Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ đã nhận được đơn hàng cho hết năm 2010 với kim ngạch khoảng 3 tỷ USD, tăng 320 triệu USD so với cả năm 2009.
Các doanh nghiệp chế biến gỗ vẫn phải nhập khẩu nhiều gỗ nguyên liệu - Ảnh minh họa |
Chiến lược đề ra cho ngành gỗ là đạt kim ngạch xuất khẩu (XK) 5,4 tỷ USD vào năm 2015 và nâng lên 7 tỷ USD vào năm 2020, bởi vậy năm nay tối thiểu phải đạt 3 tỷ USD.
Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2009. Các thị trường nhập khẩu truyền thống của nước ta vẫn là thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Belarus.
Theo nhận định của Viforest, mục tiêu 3 tỷ USD tổng kim ngạch XK đồ gỗ trong năm 2010 là hoàn toàn khả thi.
Đối mặt 3 rào cản lớn
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Viforest cho rằng, doanh nghiệp (DN) XK trong ngành đang phải đối mặt với 3 rào cản lớn.
Thứ nhất, DN phải ứng phó khi đạo luật mới của Mỹ (Lacey) có hiệu lực từ ngày 1/4/2010 và của EU (FLEGT) có hiệu lực từ tháng 1/2012, với yêu cầu chung là nhà XK phải trình bày chuỗi hành trình của lâm sản từ khâu khai thác đến thành phẩm một cách minh bạch để nhà chức trách có thể truy xét nguồn gốc nguyên liệu.
Song, hiện DN Việt Nam vẫn thiếu hiểu biết để sẵn sàng ứng phó với các đạo luật này vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía các cơ quan chức năng. Hơn nữa, DN chế biến gỗ không đủ tài chính để triển khai và xin cấp chứng chỉ vì mỗi lâm trường trồng rừng nguyên liệu gỗ cần 2 triệu USD thì mới triển khai được, trong khi nhiều đối tác nước ngoài đã chủ động tháo gỡ vấn đề này.
Thứ hai, hiện DN Việt Nam không biết quốc gia nào, công ty nào có thể bán gỗ cho Việt Nam với đầy đủ các giấy phép như vậy. Trước kia, nhập khẩu gỗ chỉ cần quan tâm đến chứng chỉ FSC (chương trình toàn cầu kiểm định chuỗi hành trình sản phẩm từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm) nhưng nay, ngoài FSC ra còn cần nhiều chứng chỉ khác.
Cái khó thứ ba, là sức cạnh tranh của DN chế biến gỗ Việt Nam còn kém so với DN nhiều quốc gia khác như Myanmar, Malaysia, Indonesia…, bởi những nước này có đủ nguồn gỗ không phải nhập khẩu nguyên liệu nên giá thành thấp hơn.
Liên kết tạo sức mạnh
Vẫn theo ông Nguyễn Tôn Quyền, các DN gỗ muốn cạnh tranh được cần hội đủ các yếu tố. Thứ nhất phải sử dụng gỗ hợp pháp, thứ hai phải đàm phán để nhận được đơn hàng lớn. “Ví dụ chúng tôi vừa nhận được một đơn hàng 1 triệu chiếc ghế từ thị trường Mỹ trong 1 năm, nếu muốn làm thì bắt buộc các DN phải liên kết, để làm được 1 triệu chiếc ghế phải có 20 DN kết hợp thì mới hoàn thành được đúng thời hạn”, ông Quyền nói.
Thứ ba cần phải nghiên cứu tốt thị hiếu người tiêu dùng. Ví dụ, vài năm trước thị trường EU rất chuộng loại ghế ngoài trời, nhưng nay, họ chỉ chuộng bàn ghế cao cấp trong nhà.
Ông Quyền đánh giá cao tinh thần kinh doanh nhạy bén, sáng tạo của các DN VN và tin tưởng rằng nếu biết hóa giải điểm yếu liên kết thì các DN gỗ sẽ thành công trên thị trường quốc tế.
Về kết quả sản xuất và xuất khẩu 5 tháng đầu năm khả quan, theo Viforest, mặc dù giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang tăng nhưng đa số doanh nghiệp đã tranh thủ thời điểm đầu năm để mua vào tích trữ nên không bị ảnh hưởng nhiều.
Vẫn theo ông Nguyễn Tôn Quyền, hiện nay phần lớn gỗ nguyên liệu các DN đều phải nhập khẩu, song cũng may là thị trường gỗ trong nước cũng có những tín hiệu khả quan. Khoảng 2 năm trở lại đây các DN sử dụng hàng triệu m3 gỗ trồng trong nước và khá thành công với các sản phẩm gỗ.
Điều DN mong muốn hiện nay là có nguồn gỗ trong nước để sản xuất, chế biến sẽ giảm được chi phí, tạo ra sức cạnh tranh cao cho sản phẩm.
Trong chiến lược phát triển của ngành gỗ xuất khẩu, Viforest đang chuẩn bị công tác xúc tiến thành lập trung tâm giao dịch gỗ tại ba miền: Bắc, Trung, Nam.
Nếu trung tâm này đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN, cụ thể giá thành giảm khoảng 10%, tiết kiệm được thời gian sản xuất và đặc biệt nguồn gốc, xuất xứ gỗ rất rõ ràng. Tuy nhiên, việc này không phải thực hiện được ngay bởi chỉ riêng về quỹ đất, mỗi trung tâm cũng phải khoảng 20 ha, vốn ban đầu hàng chục triệu USD, phải có chuyên gia giỏi... tất cả những điều này đều quá sức với hiệp hội.
Hiện nay, trong Nam đã có 10 DN đứng ra tự góp vốn để xây dựng trung tâm. Còn về đất, cũng đã có 1 DN đứng ra lo. Tuy nhiên, sức của các DN này cũng chưa đủ để xây dựng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, Hiệp hội mong muốn được Nhà nước hỗ trợ làm việc này.
(Theo Công Trí // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com