Giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh trong thời gian qua ảnh hưởng không ít đến doanh nghiệp. Ảnh: T.H. |
Chị Thanh, chủ một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, cho biết từ đầu năm đến nay, giá gỗ nguyên liệu một số loại như cao su, gỗ thông nhập khẩu từ New Zealand đã tăng đến 20%. Trong bối cảnh hàng loạt chi phí đầu vào đều tăng, nay giá nguyên liệu lại tăng khiến các doanh nghiệp ngành gỗ càng gặp nhiều khó khăn.
Vì sao gỗ nguyên liệu tăng giá? Doanh nghiệp trong ngành cho biết, giá gỗ nguyên liệu từ đầu năm đến nay đã tăng đến chóng mặt. Một số loại như cao su, tràm bông vàng hút hàng, giá tăng đến 20%, lên mức gần 4 triệu đồng/m3 (gỗ cao su) chỉ trong 4 tháng. Đó là gỗ trong nước, còn gỗ thông New Zealand nhập khẩu, tháng 10 năm ngoái giá mua vào khoảng 185 đô la Mỹ/m3, nhưng đầu tuần này đã lên đến 250 đô la Mỹ/m3! Nguyên nhân tăng giá mạnh chỉ trong thời gian ngắn như vậy, theo các doanh nghiệp là do giới kinh doanh gỗ Trung Quốc đang đổ xô tìm mua các loại gỗ nguyên liệu ở Việt Nam và cả các nước chung quanh. Ông Nguyễn Huy Cương, chủ cơ sở Hoàng Liên, chuyên sơ chế và cung cấp gỗ cao su cho các nhà máy chế biến ở Long Thành, cho biết kho chứa gỗ xẻ của ông và của nhiều cơ sở khác liên tục ở trong tình trạng hết hàng vì thương nhân Trung Quốc hàng tuần đều đến tìm mua gỗ, vận chuyển về nước. Các loại ván xẻ có độ dày lần lượt 26, 33, 55, 65, 75 mm, là những loại doanh nghiệp Việt Nam thường tìm mua cũng nằm trong danh sách mua gom của thương nhân Trung Quốc. "Tình hình này diễn ra từ hơn 2 tháng nay, cứ trong kho có bao nhiêu là họ mua bấy nhiêu, thậm chí không quan tâm đến kích cỡ, chất lượng cưa xẻ và tỷ lệ hao hụt gỗ", ông Cương cho biết. Với phương thức thanh toán dễ dàng, nhanh chóng, thương nhân Trung Quốc không kỳ kèo về giá cả, họ liên lạc qua điện thoại, chuyển tiền vào tài khoản trước cho người bán rồi đến hẹn đưa xe tải xuống lấy hàng, đóng container chuyển đi ngay. Với cách mua bán như vậy, hầu hết chủ cơ sở xử lý, sơ chế gỗ đều thích bán hàng cho các khách hàng nước ngoài này. Bên cạnh đó, việc tranh mua, tranh bán tạo áp lực lên giá gỗ cao su, ngay trên lúc đấu thầu các lô gỗ thanh lý từ các nông trường cao su, rừng tràm... khiến giá không ngừng tăng lên. Bà Thanh cho biết tuy giá bán tăng từng tuần nhưng chất lượng xẻ gỗ rất kém, tỷ lệ hao hụt cao cũng góp phần gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng các cơ sở hiện cũng không quan tâm đến vấn đề này vì gỗ tốt xấu thế nào thì vẫn được thương nhân Trung Quốc mua với giá cao. Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty sản xuất đồ gỗ nội thất Minh Phát 2, tỉnh Bình Dương, giải thích nguyên nhân là do loại gỗ trồng phổ biến ở Trung Quốc hiện nay là gỗ polar. Loại này thì chất lượng và giá trị đều không bằng gỗ cao su; và khi đóng thành phẩm không được khách hàng ở thị trường Mỹ ưa chuộng bằng gỗ cao su. Một lý do nữa là giá gỗ cao su ở Việt Nam, chưa trừ chi phí vận chuyển, vẫn rẻ hơn giá bán ở Trung Quốc đến gần 20%! "Nguồn cung nguyên liệu hiện nay không hẳn thiếu hụt nhưng với việc giá nguyên liệu tăng lên đến 20% đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp", ông Hiệp nói. Siết chặt quản lý gỗ xuất khẩu Hiệp hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TPHCM (Hawa) hơn một tuần qua đã gửi công văn khẩn đến Bộ Công Thương và một số bộ ngành có liên quan để yêu cầu rà soát lại việc xuất khẩu vật liệu gỗ, đặc biệt là gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước như gỗ cao su, tràm bông vàng. Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ phản ánh hiện có tình trạng gỗ nguyên liệu được sơ chế, xử lý sơ sài, cưa xẻ thành ván không khoét rãnh để được xem là hàng thành phẩm xuất khẩu, đã qua tinh chế và do vậy được hưởng thuế suất 0%. Trong khi nếu chỉ qua sơ chế như vậy thì tính đến mục đích sử dụng, ván gỗ sẽ chẳng khác gỗ cây, gỗ tròn, những mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu, nếu có thì thuế suất rất cao và thực tế, đây là một cách để đưa gỗ nguyên liệu ra nước ngoài lại còn được hưởng ưu đãi thuế. Theo ông Hiệp, nên có quy định rõ ràng khi phân loại hàng thành phẩm và không thành phẩm, tránh bị lợi dụng kẽ hở để xuất hàng với ưu đãi về thuế, trong khi doanh nghiệp trong nước thì phải đối mặt với khó khăn khi giá nguyên liệu tăng lên từng ngày. "Trong khi đa số doanh nghiệp ngành gỗ đều xuất khẩu, thì với chi phí đầu vào tăng khoảng 10-15%, bắt buộc họ phải tăng giá bán và như thế tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng không ít", ông nói.
(Theo Thái Hằng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com