![]() |
Càng ngày nền đường 965 càng bị phá hỏng, xuống cấp nghiêm trọng |
Theo ước tính, trong khu vực này có gần 10 doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Đáng nói là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khai thác cảng, và SX hàng hóa như: cảng Tân Cảng Cái Mép, Cty chế biến Khí Vũng Tàu (PVGAS), nhà máy chế biến Condenstate Phú Mỹ (PV OIL PM), nhà máy nhựa và hoá chất Phú Mỹ (PMPC)... đòi hỏi hoạt động vận chuyển hàng hóa thường xuyên, liên tục với khối lượng lớn.
Đường hay bẫy ?!
Các doanh nghiệp đã phải chịu thiệt đơn thiệt kép từ ngày đi vào hoạt động vì đường không theo kịp dự án. Tình trạng phương tiện chở CBCNV của các doanh nghiệp và vận chuyển hàng hóa trong khu vực này bị sụp xuống sình lầy, mắc kẹt, gãy nhíp, hư hỏng... thường xuyên xảy ra. Ngày 14/10 vừa qua, xe chở 2 container gạch men của Cty Gạch Men Hoàng Gia từ nhà máy trong KCN Mỹ Xuân vào cảng Tân Cảng Cái Mép để xuất hàng, khi qua đoạn đường 965 đã sụp “ổ voi”, đổ 2 container xuống đường, gây tắc nghẽn giao thông suốt từ 2 h chiều đến 8 h tối. Trên tuyến đường này không có điện đường nên công tác khắc phục sự cố càng khó khăn, kéo dài. Trước đó, một xe chở hàng của Cty TNHH Bunger VN cũng đã sụp hố, lật container hàng xuống đường. Nguy hiểm hơn, vì đường quá xấu đã gây tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của 2 người đi xe máy qua đây.
Các nhà vận tải bỏ chạy
Nhiều đội xe vận chuyển hàng của cảng Interfluor, và cảng Tân Cảng Cái Mép đã “bỏ chạy” ngay sau khi chỉ đi qua 4 km đường 965 một lần vì bị gẫy nhíp và hư hỏng nặng, tiền vận chuyển không đủ chi phí sửa chữa xe. Ông Trần Khánh Sinh - Giám đốc cảng Tân Cảng Cái Mép cho biết, cách đây 2 tuần, cảng này còn giao được 10% hàng hóa bằng đường bộ cho các doanh nghiệp ngay trong các KCN lân cận như Phú Mỹ, Mỹ Xuân, Gò Dầu, nhưng 2 tuần nay thì các đội xe vận tải đã từ chối không đến nhận hàng trong cảng này. Như vậy là 100% sản lượng hàng hóa của các doanh nghiệp nằm khu vực lân cận qua cảng này phải vận chuyển bằng xà lan “lội ngược” vào Sài Gòn, Cát Lái và các ICD khu vực Hồ Chí Minh rồi từ đó mới vận chuyển trở ra bằng đường bộ về kho của mình. Đây cũng là tình trạng của cảng Interfluor. Còn nhà máy nhựa và hoá chất Phú Mỹ (PMPC) thì ông Đặng Đình Tùng – Phó Tổng giám đốc cũng cho biết, đơn vị này vừa chính thức nhận được công văn của đơn vị vận tải từ chối vào nhận hàng tại nhà máy vì đường quá xấu...
Thiệt hại khôn lường
Theo Cty Gạch Men Hoàng Gia, chưa kể chi phí phải thuê cẩu gắp 2 container hàng bị đổ lên, chỉ riêng thiệt hại về hàng là 30.000 USD do gạch vỡ. Ngoài ra, sự cố ngày 14/10 còn gây ách tắc giao thông dẫn đến sự chậm trễ của hàng trăm phương tiện khác, cũng như hàng ngàn lao động làm việc trong các nhà máy, DA đang triển khai trong khu vực. Còn thiệt hại về hàng hóa của Bunger VN do sự cố đổ 2 container hàng cũng khoảng 25.000 USD.
Tệ hơn, tình trạng các đơn vị vận tải “bỏ chạy” còn gây thiệt hại khôn lường cho các doanh nghiệp khai thác cảng và SX hàng hóa. Theo tính toán, mức phí đội lên do hàng phải chuyển bằng xà lan ngược vào Sài Gòn hoặc Cát Lái rồi mới vận chuyển bằng đường bộ trở ra các KCN của tỉnh BR-VT, Đồng Nai, cao gấp 2 thậm chí 3 lần so với vận chuyển trực tiếp bằng đường bộ từ cảng Cái Mép ra. Các nhà khai thác cảng và chủ hàng đang phải gánh chịu chi phí vận chuyển hết sức phi lý này. Với sản lượng hàng hóa thông qua cảng hiện bình quân là 30.000 TEUs/tháng, thiệt hại cho cảng Tân cảng Cái Mép là không nhỏ.
Ông John Choi – Giám đốc điều hành cảng Interfluor cũng đưa ra con số thiệt hại cụ thể hiện nay của cảng này mỗi ngày khoảng 800 triệu đồng do chi phí vận chuyển hàng tăng cao. Chưa kể các phương tiện tải trọng lớn không vào được, buộc phải vận chuyển bằng xe tải nhỏ, mỗi ngày lượng hàng rớt lại khoảng 300 tấn. Trong khi 90% hàng qua cảng này là hàng nhập tiêu thụ nội địa, hàng hóa không giải phóng được dẫn đến thị trường thiếu hàng tiêu thụ, kho bãi thì chật vì tồn đọng, cảng cũng không thể tiếp nhận tàu vào vì hệ thống kho không còn chỗ chứa. Nếu trước đây, bình quân 1 tuần cảng này tiếp nhận 4 tàu vào làm hàng thì hiện nay chỉ có thể tiếp nhận 1 tàu. Điều này cũng gây thiệt hại rất lớn cho hoạt động khai thác cảng.
Không chỉ các doanh nghiệp đang hoạt động bị thiệt hại, các doanh nghiệp đang xây dựng cũng bị thiệt hại do phải thi công bằng đường sông và đang phải đi lại bằng đường sông để vào Công ty của mình như cảng CMIT, SITV, SSIT...
Đáng lo ngại nữa là trong khu vực này có các doanh nghiệp hoạt động SXKD ngành nghề đặc thù như PVGas, SX nhựa hóa chất... nguy cơ cháy nổ rất cao. Nếu có sự cố cháy nổ xảy ra thì với con đường này, sự tiếp ứng cứu chữa từ bên ngoài chắc chắn là không thể.
Thi công tắc trách
Được biết, đường 965 nằm trong DA phát triển cảng quốc tế Thị Vải do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và Ban quản lý DA 85 trực tiếp được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư tổ chức thực hiện. Công trình được khởi công từ gần 3 năm nay. Song song với phần đường xây dựng mới, tuyến đường hiện hữu vẫn được sử dụng tổ chức lưu thông để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp trong khu vực.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com