Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát

Trung chuyển hàng nhập từ Cam-pu-chia vào nội địa qua cửa khẩu Xa Mát.
Từ đường xuyên Á, đoạn huyện Gò Dầu, Tây Ninh, theo quốc lộ 22B hướng về phía tây bắc, đến giáp biên giới Cam-pu-chia là cửa khẩu Xa Mát. Ðây là cửa khẩu thu hút lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu lớn nhất tỉnh. Do tầm quan trọng đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát ngày 11-9-2003.

 

Những bước chuẩn bị

 

Khu Kinh tế (KKT) cửa khẩu Xa Mát được quy hoạch bao gồm cửa khẩu quốc tế Xa Mát và ba cửa khẩu tiểu ngạch là Chàng Riệc, Cây Gõ, Tân Phú, tổng diện tích hơn 34.000 ha. Toàn khu vực có đường biên giới dài 90 km, nằm cách trung tâm TP Hồ Chí Minh 150 km và cách Thủ đô Phnôm Pênh,  (Cam-pu-chia) 200 km. Quốc lộ 22B là tuyến đường huyết mạch, có thể kết nối qua biên giới đến khu du lịch hồ Tôn-lê-sáp, kéo dài đến Phnôm Pênh và sang tận Băng-cốc (Thái-lan) hoàn toàn bằng đường bộ. Vì vậy, cửa khẩu Xa Mát là điểm thu hút hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK) mạnh. Những năm qua, kim ngạch XNK nơi đây luôn không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2004, lượng hàng xuất khẩu chỉ đạt hơn 49,2 triệu USD, nhập khẩu đạt giá trị hơn 42 triệu USD thì đến năm 2008, số hàng xuất khẩu đạt 111,8 triệu USD, và hàng nhập khẩu gần 204 triệu USD. Bên cạnh đó, lượng người xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu Xa Mát trong năm 2008 cũng tăng đến gần 130 nghìn lượt người. Ngoài điều kiện tự nhiên thuận lợi cho quy hoạch xây dựng mới các công trình, đồng thời có môi trường thiên nhiên ưu đãi như địa hình, địa chất tốt, nguồn nước ngầm dồi dào, cửa khẩu Xa Mát góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho 20 xã biên giới, toàn tỉnh Tây Ninh và các địa phương phụ cận.

 

Theo đồng chí Phạm Văn Sơn, Trưởng Ban quản lý (BQL) KKT cửa khẩu Xa Mát, hiện trong KKT có hàng chục dự án về cơ sở hạ tầng đã lập xong quy hoạch chi tiết, đang thực hiện hoặc chờ thẩm định phê duyệt, như Khu công nghiệp và trung tâm; Khu dịch vụ thương mại trong nước và quốc tế; Khu tái định cư; Khu đô thị cửa khẩu... Từ ngày KKT kêu gọi đầu tư đến nay, đã có 13 dự án của các nhà đầu tư trong nước được cấp phép với tổng diện tích hơn 392 ha, tổng nguồn vốn hơn 880 tỷ đồng và 200 triệu USD. Các nhà đầu tư đang tiến hành lập dự án và quy hoạch chi tiết để chuẩn bị triển khai, trong đó có khu kho trung chuyển hàng hóa rộng gần 30 ha do sáu nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh thực hiện, với cam kết sẽ ứng trước tiền bồi thường đất sau khi phương án hỗ trợ và tái định cư được phê duyệt. Riêng khu vực hành chính, Ban quản lý đã tiến hành chi trả cho các hộ dân, đồng thời đang kiểm tra, rà soát các diện tích đất rừng và đất thuộc vành đai biên giới để lập phương án hỗ trợ, bồi thường xây dựng khu đô thị cửa khẩu quy mô 728 ha. Về mức ưu đãi đầu tư, giá cho thuê đất năm 2009 chỉ 770 đồng/m2/năm. Nhà đầu tư còn được miễn 11 năm tiền thuê đất và miễn trong 15 năm nếu dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Về thuế thu nhập, doanh nghiệp cũng sẽ được miễn bốn năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, và giảm 50% trong chín năm tiếp theo, ngoài ra nhà đầu tư còn được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động và một số ưu đãi khác của tỉnh. Quý I-2009, kim ngạch XNK ở Xa Mát đạt hơn 40,7 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp, bách hóa tổng hợp, thức ăn gia súc, máy cày, máy kéo, hàng nhập chủ yếu là các loại nông sản của Cam-pu-chia, trong đó có hàng trăm nghìn tấn trái cây. Nhìn chung, mọi công tác chuẩn bị cho xây dựng KKT cửa khẩu Xa Mát đều được khẩn trương xúc tiến, để tận dụng lợi thế sẵn có và hướng tới tầm nhìn lâu dài.

 

Những khó khăn, vướng mắc

 

Mặc dù đã có 13 doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư trong KKT cửa khẩu Xa Mát, nhưng hiện nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào triển khai được dự án, do tất cả đều vướng cơ chế thỏa thuận giá hỗ trợ, bồi thường đất để thu hồi xây dựng các công trình.

 

Theo Phó Trưởng BQL KKT cửa khẩu Xa Mát Lê Thành Lượm, vấn đề chủ yếu do người dân đề nghị giá bồi thường đất và cây trồng cao gấp nhiều lần so quy định. Trên thực tế, đất vùng nông thôn nơi này có giá thấp hơn nhiều. Theo đơn giá bồi thường của tỉnh tại Khu hành chính và chung quanh, đất nông nghiệp ven quốc lộ 22B, tính từ mốc lộ giới quy hoạch vào sâu 50 m và từ mốc lộ giới quy hoạch trở ra mép đường nhựa hiện hữu có giá bồi thường là 282.500/đồng/m2, tức lên đến hơn 2,8 tỷ đồng/ha, còn đất nông nghiệp ở các vị trí còn lại, giá bồi thường 40 nghìn đồng/m2, tương đương 400 triệu đồng/ha. Theo những người dân ở đây, mức bồi thường như vậy đã là cao hơn giá thị trường thời điểm hiện tại, vì ngoài đoạn quốc lộ 22B ra, số còn lại nguyên là đất rẫy, chỉ có giá trị tương đối chứ không cao bằng các vùng khác. Hơn nữa, nguồn gốc đất trong KKT khá phức tạp, không rõ ràng, từ nhiều năm qua đã có tình trạng xâm chiếm đất công kéo dài ở khu vực biên giới, do trước đây quỹ đất còn nhiều nhưng thiếu sự quản lý chặt chẽ. Một số hộ, cá nhân đang sản xuất trong diện tích thuộc vành đai KKT và một số hộ đang lấn chiếm đất trong dự án rừng Chàng Riệc, cộng với việc sử dụng đất sai mục đích xảy ra phổ biến trong khu quy hoạch khiến công tác đền bù, giải tỏa càng khó khăn hơn. Ðiều đáng nói là, có một số hộ đã được địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên khu vực vành đai biên giới (hơn 15 ha) và trên đất quy hoạch dự án rừng Chàng Riệc (7,6 ha). Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khu này là chưa đúng theo quy định, trái với pháp luật về đất đai và quy chế khu vực biên giới. Vì vậy, UBND tỉnh đã có kết luận theo hướng khi thu hồi đất, chỉ bồi thường về tài sản trên đất, không bồi thường về đất và công khai phá. BQL KKT cũng đề nghị tỉnh có biện pháp lập lại trật tự cho toàn khu vực, và UBND tỉnh đã lập đoàn kiểm tra nguồn gốc đất tại nơi quy hoạch Khu đô thị cửa khẩu. Công việc đang được tiến hành nhanh để có quỹ đất sạch xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và giao cho các nhà đầu tư thực hiện dự án.

 

Mặt khác, KKT còn gặp khó khăn lớn khi triển khai các dự án, do đồ án quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần để bảo đảm mỹ quan cho khu vực cột mốc 118. Cho nên, tất cả phải chờ kết quả điều chỉnh mới có thể triển khai các dự án và tiếp tục thu hút đầu tư. Về phía chức năng, nhiệm vụ của BQL KKT, theo Nghị định 29/2008/NÐ-CP của Chính phủ quy định, BQL các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế do Chính phủ thành lập. Thế nhưng, ở KKT Xa Mát BQL lại do tỉnh thành lập nên các chức năng như: giao đất, cho thuê đất... còn  lúng túng vì chưa rõ thẩm quyền có được thực hiện hay không. Về vốn xây dựng, với quy mô nêu trên, nhưng KKT cửa khẩu Xa Mát rất thiếu vốn đầu tư cho các công trình. Theo BQL KKT, nguồn vốn chủ yếu do trung ương cấp, năm 2008 được năm tỷ đồng và một tỷ đồng của tỉnh bổ sung. Sang năm 2009, vốn trung ương cũng mới chỉ được 5,5 tỷ đồng... Các khó khăn đã khiến việc quy hoạch, xây dựng bị chậm so tiến độ đề ra.

 

Hiện BQL KKT cửa khẩu Xa Mát đang tiếp tục phối hợp các đoàn thể và huyện, xã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân ủng hộ chủ trương xây dựng KKT vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, các khu chức năng dành cho công nghiệp, thương mại, tái định cư, bưu điện, trung tâm công nghệ, bến xe, công viên, khu nhà ở... đang được lập hồ sơ thu hồi đất. Việc tiếp tục kiểm tra nguồn gốc đất, cùng giải quyết các vướng mắc phát sinh trong đền bù, giải tỏa vẫn là vấn đề chính, cần có sự phối hợp đồng bộ và tiến hành quyết liệt nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng, để KKT cửa khẩu Xa Mát nhanh chóng trở thành một trung tâm kinh tế phục vụ cho thương mại XNK trong tương lai gần.

(Bài và ảnh: Văn Công Cảnh- Báo Nhân dân)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container