Đất nước ta có 85 triệu dân và bố trí dân cư kéo dài theo địa hình chữ S. Thu nhập dân cư ngày càng cải thiện với tốc độ khá nhanh. Vì vậy cùng với nỗ lực phấn đấu tự thân và sự hỗ trợ thích đáng từ Chính phủ cũng như các bộ ngành, địa phương liên quan, dự báo ngành hàng không (HK) Việt Nam trong tương lai không xa sẽ thực sự “cất cánh”, bay cao….
Quy hoạch lại hạ tầng hàng không
Theo Vụ Vận tải Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, ngành HK đang khai thác 20 cảng HK, trong đó có 5 cảng quốc tế và 15 cảng nội địa. Về đường bay, ngành HK Việt Nam đã thiết lập được trên 30 đường bay nội địa đến 20 thành phố, thị xã trên toàn quốc. Các mạng đường bay quốc tế của các hãng vận tải HK cũng không ngừng được tăng cường và mở rộng với gần 40 đường bay từ 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM đến 24 điểm thuộc 14 quốc gia trên thế giới. Về năng lực vận tải HK, tính đến nay tổng số máy bay của các doanh nghiệp (DN) là 59 chiếc.
Tuy nhiên, việc quy hoạch hạ tầng và phát triển các đường bay nêu trên, theo các chuyên gia, chưa có tầm nhìn chiến lược để có thể phát huy hiệu quả, tập hợp được năng lực nhằm phát triển ngành HK một cách toàn diện và hiệu quả hơn. Cụ thể, đối với hệ thống các sân bay, hiện nay có 6 sân bay quốc tế nhưng sản lượng vận tải còn rất khiêm tốn, chưa khai thác được sản lượng hành khách gần 3 triệu người VN đi lại trên các tuyến bay quốc tế mỗi năm.
Lý giải về điều này, nhiều ý kiến cho rằng, do chúng ta nôn nóng đầu tư xây dựng quá nhiều sân bay quốc tế, dẫn đến hành khách bị phân tán, không tập trung, làm cho các chuyến bay bị san sẻ, vắng khách. Các hãng HK hoạt động không hiệu quả nên dễ dẫn đến việc cắt các đường bay, gây lãng phí đầu tư…
Mặt khác, hầu hết các chuyến bay của Việt Nam đi châu Âu, đi Mỹ hiện nay phải chuyển tiếp qua các hãng HK giá rẻ của Đài Loan, Ma Cao (Trung Quốc)… nên chất lượng phục vụ giảm và tần suất chuyến bay cũng giảm làm ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách đến VN. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều hành khách từ VN bay đi nước ngoài thường hay chọn các hãng HK nước ngoài chứ không chọn HK Việt Nam.
Quản lý chặt thương quyền bay
Bầu trời của một đất nước cũng chính là tài sản, tài nguyên của quốc gia đó. Trong HK người ta gọi đó là thương quyền bay và khi một hãng HK muốn bay qua bầu trời của một quốc gia nào đó phải xin phép và trả phí thương quyền bay. Cũng chính từ cơ sở của điều này mà Tổ chức HK thế giới-ICAO luôn tôn trọng và thừa nhận việc khai thác các đường bay nội địa là quyền của mỗi quốc gia.
Cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Luật HK của VN hiện nay không cho phép các hãng HK nước ngoài khai thác các đường bay nội địa, bởi đó là tài sản, tài nguyên của quốc gia. Chính vì vậy, việc “mở cửa bầu trời”, hợp tác đầu tư với nước ngoài như thế nào để vừa bảo vệ được nguồn tài nguyên của đất nước, vừa mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp và cho ngành HK phát triển là vấn đề cần phải chú trọng.
Một thực tế tại Việt Nam là khách hàng chọn hình thức di chuyển bằng đường HK phải trả giá khá đắt, vượt khả năng chi trả của số đông người dân. Vì vậy, việc kêu gọi cổ đông nước ngoài, liên kết với hãng HK nước ngoài là xu thế chung nhằm tăng khả năng cạnh tranh các hãng, kéo giảm giá vé vận chuyển, tạo thuận lợi cho khách hàng.
Để hàng không VN có thể bay cao...
Theo chiến lược phát triển của ngành HK đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, VN sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hành khách, hàng hóa của khu vực với một nền công nghiệp HK phát triển. Để đạt được mục tiêu này, ngành HK Việt Nam cần phải thực hiện những bước đi và lộ trình thích hợp với những giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong từng giai đoạn. Theo đó, các DN cần phải tập trung chú trọng khai thác thị trường nội địa, vì đây là thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao, trong khi thị trường khách quốc tế sụt giảm mạnh. Trên thực tế, ở các tuyến bay nội địa chưa được các hãng HK quan tâm đúng mức. Những tuyến nhiều khách như Hà Nội-TPHCM-Đà Nẵng chất lượng phục vụ không cao, hành khách thường xuyên bị lỡ chuyến, chậm, hoãn, hủy…
Chính sách khuyến mãi cũng chưa phù hợp, giá rẻ thì chất lượng kém, chất lượng trung bình thì giá lại quá cao. Do vậy, số lượng hành khách đi lại chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của một thị trường đông dân số, chưa phát huy được khả năng khai thác vận tải HK rất lớn của nước nhà. Việc liên doanh, liên kết giữa các hãng HK trong nước hiện nay là rất yếu kém, không phát huy được sức mạnh của nhau. Các DN HK cần biết tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong quản lý, khai thác cảng gắn liền với kinh doanh vận tải HK trong nước, đẩy mạnh việc đầu tư nâng cấp hệ thống cảng HK, sân bay trên toàn quốc, đặc biệt là tập trung đầu tư phát triển các dự án trọng điểm để đáp ứng nhu cầu phát triển và để thu hút nhiều hãng HK nước ngoài đến VN hơn.
Ngành HK và ngành du lịch cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, xây dựng thêm nhiều cơ sở lưu trú, trung tâm vui chơi, giải trí có đẳng cấp quốc tế để thu hút khách du lịch quốc tế đến VN. Ngoài ra, các hãng HK cũng nên đẩy mạnh việc tăng chuyến đến các điểm du lịch nổi tiếng có sức hút lớn như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt… nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế…
Để hỗ trợ, giúp cho ngành HK phát triển, thời gian qua, Chính phủ cũng đã quyết định nhiều giải pháp quan trọng liên quan đến lĩnh vực HK. Theo đó, Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư, nâng cấp cải tạo 10 cảng hàng không đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có cảng Nội Bài-Hà Nội (năng lực 50 triệu khách/năm), Tân Sơn Nhất-TPHCM (năng lực 10 triệu khách/năm), Đà Nẵng, Phú Bài và Long Thành (năng lực 100 triệu khách/năm, 5 triệu tấn hàng/năm). Đồng thời Chính phủ cũng đã thông qua phương án tài chính cho phép Hãng HK quốc gia VNA mua thêm nhiều máy bay và đảm bảo nguồn ngoại tệ cần thiết cho phép hãng thuê máy bay, nâng đội bay lên trên 100 chiếc vào năm 2014.
(Theo Nguyễn Thu Tuyết // SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com