Tàu đang làm hàng tại Tân Cảng - Cái Mép |
Với lợi thế về hệ thống sông rạch thông thương với cửa biển, sông Thị Vải là điều kiện lý tưởng để hình thành cảng nước sâu cho tàu hàng vạn tấn ra vào.
Tháng 6/2009, với sự góp mặt của hai cảng container tầm cỡ quốc tế là SP - PSA và Tân Cảng - Cái Mép đã mở ra triển vọng lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu của VN nói chung và khu vực nói riêng.
Nhộn nhịp
Hơn một năm qua, hai cảng này đã đón hàng trăm lượt tàu mẹ vào làm hàng và nâng dần tải trọng tàu. Trong đó, Tân cảng Cái Mép đón 160 chuyến tàu mẹ của các hãng tàu lớn trên thế giới và 213 chuyến tàu trung chuyển. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng này đạt: 270.000 TEUs (tương đương hơn 2 triệu tấn). Riêng 6 tháng đầu năm 2010 là 168 chuyến, trong đó có 74 chuyến tàu mẹ, 94 tàu trung chuyển. Sản lượng hàng hóa thông qua đạt trên 130.000 TEUs tương đương 1,2 triệu tấn. Ngoài ra Tân Cảng – Cái Mép còn đón tàu trung chuyển từ Campuchia, kết nối đi Mỹ; Vận chuyển xà lan từ khu vực TP HCM về và ngược lại. Không chịu thua kém, từ đầu năm 2010 đến cuối tháng 7, cảng quốc tế SP-PSA đón 80 lượt tàu mẹ vào làm hàng với sản lượng thông qua hơn 140.000 TEUs. Con số này cho thấy, sức hút hàng của khu vực cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải đã thực sự trở nên sôi động.
Giải tỏa ách tắc
Hưởng lợi từ sự góp mặt hoạt động của các cảng container tại khu vực Thị Vải, các nhà xuất nhập khẩu VN đã được sử dụng dịch vụ vận chuyển container - một giải pháp thương mại toàn cầu, vừa giảm đáng kể thời gian hành trình của hàng hóa do không phải trung chuyển. Cụ thể, một chuyến hàng từ VN đi thẳng đến bờ Đông, bờ Tây nước Mỹ chỉ mất từ 15 - 18 ngày thay vì gần một tháng như trước đây. Thời gian rút ngắn, đồng nghĩa chi phí giảm. Bên cạnh đó, không qua trung chuyển, chủ hàng không mất chi phí lưu hàng chờ tàu. Sự tiết giảm chi phí dẫn đến giảm giá thành sản phẩm. Tàu càng lớn, chi phí vận chuyển tính trên mỗi đơn vị hàng hóa càng thấp, lợi nhuận đem lại cho chủ hàng càng cao. Không những thế, họat động của cảng còn kéo theo sự phát triển các dịch vụ đi kèm như: Logicstic, dịch vụ tài chính viễn thông... Việc sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các cảng tầm cỡ như SP-PSA và tân cảng - cái Mép góp phần tích cực khơi thông hàng hóa tại khu vực phía Nam.
Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã từng khẳng định rằng:“Nếu chưa có những cảng tầm cỡ như thế này thì chưa thể giải tỏa được tình trạng ách tắc giao thông ở khu vực TP HCM. Đây chính là cảng chia sẻ rất lớn về bốc xếp container cho các cảng trong nội ô TP HCM”.
Tăng cường cạnh tranh
Có thể nói, các cảng container nước sâu đầu tiên này đều được trang bị loại cẩu bờ có sức nâng từ 35 đến 65 tấn, tầm với lên đến 50 m, có thể bốc xếp đồng thời hai container loại 20 feet. Công suất xếp dỡ hàng đạt từ 650.000 đến 1,1 triệu Teus/năm cho giai đoạn I và sẽ lên đến trên 2,2 triệu Teus/năm sau khi hoàn thành toàn bộ dự án. Riêng cảng quốc tế SP-PSA có thể tiếp nhận cùng một lúc hai tàu trọng tải 80.000 tấn hoặc bốn tàu có trọng tải trên 30.000 tấn vào làm hàng. Không chỉ cung ứng các dịch vụ khai thác cảng và giao nhận hàng hóa, Công ty Tân Cảng Sài Gòn còn có 3 tàu lai cung ứng các dịch vụ lai dắt cho các tàu lớn vào bến, 15 xà lan có tổng công suất chuyên chở trên 700 TEUs để vận chuyển container từ TP HCM đến Cái Mép, dịch vụ hoa tiêu... Như vậy hoạt động dịch vụ hàng hải tại khu vực cũng rất đa dạng, phong phú. Không những thế, hệ thống điều hành khai thác cảng của hai cảng này còn cho phép người sử dụng cảng trao đổi và cập nhật thông tin điện tử theo thời gian thực tế. Một tiện lợi nữa là kho đóng rút hàng container và các phương tiện giao dịch ngân hàng nằm gần cảng, tiện lợi cho khách hàng... Do vậy, sức thu hút khách hàng đến sử dụng các dịch vụ của các cảng này trước mắt cũng như khả năng cạnh tranh trong tương lai là rất lớn. Được biết, đây mới chỉ là hai trong số 12 cảng đang được triển khai xây dựng đi vào hoạt động (dự kiến các cảng còn lại sẽ đi vào hoạt động từ nay đến năm 2012).
Với các nhà đầu tư là những tập đoàn vận tải biển và khai thác cảng biển hàng đầu trên thế giới như: PSA (Singapore), Hurchison (Hong Kong, Trung Quốc), Maersk (Đan Mạch), SSA Marine (Mỹ), CMA-CGM (Pháp)... các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải khi đi vào khai thác đồng lọat sẽ tạo điều kiện cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các khu vực lân cận phát triển. Mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như ngành vận tải hàng hải VN. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com