Khu Kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) được xây dựng trên diện tích 22.781 ha theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 3/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Khu Kinh tế Vũng Áng được kỳ vọng trở thành tâm điểm cho bước phát triển đột phá của kinh tế miền Trung. Cho tới thời điểm này, các dự án đã và đang triển khai tại đây đang dần tạo ra một bộ mặt mới cho vùng đất bị đánh giá là cằn cỗi này.
Dự án có nhiều cái “nhất”
Buổi trưa hè trong xanh, ngồi trên nhà bè bập bềnh bên cạnh cầu cảng số 1 của Vũng Áng, ngắm trời ngắm biển có lẽ là cái thú của người ưa lang thang. Thưởng thức những con mực nhảy tươi rói, chỉ duy nhất có ở vùng biển nước xanh mát mắt này và nghe ông chủ quán Hậu Thìn nói lõm bõm về quy mô của cả vùng kinh tế Vũng Áng có diện tích tới hàng chục ngàn héc – ta này quả là một điều bất ngờ.
“Các bác cứ thưởng thức món ngon đi. Lần sau quay lại, chắc quán em đóng cửa rồi. Cầu cảng mới sắp xây dựng. Em cùng gần chục bè khác “ngược” về quê và sẽ tạm biệt các bác”, nâng chén rượu, ông chủ quán nửa đùa nửa thật, nửa vui nửa buồn, dốc ực vào trong miệng rồi quay sang gắt vợ chuẩn bị món nhanh cho khách.
Ông chủ quán tiếp chuyện rằng, đầu tư trăm rưởi triệu cho cái nhà bè nổi. Làm ăn được một thời gian cũng khá. Nhưng vài tháng nữa là phải di dời, để nhường biển lại cho các dự án quan trọng của tỉnh, của quốc gia. Lo thì có lo, nhưng mừng vì nơi đây lại sắp mọc lên những công trình mới.
“Các bác thấy không, cái cầu cảng be bé thế kia mà nghe nói mỗi năm bốc dỡ bao nhiêu là hàng đấy. Trước ở đây buồn lắm, nhưng từ ngày có nhà máy, có cảng, có tàu thì nhộn nhịp đông vui đáo để”, ông chủ quán vẫn vui chuyện. Rồi thì quay sang hỏi, các bác có biết 7,9 tỷ đô la mà xây công trình thì to thế nào không. Em nghe nói, nếu khu liên hợp gang thép của Formosa gì đó mà được xây dựng, chỉ riêng công nhân cũng tới hàng chục ngàn người! Chà, lớn phải biết! Xuýt xoa xong, bỏ đoàn khách ngồi lại cho tự nhiên, ông chủ quán rút ra sau bè để lựa chọn những đồ ngon tiếp khách.
Chúng tôi tủm tỉm cười, bởi ông chủ quán vui tính khơi đúng mạch. Và ông cũng vô tình không biết nhóm phóng viên đang lăn vào Vũng Áng, đang ngồi trên bè lênh đênh của ông để ngắm quy mô của vùng đại dự án, sau 4 năm chào đời. Và cũng để trả lời cho câu hỏi, để cái dự án khổng lồ ấy được triển khai, thì các bước chuẩn bị đã được tiến hành tới đâu.
Có thể ông chủ quán xởi lởi không biết được rằng, cái dự án mà ông vừa nhắc tới ấy, đang chiếm nhiều chữ “nhất” hiện nay.
Theo Huyện ủy Kỳ Anh thống kê, Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng này là dự án trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lớn nhất khu vực miền Trung. Phạm vi thực hiện dự án rộng nhất, trên địa bàn 5 xã Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh. Dự án này có diện tích giải phóng mặt bằng lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn: giai đoạn 1 gần 3.000 ha cho Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương, trong đó có hơn 1.000 ha diện tích mặt nước biển và gần 2.000 ha diện tích đất liền cộng với hơn 500 ha cho tái định cư. Dự án này ảnh hưởng tới số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nhiều nhất với 10.000 lượt hộ và cũng là dự án có số hộ di dời, tái định cư lớn nhất với hơn 2.000 hộ gia đình. Số tiền bồi thường cho dự án cũng là lớn nhất từ trước tới nay với hơn 2.000 tỷ đồng.
Chỉ những con số này đã cho thấy quy mô của Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa lớn tới mức nào. Đây là một trong những dự án tạo thành điểm nhấn quan trọng nhất của cả Khu Kinh tế Vũng Áng nổi tiếng bấy lâu nay.
Hướng mũi nhọn ra biển
Thống kê của UBBN tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, đến nay, tại Khu Kinh tế Vũng Áng, đã có hơn 99 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 190.000 tỷ đồng, trong đó có 16 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép. Các dự án lớn như Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa với tổng mức đầu tư 7,9 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, Cụm khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê 76,8 triệu USD, Dự án phát triển khu du lịch dịch vụ Hồ Tàu Voi 70 triệu USD, Dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp 50 triệu USD... Một số dự án đang hoàn thiện thủ tục để xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư: Dự án nhà máy lọc hoá dầu của Tập đoàn Formosa 16 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 12,4 tỷ USD; Dự án nhà máy luyện cán thép của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê 4 triệu tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, III, IV tổng mức đầu tư gần 4 tỷ USD...
Các dự án này sẽ tạo thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, có quy mô rất lớn trên tổng diện tích 22.781 ha. Cảng Vũng Áng có khả năng tiếp nhận tàu 5 vạn tấn, còn cảng Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu 10 -15 vạn tấn và công suất của cảng biển khu vực này có thể đạt tới 48 triệu tấn hàng hóa/năm. Vị trí của Khu kinh tế này khá thuận tiện khi nằm gần trục giao thông Quốc lộ 1A, còn đường 12A từ cửa khẩu Cha Lo đến Cảng Vũng Áng gần 150 km. Đây là cửa ngõ đi ra biển của Lào và các vùng Đông Bắc Thái Lan, có tiềm năng vận tải hàng hóa bằng đường biển với chi phí thấp. Cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương có tầm quan trọng đặc biệt đối với hành lang kinh tế Đông-Tây và là cầu nối gần nhất với các tuyến đường biển quốc tế.
Nhìn trên bản đồ, khu vực 9 xã phía Nam huyện Kỳ Anh bao gồm Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương và Kỳ Nam tạo thành Khu Kinh tế Vũng Áng như một mũi nhọn hướng ra phía biển.
Theo hướng dẫn của anh Ngô Đình Vân, Chánh văn phòng Ban quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng, chúng tôi theo dõi vị trí các dự án lớn trên bản đồ quy hoạch. Các nét kẻ vẽ, chỉ vị trí này vị trí kia là cảng, là nhà máy, là đường… và cũng đã có những nhà máy đi vào hoạt động, ví như, các nhà máy chế biến gỗ dăm, nhưng “điểm nhấn” của Khu kinh tế là Dự án liên hợp thép và Cảng Sơn Dương vẫn đang chờ mặt bằng để triển khai. Tập đoàn Formosa đang đề nghị phía tỉnh Hà Tĩnh sớm bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.
Và đây chính là lý do mà trong suốt 2 năm qua, Hà Tĩnh sôi sục như một đại công trường, làm mọi điều tốt nhất có thể để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư triển khai dự án trong khu kinh tế này.
Để cảm nhận được quy mô của dự án, chúng tôi rong ruổi từ xã này sang xã khác, từ thôn này sang thôn khác thuộc khu vực bị ảnh hưởng của dự án thuộc huyện Kỳ Anh những ngày đầu tháng 7/2010. Và điều đặc biệt ấn tượng với chúng tôi, trong chuyến thâm nhập thực tế, chính là lượng công việc khổng lồ mà Hà Tĩnh đã làm được chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn. Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư để phục vụ riêng cho dự án của Formosa
Để hình thành nên một siêu dự án, các bước chuẩn bị cuối cùng để bàn giao mặt bằng sạch đang được tiến hành. Và từ đây, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư ở Khu Kinh tế Vũng Áng trở thành câu chuyện hấp dẫn, bởi nó liên quan tới đời sống của hơn 2.000 hộ gia đình, liên quan tới sự vận động của cả hệ thống các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Hà Tĩnh. Những phát sinh trong giải phóng mặt bằng, lo cho đời sống của những người dân nhường đất cho công trình, các vấn đề đặt ra cần giải quyết để có được một khu kinh tế như một mũi nhọn đột phá hướng về phía biển Đông là tâm điểm của câu chuyện về Hà Tĩnh hiện nay. Mà cũng đúng, bởi Vũng Ánh - một khu kinh tế được kỳ vọng sẽ làm thay đổi cả một vùng miền Trung nghèo khó, lam lũ từ hàng thế kỷ qua. Điều đó cũng lý giải tại sao, chẳng chỉ riêng ông chủ nhà hàng Hậu Thìn quan tâm tới những câu chuyện của Vũng Áng đến vậy. Bởi nó không chỉ liên quan tới bè nổi trị giá 150 triệu đồng của ông, mà còn liên quan tới giấc mơ đẹp của một thế hệ tương lai muốn thoát nghèo bằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.ª
(Bài 2: Tâm tư sau “đại công trường”)
(Theo Duy Đông - Hữu Tuấn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com