đa mà không ảnh hưởng đến an toàn tĩnh không của sân bay.
Ông Trần Quốc Tuấn cho biết, hiện Sở Xây dựng đã dựa theo hướng dẫn của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam để cấp phép xây dựng. Theo đó, những khu vực cho phép công trình được cao tối đa đến 70m, hoặc dưới 100m (như quận 1, quận 4, quận 5) thì sở cấp phép quyết luôn.
Theo cơ quan cấp phép xây dựng, nhờ vậy đã giảm khoảng 70%-80% các công trình phải hỏi ý kiến của Bộ Quốc phòng. Công văn 1997 cũng quy định, khi cấp phép công trình cao từ 45m trở lên, cơ quan cấp phép có nhiệm vụ gửi văn bản cấp phép cho Cục Tác chiến, Cục Hàng không Việt Nam và Sư đoàn Không quân 370 để quản lý thông tin.
Chỉ trường hợp vượt quá độ cao thống nhất trong hướng dẫn này chủ đầu tư mới phải hỏi ý kiến của Cục Tác chiến. Các DN có thắc mắc liên quan đến an toàn tĩnh không có thể hỏi trực tiếp Sư đoàn Không quân 370 và Sư đoàn Phòng không 367.
Như vậy, về an toàn tĩnh không sân bay Tân Sơn Nhất đã có hướng giải quyết. Tuy nhiên, Sở QH-KT cũng băn khoăn vì ngoài sân bay Tân Sơn Nhất còn sân bay các tỉnh lân cận có ảnh hưởng đến quy hoạch hay không? Thực tế hiện nay, một số khu vực đã được cấp phép xây dựng trên 100m (đã xin ý kiến Bộ Quốc phòng về an toàn tĩnh không), sau đó một công trình bên cạnh xây thấp hơn nhưng lại cũng phải xin ý kiến.
“Chúng tôi mong muốn quy hoạch các công trình an ninh quốc phòng giống như cái lồng bàn úp lên địa bàn, các công trình nằm dưới lồng bàn này cứ theo đó mà làm. Chỉ khi các công trình nào xây vượt qua khỏi lồng bàn mới phải xin ý kiến”, ông Hà bày tỏ.
Tại cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện và cơ quan liên quan về quản lý bề mặt giới hạn độ cao chướng ngại vật hàng không, trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời, Sở QH-KT đưa ra giải pháp: nếu không thể cung cấp cụ thể vị trí các trận địa, các đơn vị trên cho cao độ chung của từng khu vực trong bán kính 0,5km - 1km (trên một nền bản đồ thống nhất) để quy hoạch và xây dựng.
Nếu vượt qua cao độ đó, phải xin phép. Sở QH-KT đã báo cáo những vướng mắc trên và kiến nghị phương án để trình UBNDTP giải quyết. Nếu vượt thẩm quyền TP sẽ xin ý kiến của trung ương nhằm giải quyết các vấn đề trên.
(Theo Hạnh Nhung/SGGP)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com