Với 25 tỉnh biên giới trải dài từ Bắc vào Nam và khoảng 100 cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ, kinh tế cửa khẩu ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của Việt Nam. Tính đến năm 2007, cả nước đã có 19 tỉnh hình thành 23 khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) trong 43 cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính. Các KKT này đã và đang có những đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, cải thiện cuộc sống người dân vùng biên, qua đó tác động tích cực tới an ninh quốc phòng.
Các KKTCK ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc
Đến năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt thành lập 8 KKTCK ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc với tổng diện tích là 1342 km2, dân số khoảng 143,4 nghìn người, chiếm 3% diện tích và 3,7% dân số các tỉnh biên giới Việt - Trung. Việc phát triển và phân bố các KKTCK ở khu vực này tương đối hợp lý và có một số KKTCK phát huy có hiệu quả như KKTCK Móng Cái, Lào Cai, Lạng Sơn.
Các KKTCK ở khu vực này là đầu mối giao lưu quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó KKTCK Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái là điểm quan trọng nhất trong toàn tuyến biên giới phía bắc của Việt Nam và Trung Quốc. Đến năm 2007, 8 KKTCK này đóng góp khoảng 85,4% thu ngân sách, 80% thu thuế xuất nhập khẩu, 59,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 23 KKTCK cả nước.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển nhanh ở tuyến biên đạt giới Việt - Trung, lượng khách xuất, nhập cảnh chiếm 90% so với toàn tuyến. Các KKTCK này phát triển theo hướng phát huy ưu thế của thương mại và du lịch, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh có KKTCK cũng như của các tỉnh bên trong nội địa.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các KKTCK năm 2006 đạt khoảng 2,1 tỷ USD (khoảng 59,8% kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các KKTCK của cả nước), trong đó giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD, nhập khẩu 1,1 tỷ USD. Các KKTCK ở khu vực này chiếm tới 85,4% (khoảng 4648 tỷ đồng tổng thu ngân sách nhà nước năm 2006 của các KKTCK cả nước. Trong đó thu thuế xuất, nhập khẩu năm 2006 đạt trên 1200 tỷ đồng (chiếm 80% tổng thu ngân sách qua các KKTCK cả nước) gồm cả thuế và phí xuất, nhập khẩu hàng hoá. Các KKTCK ở khu vực này thu hút tới 4928,5 tỷ đồng với nhiều nguồn vốn khác nhau (khoảng 86,8% tổng vốn đầu tư vào các KKTCK cà nước).
Với lợi thế về phát triển sớm và sự hình thành các KKTCK ở đây đều có mạng giao thông kết nối với hậu phương qua các trục quốc lộ liên vùng như KKTCK Lạng Sơn được nối với Hà Nội và các nơi khác qua quốc lộ 1, KKTCK Móng Cái với các nơi khác qua quốc lộ 18, KKTCK Lào Cai qua các nơi khác qua quốc lộ 70…
Tại các KKTCK có cửa khẩu quốc tế như Lào Cai, Móng Cái và Lạng Sơn, việc đầu tư kết cấu hạ tầng bên trong KKTCK theo quy hoạch đã được quan tâm, đã và đang hình thành rõ các phân khu chức năng chủ yếu: Khu thương mại, khu du lịch, khu công nghiệp, khu văn hoá vui chơi, giải trí. Nhiều công trình thiết yếu đã được đầu tư như Khu kiểm hoá cửa khẩu, các trạm kiểm dịch, bãi đỗ xe, khu thương mại, các công trình hạ tầng công nghệ thông tin, mạng Internet dùng chung, sàn giao dịch thương mại điện tử, cổng giao tiếp điện tử được hình thành và phục vụ trực tiếp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác của các cấp, các ngành, cải thiện đời sống nhân dân, làm thay đổi hẳn bộ mặt Khu KKTCK, có tác dụng lan toả thúc đẩy các vùng lân cận phát triển.
Các KKTCK ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào
Ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào, đến năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt thành lập 7 KKTCK với diện tích là 2198 km2, dân số khoảng 155 nghìn người, chiếm 2,5% về diện tích và 1,2% về dân số các tỉnh biên giới Việt - Lào.
Nhìn chung hoạt động giao thương qua các KKTCK ở khu vực này phát triển chậm hơn so với các KKTCK ở khu vực biên giới Việt - Trung. Một phần do các tỉnh phía bên bạn kinh tế còn chậm phát triển, thị trường hàng hoá nhỏ hơn. Tỏng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2006 chỉ có 204 triệu USD (khoảng 5,8% kim ngạch xuất nhập khẩu qua các KKTCK của cả nước), trong đó giá trị xuất khẩu 70 triệu USD, nhập khẩu 134 triệu USD. Thu ngân sách ở khu vực này năm 2006 khoảng 466 tỷ đồng, bằng khoảng 10% của các KKTCK khu vực biên giới Việt - Trung, 8,6% tổng thu ngân sách nhà nước của các KKTCK cả nước. Thu thuế xuất nhập, nhập khẩu năm 2006 khoảng 9,8% tổng thu ngân sách qua các KKTCK cả nước, gồm cả thuế xuất nhập, khẩu hàng hoá và phí xuất, nhập khẩu.
Hoạt động kinh tế cửa khẩu tại các KKTCK ở khu vực này đáng kể nhất là 3 KKTCK Lao Bảo, Cầu Treo và Bờ Y.
Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo nằm trên trục đường 9 ở vào vị trí đầu cầu của Việt trên hành lang kinh tế Đông Tây có cửa khẩu quốc tế Lao Bảo liền kề với cửa khẩu quốc tế Đensavẳn của phía bạn Lào, tạo nên cặp cửa khẩu đường bộ quan trọng nhất của hai nước để mở rộng giao lưu hàng hoá, du lịch, dịch vụ giữa hai quốc gia và thông thương với thị trường đầy tiềm năng của Thái Lan, Myanma và các nước khác trong Đại lục Tây Á rộng lớn.
Cùng với hệ thống giao thông trong khu vực đã được nhà nước đầu tư nâng cấp xây dựng, đến nay khu kinh tế - thương mại Lao Bảo có 75 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được thẩm định với tổng số vốn là 352,2 tỷ đồng, trong đó có 59 dự án đưa vào sử dụng. Tính đến năm 2007, các nguồn vốn Chính phủ cho phép để lại từ nguồn thu thuế xuất, nhập khẩu (từ 1998-2003) và qua chương trình hỗ trợ có mục tiêu là 319,7 tỷ đồng.
KKTCK quốc tế Cầu Treo được thành lập theo Quyết định số 177/1998/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích tự nhiên là 38.198 ha bao gồm các xã Kim Sơn 1, Kim Sơn 2 và thị trấn Tân Sơn của huyện Hương Sơn. Ngoài vai trò hợp tác thương mại - dịch vụ - du lịch, vận tải hàng hoá, KKTCK quốc tế Cầu Treo còn có vai trò trong hợp tác kinh tế đảm bảo an ninh quốc phòng giữa hai nước. Từ năm 1999-2006, ngân sách nhà nước đã đầu tư 277,2 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, văn hoá - xã hội, thương mại - dịch vụ tại KKTCK quốc tế Cầu Treo với các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, quan trọng
KKTCK quốc tế Bờ Y (Kon Tum) có tổng diện tích gần 70.000 ha được xác định là vùng động lực, trung tâm liên kết trên hành lang kinh tế Đông- Tây trong tam giác phát triển kinh tế của ba nước Việt Nam-Lào và Campuchia. Đến nay, KKTCK quốc tế Bờ Y đã huy động được trên 300 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Riêng năm 2006, tuy nguồn vốn nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu kinh tế chỉ có 30 tỷ đồng nhưng Ban quản lý KKTCK đã thực hiện công việc đạt trên 50 tỷ đồng.
Các KKTCK ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia
Trên khu vực cửa khẩu này, đến năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt thành lập 8 KKTCK. Tổng diện tích 8 KKTCK này là 6677 km2, dân số khoảng 1455 nghìn người, chiếm 2,7% về diện tích và 5,2% về dân số các tỉnh biên giới Việt-Campuchia. Các KKTCK ở đây đóng góp 34,4% kim ngạch xuất, nhập khẩu, 6% thu ngân sách và 10,2% thuế suất, nhập khẩu của 23 KKTCK cả nước.
Các KKTCK trên tuyến biên giới phía Tây Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội giữa Việt Nam và Campuchia và phát huy tác dụng đối với sự phát triển thương mại và du lịch cửa khẩu. Trong 8 KKTCK này hiện có KKTCK Mộc Bài ở Tây Ninh và An Giang hoạt động giao thương tấp nập hơn, còn các KKTCK khác như KKTCK đường 19 ở Gia Lai, Bonuê ở Bình Phước, Xa Mát ở Đồng Tháp, Khánh Bình ở An Giang và Hà Tiên ở Kiên Giang hoạt động kinh tế và giao thương còn ít, đang trong giao đoạn xây dựng kết cấu hạ tầng của KKTCK.
Nhìn chung, hoạt động giao thương qua các KKTCK ở khu vực này phát triển chậm hơn so với các KKTCK ở khu vực biên giới Việt – Trung. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các KKTCK năm 2006 là 1208 triệu USD, trong đó giá xuất khẩu 995 triệu USD, nhập khẩu 213 triệu USD. Thu ngân sách qua các KKTCK ở khu vực này năm 2006 khoảng 326 tỷ đồng (thấp nhất trong 3 khu vực biên giới), bằng khoảng 6% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2006 của các KKTCK cả nước. Thu thuế xuất, nhập khẩu năm 2006 khoảng 10,2% tổng thu ngân sách qua các KKTCK cả nước, gồm cả thuế và phí xuất, nhập khẩu hàng hoá.
Ngày 25 tháng 4 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020”. Theo Quyết định này, từ nay đến năm 2020 sẽ hình thành thêm 7 KKTCK, nâng tổng số KKTCK từ 23 khu lên 30 khu, trong đó tập trung xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng và mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách cho khoảng 9-10 KKTCK hoạt động có hiệu quả để đạt được 36-37 tỷ USD hàng hoá và dịch vụ xuất, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam với các nước láng giềng./.
(Nguyễn Thị Huệ - Tạp chí kinh tế và dự báo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com