Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Đại công trường” Vũng Áng trong cuộc trở mình lịch sử (Bài 4)

Mặc dù còn một số vướng mắc trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng khu tái định cư, nhưng với lượng công việc khổng lồ mà Hà Tĩnh đã làm được trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận.

Bài 4: Những bài học riêng của Hà Tĩnh

Mặc dù còn một số vướng mắc trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng khu tái định cư, nhưng với lượng công việc khổng lồ mà Hà Tĩnh đã làm được trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận.Hà Tĩnh đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong công tác chuẩn bị mặt bằng cho nhà đầu tư.

Ăn ngủ cùng cơ sở…

Ông Nguyễn Đình Vận, Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng, tranh thủ tiếp chúng tôi giữa buổi trưa nắng gắt ngay tại trụ sở gần Cảng Vũng Áng. Ông bảo, thời điểm căng thẳng để bàn giao mặt bằng như hiện nay, thì hầu hết cán bộ của Ban đang được chia ra tại các xã có GPMB cũng như tại các khu tái định cư nên chỉ có thể tranh thủ hẹn phóng viên vào buổi trưa nóng bức.

“Tôi trước đây là Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, nên khi làm nhiệm vụ này cũng có nhiều thuận lợi trong việc tiếp xúc với cán bộ và nhân dân trong huyện. Nhưng, với tính phức tạp của công tác GPMB, thì cần phải mất công sức rất nhiều”, ông Vận mở đầu câu chuyện.

Người đàn ông đã có nhiều năm lăn lộn ở cơ sở để xử lý các vấn đề liên quan tới GPMB thủng thẳng rằng, lần đầu cán bộ đến nhà dân tại các khu cần GPMB, dân không đón tiếp. Chào ra về. Lần sau không tiếp thì cũng chào ra về. Lần sau thì được mời uống nước, nhưng chẳng chuyện trò gì. Rồi lần sau thì người dân giãi bày nguyện vọng, băn khoăn. Rồi chính sách được giải thích, rồi họp, rồi kiểm đếm, rồi tính toán, đền bù…

Ngồi nghe ông Vận kể kinh nghiệm GPMB tại khu Vũng Áng, tôi lại liên tưởng tới chi tiết thú vị mà ông Phạm Huy Tường, Phó chủ tịch Hội đồng GPMB Dự án Formosa nói với chúng tôi hôm trước. Rằng, vì tính chất phức tạp và quy mô quá lớn của việc GPMB của dự án này mà Hà Tĩnh còn áp dụng cả “độc chiêu”. Đó là huy động toàn bộ giáo viên, bộ đội, công an hoặc cán bộ công chức là người nhà của người dân vùng bị di dời đang làm việc ở khắp các nơi về quê để giải thích chính sách với người thân. Nghỉ tạm việc chính, coi nhiệm vụ thuyết phục vận động là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn đó. Bao giờ xong thì quay trở lại công việc cũ, hoặc thậm chí còn được ưu tiên trong công tác xét tuyển và nâng lương cho cán bộ.

Cán bộ, đảng viên cơ sở bao giờ cũng là nòng cốt trong các cuộc vận động và cũng là những người gương mẫu đầu tiên trong việc thực hiện di dời. Ông Lê Văn Chương, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Phương kể với chúng tôi rằng, gia đình ông là hộ đầu tiên di dời trong xã. Ngày ông dỡ nhà, cả xóm ra nhìn với nhiều thái độ khác nhau. Nhà ông Phó chủ tịch đã dỡ, thì rồi người dân sẽ làm theo. Ông Lê Xuân Chúng, ở Kỳ Lợi là đảng viên lâu năm, nên gia đình ông là hộ đầu tiên đến khu tái định cư ở Kỳ Trinh khi mà xung quanh toàn những đồi, ruộng, vắng hoe, vắng ngắt. Một mình một lán, nhìn mọi thứ xung quanh buồn bã, nhưng như truyền thống bộ đội cụ Hồ, ông không bỏ “trận địa” mà kiên trì bám trụ chờ các hộ dân tiếp theo. Thế rồi, các khu đất dần dần có người đến dựng lán tạm, tập kết nguyên liệu để xây nhà như hiện nay. 

Anh Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Xuân Thành luôn miệng nói về sự nhiệt tình và sâu sát của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự. Lãnh đạo doanh nghiệp này đã khẳng định rằng, nếu Hà Tĩnh không có những cán bộ lăn lê hết công trình này đến công trình khác, xóm này tới xã khác thì tốc độ GPMB Khu kinh tế Vũng Áng không thể nhanh như hiện tại.

“Là người quản lý doanh nghiệp, tôi cũng ngạc nhiên khi lãnh đạo tỉnh đi thăm những khu tái định cư mà có thể kể vanh vách tên những hộ dân lần trước đã tiếp xúc, hỏi cặn kẽ cán bộ địa phương về việc giải quyết những vướng mắc của người dân nêu ra. Tốc độ thi công của chúng tôi nhanh như hiện nay cũng nhờ một phần quan trọng sự động viên của lãnh đạo tỉnh”, anh Hải tâm sự.

Ở Hà Tĩnh, một cách làm trong việc hỗ trợ dân xây dựng nhà tái định cư cũng đáng được nghiên cứu học tập. Đó là tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức một khu vực bán nguyên vật liệu xây dựng cơ bản như xi măng, sắt thép với giá bán quy định để tránh tình trạng thị trường lợi dụng nhu cầu tăng đột biến mà gây sốt giá trên địa bàn. Lãnh đạo UBND tỉnh đã có cuộc họp với các doanh nghiệp, các sở, ban, ngành và các địa phương về việc tổ chức bán hàng này. Giá hàng hóa sẽ được giám sát chặt chẽ và nếu có biến động bất thường thì báo cáo tỉnh xử lý. Trung bình mỗi khu tái định cư có 2-3 điểm bán hàng này, tạo thuận lợi cho người dân đẩy mạnh tốc độ xây dựng nhà cửa...

Dốc toàn lực cho GPMB

Ông Thái Văn Hóa, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng nêu kinh nghiệm GPMB tại Hà Tĩnh thời gian qua là, ngay từ đầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Đoàn công tác chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực công tác của huyện Kỳ Anh do một Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan làm thành viên. Bên cạnh đó, thành lập Ban chỉ đạo công tác GPMB các dự án lớn gồm 6 Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (địa phương có dự án) và Phó trưởng Ban thường trực Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng. Các thành viên được phân công cụ thể chỉ đạo trực tiếp tại các xã bị ảnh hưởng bởi dự án.

Thường trực Tỉnh ủy đưa nội dung GPMB vào giải quyết tại các cuộc giao ban tuần. Định kỳ 2 tuần một lần, UBND tỉnh chủ trì tổ chức giao ban với các lực lượng của tỉnh, huyện, các xã, thôn, các cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ công tác GPMB để rút kinh nghiệm, giải quyết các vấn đề phát sinh, ban hành thông báo kết luận chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. 

“UBND tỉnh ban hành quyết định huy động lực lượng công an, quân sự, đoàn thanh niên và UBND các huyện, thị xã trong tỉnh với hàng ngàn người, hàng trăm ô tô giúp các hộ dân di dời, làm nhà ở tại các khu tái định cư. Cả tỉnh Hà Tĩnh như một đại công trường sôi động trong suốt thời gian qua nên kết quả mới đạt được như ngày hôm nay”, ông Hóa chia sẻ.

Quy trình thực hiện GPMB tại Vũng Áng cũng không có gì quá đặc biệt khi cũng được thực hiện theo cách: Hội đồng bồi thường phối hợp với lãnh đạo xã thông báo rộng rãi chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn. Nhận bàn giao từ chủ đầu tư quyết định phê duyệt dự án, hồ sơ địa chính, mốc GPMB khu đất thu hồi. Rồi họp với lãnh đạo xã để thống nhất kế hoạch triển khai. Rồi phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, các tổ tuyên truyền của Ban chỉ đạo huyện tổ chức họp Đảng bộ, chi bộ, họp dân để phổ biến thông tin về dự án và kế hoạch thực hiện; phổ biến, niêm yết công khai các chế độ, chính sách đền bù hỗ trợ...

Theo các cán bộ trực tiếp làm công tác GPMB tại Kỳ Anh, sở dĩ chưa có trường hợp nào phải áp dụng hình thức cưỡng chế là bởi quy trình đã được làm kỹ và việc họp với các hộ dân ảnh hưởng thu hồi đất để quán triệt yêu cầu, thống nhất phương pháp, cách làm, thời gian kiểm đếm, tạo sự đồng thuận trước khi tiến hành kiểm kê đối với từng hộ dân đã được thực hiện. Quá trình này được làm công khai, với sự bàn bạc của người dân theo quy định của pháp luật nên mới có thể áp dụng làm rộng trên địa bàn 5 xã với hơn 2.000 hộ dân như vậy.

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, tính đến ngày 2/7, số lượng công việc được hoàn thành trong công tác GPMB là hết sức đáng mừng. Xã Kỳ Liên đã có 237/240 hộ thuộc diện di dời đã và đang di dời lên khu tái định cư. Xã Kỳ Long đã có 818/845 hộ thuộc diện di dời đã và đang di dời lên khu tái định cư. Xã Kỳ Phương có 697/741 hộ, Kỳ Lợi đã có 297/299 hộ đã lên khu tái định cư. Kế hoạch mà Hà Tĩnh đặt ra là cuối tháng 7 này, 100% mặt bằng sạch sẽ được bàn giao cho chủ đầu tư.

Lượng công việc khổng lồ này được hoàn thành chỉ trong thời gian ngắn do Hà Tĩnh đã có những cách làm riêng có trong công tác GPMB mà các địa phương khác có thể nghiên cứu.

(Bài 5: Áp lực việc làm hậu tái định cư)

(Theo Duy Đông – Hữu Tuấn // Báo đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container