- Do có những lợi thế tự nhiên so với các tỉnh trong vùng nên Thái Nguyên đã xây dựng được một số khu công nghiệp (KCN) tập trung nhằm thu hút đầu tư phát triển. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, quá trình phát triển các KCN còn chậm, nguyên nhân chính là do kết cấu hạ tầng của Thái Nguyên vừa yếu, vừa không đồng bộ. Ðiểm nhấn Sông Công Ngoài KCN gang thép đã được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, tỉnh Thái Nguyên hiện đang xây dựng thêm một KCN tập trung mới với diện tích gần 100 ha, vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, đó là KCN Sông Công do Công ty Phát triển hạ tầng các KCN tỉnh Thái Nguyên - Ban quản lý các KCN Thái Nguyên làm chủ đầu tư. KCN Sông Công có nhiều lợi thế về mặt địa lý: Gần trung tâm thành phố Thái Nguyên; cách sân bay quốc tế Nội Bài 40 km, cách cảng sông Ða Phúc 15 km; cách ga đường sắt Lương Sơn 500 m; liền kề với trục quốc lộ 3... Trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thái Nguyên, KCN Sông Công là một trong những công trình trọng điểm, là "bàn đạp" để triển khai các KCN, cụm công nghiệp (CCN) khác trong tỉnh. Tại KCN Sông Công hiện có 33 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng. Trong 33 dự án nêu trên có 22 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn gần 1.300 tỷ đồng, doanh số đạt 2.400 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 24 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5.200 lao động với mức lương từ hơn một triệu đến ba triệu đồng/người/tháng. Ngoài KCN Sông Công, tỉnh Thái Nguyên cũng đã và đang hình thành các KCN khác như: Nam Phổ Yên; Tây Phổ Yên; Ðiềm Thụy - Phú Bình và 11 CCN nhỏ ở các huyện, thành phố, thị xã, thu hút 30 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.000 tỷ đồng, trong đó có ba dự án đầu tư nước ngoài. Tuy có những thành công bước đầu nêu trên, nhưng nhìn tổng thể quá trình hình thành, phát triển các KCN, CCN tập trung của tỉnh Thái Nguyên còn chậm và nhỏ bé, không tương xứng với một tỉnh được cho là có tiềm năng. Lý do chính bởi "lỗi hệ thống" trong xây dựng kết cấu hạ tầng KCN. Bài toán nan giải Trao đổi ý kiến với chúng tôi chung quanh vấn đề phát triển các KCN, CCN, đồng chí Nguyễn Văn Tân, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Với lợi thế Thái Nguyên gần Thủ đô Hà Nội, trung tâm vùng Việt Bắc, có cơ sở công nghiệp nặng sớm trong cả nước, giàu tài nguyên khoáng sản, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn nằm trong trục tứ giác phát triển kinh tế, hơn nữa lại được Chính phủ quan tâm chỉ đạo... mà không đẩy nhanh được tốc độ phát triển các KCN, CCN để rồi từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội là điều mà chúng tôi rất đáng phải suy nghĩ. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là tỉnh chưa có nhà đầu tư mạnh về tiềm lực tài chính đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, CCN. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kém, đặc biệt quốc lộ 3 chật hẹp, quá tải. Thêm nữa, Thái Nguyên là tỉnh nghèo cho nên chưa cân đối được ngân sách, chưa tập trung được nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, CCN...". Ðầu tư hạ tầng các KCN, CCN với Thái Nguyên còn mới mẻ. Lâu nay các nhà đầu tư tự bỏ vốn xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ở Thái Nguyên rất hiếm. Hầu như phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Thí dụ như KCN Sông Công, được Chính phủ quyết định thành lập ngày 1-9-1999, nhưng sau mười năm, hạ tầng của KCN vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện. Ðiển hình là hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung, luôn gây bức xúc trong dư luận và mới đây nhất là sự kiện Nhà máy kẽm điện phân (Công ty TNHH nhà nước một thành viên kim loại mầu Thái Nguyên) phải bồi thường gần 100 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường. Trên địa bàn các huyện cũng có tình trạng tương tự. Sau nhiều năm nỗ lực, TP Thái Nguyên mới có được ba CCN với tổng diện tích hơn 70 ha và chỉ có 11 doanh nghiệp đầu tư vào các CCN của thành phố. Theo đồng chí Nguyễn Ðức Thắng, Trưởng phòng Kinh tế TP Thái Nguyên, việc thu hút doanh nghiệp vào CCN lâu nay vẫn rất khó. Nguyên nhân cơ bản khiến các doanh nghiệp không "mặn mà" với các KCN, CCN của thành phố chính là do kết cấu hạ tầng chưa có hoặc quá kém. Thêm nữa, xuất đầu tư trung bình cho một ha đất thường cao gấp hai đến 2,5 lần so với các tỉnh trong khu vực (vì đất lấy làm KCN, CCN phần lớn là đất đô thị). Trong khi chưa có đơn vị nào đứng ra đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, CCN thì nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vẫn được chấp thuận. Cụ thể là dự án sản xuất phôi thép nhỏ, cơ khí đúc đồng, luyện than cốc... Ðiều này không phải chính quyền địa phương không biết hoặc không tính được, mà theo như cách lý giải của cán bộ Ban quản lý các KCN Thái Nguyên thì trong khi có rất ít doanh nghiệp tìm đến CCN cấp huyện do chưa có kết cấu hạ tầng thì việc lựa chọn nhà đầu tư là điều rất khó khăn. Nếu cứ đợi có kết cấu hạ tầng thì chẳng biết đến khi nào các KCN, CCN trên địa bàn cấp huyện mới đi vào hoạt động được. Lời giải bước đầu Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Phạm Xuân Ðương, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện Thái Nguyên đang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN, CCN. Tỉnh cho đây là khâu rất quan trọng nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Sau nhiều nỗ lực, đến nay đã có một số nhà đầu tư xin đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN như: Công ty TNHH Ðầu tư và phát triển hạ tầng Lệ Trạch - Ðài Loan, Công ty cổ phần Xuân Kiên VINAXUKI, Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công; Công ty Cổ phần đầu tư châu Á Thái Bình Dương, Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển hạ tầng Yên Bình... Dù có chậm, nhưng cũng có thể khẳng định "bài toán" hạ tầng KCN, CCN đã có lời giải bước đầu. UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện cao nhất cho các doanh nghiệp nói trên hoạt động hiệu quả... Ðể giúp Thái Nguyên phát triển nhanh các KCN, CCN, thu hút đầu tư phát triển, ngoài phát huy nội lực của địa phương, không thể thiếu sự quan tâm đầu tư nhiều hơn của Trung ương. Cụ thể về công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết KCN, nên quy định rõ tỷ lệ kết cấu hợp lý, theo đó diện tích đất dành cho kinh doanh khoảng 60%, đất dành cho công trình bảo vệ môi trường, giao thông nội bộ khoảng 33% (trong đó có đất trồng cây xanh khoảng 10%), đất dành cho phát triển các công trình vui chơi, giải trí, nhà ở 7%. Khi có luật, có nghị định của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nên kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn để thực hiện. Có một thực tế: Nghị định 29/2008/NÐ- CP quy định về KCN, KCX và KKT có hiệu lực từ tháng 4-2008, nhưng đến nay các văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành vẫn chưa có. Thứ đến, do Thái Nguyên có đặc thù, cứ ở đâu có đồi rừng là ở đó có nhà dân, nên chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí san lấp cao gấp hai lần so với các tỉnh khác, vì vậy rất mong Nhà nước xem xét tăng ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, CCN cho Thái Nguyên. Có cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân, xây dựng các công trình xã hội ngoài hàng rào các KCN, CCN; hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý nước thải, bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN từ quỹ bảo vệ môi trường của Nhà nước. Phát triển KCN đồng nghĩa với phải có đường rộng, thuận lợi, nên rất mong Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh dự án quốc lộ 3 mới... Xây dựng hạ tầng các KCN, CCN cùng với xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (quốc lộ 3 mới), để từ đó thu hút đầu tư phát triển đang được Ðảng bộ, nhân dân Thái Nguyên, và các bộ, ngành trung ương nỗ lực thực hiện. Ðiều này được ví như chiếc chìa khóa mở ra hy vọng đẩy nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế - văn hóa vùng chiến khu xưa. |
(Theo PHƯƠNG CƯỜNG // Báo Nhân dân điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com