Người dân ở khu tái định cư chưa có kế hoạch về nghề nghiệp cho tương lai |
Từ nỗi lo của người dân…
Tiếp chúng tôi trong căn nhà còn ngổn ngang vôi vữa tại Khu tái định cư Kỳ Phương, anh Lê Văn Sơn, trước ở thôn Quyết Tiến, chỉ tay ra cây lộc vừng mới được trồng ở trước cửa mà than rằng, chẳng sống được đâu các chú ạ! Đất mới, khô như gạch ấy. Được đền bù 500 triệu đồng, chuyển lên khu tái định cư từ tháng 2/2010 và xây dựng nhà đến nay, nhưng cuộc sống của anh cùng 5 nhân khẩu khác trong gia đình vẫn chưa ổn định. “Trước đây, chúng tôi có 2 mẫu ruộng, một vụ cũng được vài tấn thóc. Tranh thủ đi biển lúc nông nhàn, cũng có đồng ra, đồng vào. Giờ ngồi chơi không, sốt ruột và lo nhất là đã sắp hết tiền đền bù”, anh Sơn nói.
Trường hợp của gia đình anh Sơn cũng giống như gia đình anh Trần Công Duyên tại Khu tái định cư Kỳ Long. Ở khu cũ, ruộng có, dù không màu mỡ cũng đảm bảo cho anh và gia đình không lo lắng tới cái ăn. Giờ tới nơi mới, được cấp 400 m2 đất thì làm nhà và sân vườn hết một nửa. Phần còn lại may ra cải tạo tốt thì có thể biến thành vườn để trồng rau.
Ở các khu tái định cư mà Hà Tĩnh đang triển khai có mô hình xây dựng như một khu đô thị. Nhà thầu Xuân Thành cũng khẳng định điều này khi cam kết chất lượng xây dựng với tiêu chuẩn cao. Nhưng sự dồn nén dân cư, vốn là những nông dân, vào các khu đô thị đang tạo ra một sức ép rất lớn cho mọi cấp xung quanh câu chuyện giải quyết việc làm.
Ông Lê Xuân Chúng, người cựu chiến binh mà chúng tôi đã nói ở bài trước, giữ một trong những vị trí quan trọng trong xã Kỳ Lợi chẳng giấu được nỗi lo khi xung quanh gia đình ông là 288 hộ dân khác. Cứ nhẩm trung bình mỗi nhà 2 nhân khẩu trong độ tuổi lao động, thì số người thiếu việc làm trong vài năm tới đã khiến ông giật mình. Ông bảo, trình độ dân trí mình thấp, dù chính quyền có vận động phải tiết kiệm tiền đền bù thì cũng không ít người vẫn xây nhà to, mua xe máy chạy vù vù. Tiền hỗ trợ học nghề 5 triệu đồng/nhân khẩu cũng đã ăn hết và nghề thì chưa thấy đâu. Lo lắm!
Hỏi cụ thể về kế hoạch của tỉnh bố trí lao động cho dân, ông bảo có biết đề án mà tỉnh đã làm. Và cũng đã có dự định sẽ xây dựng hợp tác xã đa năng, trồng rau cộng chăn nuôi trên địa bàn xã này. Mô hình thì cũng đã được học tập. Nhưng câu hỏi bao giờ triển khai thì còn đang bỏ ngỏ.
Đem câu chuyện quỹ đất trên huyện Kỳ Anh hỏi Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Kỳ Anh, ông Phạm Huy Tường, chúng tôi nhận được cái lắc đầu: huyện đang rất thiếu đất. “Diện tích đất của huyện khoảng 150.000 ha, thì chỉ riêng KKT Vũng Áng đã sử dụng hơn 22.000 ha. Hiện tại, quỹ đất để phát triển sản xuất tại Kỳ Anh là không còn. Ngay cả rừng phòng hộ cũng đang có xu hướng bị thu hẹp để phục vụ các dự án tái định cư”, ông Tường phác họa.
Lãnh đạo huyện Kỳ Anh cũng thừa nhận rằng, do trình độ dân trí, nên việc bố trí cho người dân đi học là cả một vấn đề.
“Người dân thì lo khi học xong sẽ không có việc làm do các dự án tại KKT vẫn chỉ đang trong giai đoạn triển khai. Do vậy, con em của họ cũng chưa đi học. Tỉnh có cả một cơ quan để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa bố trí được việc làm cho người dân ở khu tái định cư. Ngay tại Trung tâm Đào tạo giải quyết việc làm của tỉnh (cơ sở 2 đặt tại Kỳ Anh) cho tới thời điểm này, cũng chưa có ai nhập học”, ông Tường nêu thực tế.
Cần phải nhắc lại một con số quan trọng: tổng số hộ di dời phục vụ Dự án Formosa tại 4 xã thuộc huyện Kỳ Anh đã lên tới 2.172 hộ. Và nỗi lo không có việc làm trong tương lai đang hiện hữu trong hầu hết số hộ dân nói trên.
… Tới tính khả thi của đề án giải quyết lao động
Ngày 29/5/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định 1575/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho lao động trong vùng ảnh hưởng của Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương. Đề án này được lập ra để đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho 14.627 người. Trong đó có 12.269 lao động trong độ tuổi lao động hiện có và lao động đến tuổi bổ sung hàng năm là 2.358 người.
Theo đề án do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, sẽ có 4.151 người được bố trí lao động tại các DN trong KKT, 1.609 người được hỗ trợ xuất khẩu lao động và 1.485 người được hỗ trợ đi làm việc ngoại tỉnh. Có 7.245 người được hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Chỉ nói riêng việc đào tạo nghề, đề án chỉ ra rằng, với lao động nam từ 16 đến 40 tuổi và nữ từ 16 đến 35 tuổi có nhu cầu nguyện vọng được học nghề, được chính quyền địa phương giới thiệu và tốt nghiệp từ trung học cơ sở sẽ được hưởng chính sách đào tạo nghề. Các ngành được đào tạo với hệ trung cấp và cao đẳng là cơ khí, điện (điện tử, điện lạnh), hàn, luyện kim, khai thác mỏ, xây dựng, giao thông, công nghệ thông tin chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các chủ đầu tư, DN trên địa bàn. Đối với hệ sơ cấp nghề, sẽ đào tạo các ngành nghề truyền thống, các nghề tiểu thủ công nghiệp mộc, nền dân dụng, mây, tre đan xuất khẩu, máy công trình, khâu bóng, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản… Đó là còn chưa tính tới các biện pháp khác như giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ xuất khẩu lao động, tìm việc làm trong tỉnh…
Thời gian thực hiện đề án này từ năm 2008 đến 2013 và được chia thành 3 giai đoạn với tổng kinh phí khoảng 430 tỷ đồng.
Qua ghi nhận của chúng tôi tại 4 xã bị ảnh hưởng của dự án, hiện tại, hầu hết người dân và chính quyền địa phương khi được hỏi đều khẳng định, trong vài năm tới, người dân mới chỉ nghĩ tới việc xây dựng nhà cửa ổn định và chưa sẵn sàng chuẩn bị cho công việc mới. Trong khi áp lực về việc làm là rất lớn, thì sự chuẩn bị của người dân với việc này lại chưa tương xứng. Điều này là dễ hiểu bởi với trình độ dân trí và tập quán canh tác từ trước tới nay, sự thay đổi nhận thức để sẵn sàng cho một một nghề mới là chẳng hề dễ dàng với ai.
Trở lại câu chuyện với ông Phùng Văn Thái ở xóm Hồng Hải (Kỳ Phương). Mặc dù chưa đến khu tái định cư, nhưng ông đã xác định sẽ cùng vợ đi làm thuê, vì hai vợ chồng chẳng có nghề gì, ngoài làm ruộng và đi biển. Con ông, đứa lớn 19 tuổi sẽ cố gắng đi học nghề để trở thành công nhân. Nhưng học nghề gì và làm ở đâu thì ông còn phải tính, bởi tới thời gian này, chưa có điều gì là rõ ràng cả.
Khi viết những dòng chữ này, chúng tôi vẫn còn ấn tượng với những “cơn lốc bụi” chạy vòng quanh các khu tái định cư Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Liên… mà chúng tôi có dịp đến thăm vào mỗi buổi tối. Chúng tôi vẫn còn nhớ những ánh mắt của người dân bày tỏ sự lo lắng của mình xung quanh câu chuyện: làm gì để sống trong tương lai. Nhiều nhà ở khu trung tâm tái định cư, khi xây xong, hoặc đang xây dở, đã kịp dựng lên một vài cái bàn cùng dăm bảy bộ cốc để bán nước giải khát cho công nhân xây dựng. Nhưng khi cả làng, cả xã chuyển về đây ở và việc xây dựng hoàn thành thì những cái quán nhỏ cũng chẳng phải là kế sinh nhai hợp lý.
Đất canh tác, ở Kỳ Anh, như ông Tường công bố, thì đã hết. Việc bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho dân các khu tái định cư là việc làm khó chẳng kém gì việc hướng dẫn người dân phải học nghề gì và làm ở đâu.
Tạo việc làm cho hơn 12.000 con người vẫn là một bài toán khó mà với chỉ một bản đề án chắc chắn chưa xử lý được vấn đề. Đây là câu chuyện cần quan tâm nhất, đằng sau những dự án khổng lồ mà Hà Tĩnh đang triển khai xây dựng ở KKT Vũng Áng. Và nếu xử lý được hiệu quả vấn đề này, thì siêu dự án đang hình thành tại Vũng Áng sẽ là một câu chuyện đẹp được kể đến mãi về sau.
(Theo Duy Đông – Hữu Tuấn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com