Đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được làm từ các nguyên vật liệu dân gian, qua bàn tay khéo léo và tinh xảo của nghệ nhân từ các làng nghề truyền thống đã trở thành những sản phẩm rất được ưa chuộng tại Mỹ. Tuy cơ hội “đi Tây” của mặt hàng này có nhiều thuận lợi, nhưng con đường sang đất Mỹ thực tế vẫn còn nhiều chông gai.
Gian nan đường xuất ngoại
Hiện cả nước có hơn 2.000 làng nghề thủ công mỹ nghệ, thu hút trên 13 triệu lao động; 1,4 triệu hộ gia đình và khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất. Với nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, nguyên phụ liệu nhập khẩu chỉ chiếm từ 3-5% giá trị xuất khẩu nên tiềm năng về xuất khẩu mặt hàng này là rất lớn.
Hơn nữa, người Mỹ rất ưa chuộng các loại hàng thủ công mỹ nghệ. Nhưng do giá nhân công tại nước này cao nên hầu hết các hàng hoá tiêu dùng là hàng nhập khẩu, hoặc gia công ở nước ngoài theo mẫu mã thiết kế và đầu tư của các công ty Mỹ, sau đó nhập khẩu trở lại Hoa Kỳ. Với dân số 300 triệu người, Mỹ trở thành một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Theo thống kê, những năm gần đây, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD/năm hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào Hoa Kỳ mới chỉ ở mức rất khiêm tốn. Bộ Công thương đặt mục tiêu phấn đấu năm 2010 sẽ nâng tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vào Hoa Kỳ lên 3% (đạt kim ngạch 0,4 tỷ USD).
Hàng thủ công, mỹ nghệ và đồ gia dụng của Việt Nam được làm từ nguyên liệu dân gian như gốm, sứ, sơn mài, mây, tre, cói, gỗ, đá, tơ lụa, sừng, ngà, bạc, đồng… qua bàn tay khéo léo và tinh xảo của nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống, trở thành các sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu mang đậm bản sắc văn hoá và dân tộc Việt Nam.
Mặc dù chất lượng sản phẩm của Việt Nam không thua kém gì hàng của Thái Lan, Trung Quốc… nhưng hiện tại, Trung Quốc mới là nước cung cấp lớn nhất các mặt hàng tiêu dùng vào Hoa Kỳ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở nước ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đa số vẫn sản xuất đúng theo kiểu thủ công, tức là thuê lao động nông thôn gia công sản phẩm theo mẫu. Rất ít DN có nhà máy để sản xuất hàng loạt nên có nhiều trường hợp các DN nước ngoài sau khi xem sản phẩm thủ công Việt Nam liền đặt hàng với số lượng khá lớn nhưng DN Việt Nam lại không đáp ứng được.
Bên cạnh đó, các DN còn gặp khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng, phương tiện thanh toán và bất đồng ngôn ngữ... Ông Lê Bá Ngọc, Giám đốc dự án phát triển các làng nghề Việt Nam, cho rằng:"Hạn chế của các DN hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện nay là chưa nắm rõ được thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài. Chúng ta còn rất lúng túng về các thủ tục xuất khẩu và đặc biệt là không nắm rõ luật pháp của nước họ".
Hướng đi mới cho DN vừa và nhỏ
Cùng với sự phát triển chóng mặt của internet, nhiều DN đã mạnh dạn lựa chọn con đường xuất khẩu bằng thương mại điện tử trên trang eBay.com. Trước đây, người Việt Nam buôn bán trên eBay.com thường là cá nhân, làm việc tại nhà, phục vụ chủ yếu người thích sưu tầm. Một con thuyền buồm mô hình ở thị trường Việt Nam giá 60 USD, bán được qua eBay với giá hơn 100 USD/chiếc. Mặt hàng ngọc và đá quý thô có xuất xứ từ Việt Nam được rao bán với giá 100 - 200 USD. Ngoài ra các bộ sưu tập tem Việt, tư liệu chủ đề chiến tranh Việt Nam, tiền cổ…cũng được nhiều người nước ngoài rất ưa thích…
Tuy nhiên, việc bán hàng Việt trên sàn thương mại điện tử này vẫn là một bài toán khó với các cá nhân, doanh nghiệp bởi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, kinh nghiệm tiếp cận thị trường thế giới, đặc biệt là sự khó tính của thị trường Mỹ.
Nắm bắt được nhu cầu này, cổng thương mại điện tử xuyên biên giới đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam eBay.vn đã ra mắt với các tính năng ưu việt giúp khắc phục tất cả những rào cản và hỗ trợ các cá nhân và DN Việt Nam bán hàng lên eBay.com. Ngoài việc hỗ trợ về mặt ngôn ngữ: dịch thông tin sản phẩm sang tiếng Anh, đăng bán sản phẩm lên trang ebay.com Mỹ, trả lời mọi thắc mắc của người mua….; Các DN, cá nhân còn được ebay.vn tư vấn, hướng dẫn cách mua và bán hàng sao cho hiệu quả và ít rủi ro nhất, giúp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giao dịch và đặc biệt với sự hỗ trợ về mặt thanh toán, các cá nhân và doanh nghiệp không còn phải đau đầu với rào cản khá lớn này.
Ngay từ khi mới ra mắt Ebay.vn đã dành được sự quan tâm của nhiều cá nhân, DN có tham vọng mở rộng thị trường. Anh Vũ Xuân Yên - chủ cửa hàng đồ chơi Hanoi Moment cho biết: “Sau khi đăng thử một số sản phẩm lên ebay.vn, có rất nhiều phản hồi tỏ ra rất thích thú với những mặt hàng “made in Việt Nam” được rao bán. Chỉ trong thời gian ngắn, Hanoi Moment đã bán được nhiều nón thủ công, xe đồ chơi… sang Mỹ với giá cao gấp bốn lần so với giá bán ở Việt Nam
Có thể thấy, việc bán hàng sang Mỹ thông qua eBay.vn có rất nhiều ưu điểm như: Không tốn chi phí thuê mặt bằng, tìm kiếm khách hàng, giảm tối đa chi phí… rất thích hợp cho những DN quy mô sản xuất, tiềm lực tài chính nhỏ. Ông Vũ Tuấn Anh - chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Tuy mới thử nghiệm đăng bán 10 sản phẩm quà tặng trên ebay như: trống đồng, tranh giấy, tranh gỗ treo tường… nhưng lượng hàng bán ra tương đối lớn và rất được giá. Đặc biệt, qua đó tôi có thêm nhiều cơ hội hợp đồng với các đối tác nước ngoài trong việc sản xuất các đơn hàng có giá trị lớn”.
Bên cạnh đó, eBay.vn liên tục bổ xung các tính năng mới mà gần đây nhất là dịch vụ đấu giá: Khi đăng bán sản phẩm lên eBay ngoài hình thức mua ngay (giá cố định), người bán Việt Nam có thể đấu giá các sản phẩm của mình để thu hút thêm sự chú ý của người mua, tăng tính hấp dẫn, bán hàng nhanh hơn và thu lợi nhuận lớn hơn. Tính năng này giúp người bán có thêm nhiều lựa chọn và nâng cao lợi nhuận cho mình.
Với những tín hiệu trên, cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi. Vấn đề còn lại là sự nỗ lực của chính các cá nhân, DN trong việc phát triển mẫu mã, chất lượng sản phẩm… để sẵn sang đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường mà mình nhắm tới.
(Theo Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com