Việc Chính phủ Mỹ chi tiền cứu hai hãng xe hơi hàng đầu của nước này là General Motors (GM) và Chrysler vẫn không thể giúp những nhà máy sản xuất xe đa dụng có tính năng thể thao (SUV) ở nước này có thể tránh bị rơi vào cảnh đóng cửa.
Do phải đối mặt những rắc rối lớn về tài chính và thị trường xe SUV hầu như chẳng còn mấy khách mua, ngày 23/12 vừa qua, hãng GM đã đóng cửa hai nhà máy sản xuất loại xe này tại Janesville, thuộc bang Wisconsin và Moraine, thuộc bang Ohio. Trước đó ít ngày, hãng Chrysler đóng cửa nhà máy xe SUV cỡ lớn tại Newark, bang Delaware.
Động thái này của GM và Chrysler là bằng chứng rõ nét cho thấy, kỷ nguyên thống trị của những chiếc SUV trên những con đường ở Mỹ sắp sửa chấm dứt.
Trên thực tế, số phận của các nhà máy SUV mà GM và Chrysler đóng cửa lần này đã được định đoạt từ mùa xuân năm nay, khi giá dầu leo thang đã khiến người tiêu dùng Mỹ xa lánh những chiếc SUV vốn nổi tiếng là cồng kềnh và ngốn xăng như nước lã. Doanh số thị trường xe hơi nói chung ở Mỹ sụt giảm 16% trong năm nay, nhưng doanh số xe SUV giảm tới 40%.
Việc đóng cửa những nhà máy này khiến mỗi hãng trong số 3 “đại gia” xe hơi Mỹ chỉ còn lại một nhà máy sản xuất những chiếc SUV cỡ lớn truyền thống: Ford còn một nhà máy ở Kentucky, GM còn một nhà máy ở Texas, Chrysler còn một nhà máy ở Detroit.
Trước đây, ở thời hoàng kim, GM đã xây nhà máy ở Moraine để sản xuất các mẫu xe SUV tầm trung là Chevrolet Blazers và GMC Envoys - những mẫu xe một thời là mẫu xe bán chạy nhất ở Mỹ. Nhà máy ở Janesville thì chuyên lắp ráp ba trong số những mẫu xe đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho GM là Chevrolet Tahoe, Suburban và GMC Yukon.
Nhà máy của Chrysler ở Newark chuyên về sản xuất những chiếc SUV hạng nặng hiệu Dodge Durango và Chrysler Aspen.
Nhà máy của GM tại Janesville đã có tuổi đời 90 năm. Từ đầu thập niên 1990 tới nay, nhà máy này đã cho ra đời hơn 3,7 triệu chiếc SUV. Chiếc SUV cuối cùng mà nhà máy này xuất xưởng là một chiếc Chevrolet Tahoe “ra lò” lúc 7h sáng ngày 23/12.
Khi còn đang hoạt động hết công suất, nhà máy này có khoảng 5.000 công nhân và sản xuất mỗi tháng 20.000 chiếc SUV. Tuy nhiên, cho tới ngày đóng cửa, nhà máy chỉ còn lại có 1.100 công nhân.
Trong ngày hoạt động cuối cùng của nhà máy, phần lớn công nhân không phải làm việc. Tuy nhiên, họ vẫn tới nhà máy để chứng kiến những giờ phút cuối cùng của nơi mà họ đã gắn bó và làm việc bấy lâu. Họ không chỉ buồn vì nhà máy đã gắn bó với nhiều thế hệ người lao động trong vùng phải đóng cửa, mà còn lo lắng cho cuộc sống của chính mình trong thời gian sắp tới khi họ không còn việc làm. Khi còn hoạt động, nhà máy của GM là nguồn thu hút lao động chính cho thị trấn nhỏ Janesville với 64.000 dân này.
“Janesville sẽ mất mát rất nhiều. Sắp tới, giá điện nước và thuế chắc sẽ tăng, trong khi giá nhà lại vẫn giảm”, một phụ nữ có tên Patti Homan nói. Bà Homan đã làm việc trong nhà máy này 23 năm. Cha, anh trai và chồng bà cũng là những công nhân nghỉ hưu của nhà máy này.
Tại vùng Moraine, nơi một nhà máy SUV khác của GM bị đóng cửa, bầu không khí cũng thật ảm đạm. Việc nhà máy này ngừng hoạt động khiến hơn 1.000 công nhân ở đây mất việc. Tâm trạng u ám cũng bao trùm bầu không khí ở vùng Newark, nơi có 1.100 công nhân không còn việc làm do nhà máy SUV của Chrysler ngừng hoạt động.
Trong những năm gần đây, do thị phần co hẹp trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng xe Nhật, ba hãng xe lớn nhất của Mỹ là GM, Chrysler và Ford đã phải đóng cửa hơn một chục nhà máy lắp ráp và sa thải hàng chục ngàn công nhân. Điều này khiến hàng loạt cộng đồng ở các bang mà các hãng xe này đặt nhà máy như Georgia, New Jersey, Michigan và Oklahoma gặp khó.
Tuy nhiên, nhiều khả năng GM và Chrysler sẽ còn đóng cửa thêm một số nhà máy nữa trong quá trình cải tổ đang diễn ra nhằm đáp ứng các yêu cầu để được Chính phủ Mỹ cấp vốn vay.