Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thuế xe van: Lùng nhùng chưa có hồi kết

Từ năm 2003, câu chuyện truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối xe tải mui kín (VAN) nhập khẩu không chỉ “giết chết” hàng chục doanh nghiệp mà còn đang làm đau đầu các cơ quan quản lý vì cái lý không hẳn thuộc về họ.

Xe tải hay xe khách

Có thể nói truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt TTĐB xe tải (VAN) nhập khẩu đang là vấn đề hết sức “đau đầu” của ngành hải quan. Chỉ tính từ thời điểm 1-1-2006 đến ngày 20-7-2008 cơ quan Hải quan đã làm thủ tục nhập khẩu nhập khẩu cho 724 xe ô tô tải VAN với tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phải truy thu ước tính lên tới 26,5 tỷ đồng.

Thực tế câu chuyện này đã diễn ra từ trước đó. Trong khoảng thời gian 2002 - 2004, hơn 1.000 xe loại này đã được nhập khẩu vào Việt Nam và đã bị “om” trong kho không được làm thủ tục nhập khẩu, lưu thông, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho doanh nghiệp. Vấn đề xuất phát từ việc doanh nghiệp nhập khẩu và khai thuế là xe tải mui kín (hoặc xe tải VAN). Theo quy định xe tải không phải chịu thuế TTĐB và thuế VAT là 5%. Tuy nhiên sau khi nhập khẩu, lưu hành trên thị trường, một số loại xe này đã được chuyển đổi thành xe chở người (xe du lịch). Tuy nhiên, thay vì kiểm soát và xử lý các vi phạm loại này thì cơ quan quản lý “nghĩ” ra cách quản: “cho hết vào một rọ”, quy tất cả các loại xe này là xe “chở người” để cấm nhập, (giai đoạn không được nhập khẩu xe du lịch nguyên chiếc), tiến hành tịch thu, tạm giữ tại kho doanh nghiệp cả nghìn chiếc xe. Đến khi sự việc ngã ngũ, có hướng giải quyết thì những chiếc xe này đã lỗi mốt, hư hỏng không tiêu thụ được. Doanh nghiệp thiệt hại tiền tỷ, mà Nhà nước thì lại thất thu không ít tiền thuế.

Tiếp đến từ năm 2006, (khi xe du lịch nguyên chiếc được nhập khẩu), đến tháng 7-2008 đã có hơn 724 chiếc xe tải VAN được nhập khẩu vào Việt Nam. Và một lần nữa câu chuyện xe tải hay xe chở người lại phát sinh gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Tiền hậu bất nhất

Như đã nói, hơn 724 chiếc xe tải VAN nhập khẩu 2 năm qua đã hoàn tất thủ tục hải quan và được tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, vào ngày 21-7-2008, Bộ Tài chính lại có văn bản 8543/BTC-CST chỉ đạo các đơn vị hải quan với nội dung: “Xe ô tô tải VAN có lắp vách ngăn cố định giữa khoang chở hàng và cabin có từ 2 hàng ghế trở lên được xếp vào nhóm ô tô từ 16 đến 24 chỗ ngồi (xe thiết kế vừa chở người vừa chở hàng) thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất là 15%”.

Tại cuộc họp bàn về vấn đề này giữa Cục Hải quan TPHCM với đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này, đồng loạt các doanh nghiệp đều phản đối cho rằng thuế đã nộp, hàng đã bán, doanh nghiệp chịu không thể lấy đâu ra tiền để nộp. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp đều cho rằng văn bản 8543 của Bộ Tài chính đã mâu thuẫn với quan điểm của chính cơ quan này trước đó và vì vậy “lỗi” này thuộc về cơ quan quản lý, không thể đổ lên đầu doanh nghiệp được.

Trước đó ngày 20/3/2007, Bộ Tài chính có văn bản gửi 4 bộ gồm Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), Bộ Công an, đề xuất hướng giải quyết thủ tục hải quan, chính sách thuế đối với xe ô tô tải VAN như sau: “Việc xác định loại phương tiện (xe ô tô tải VAN hay xe ô tô chở người) do Bộ Giao thông (Cục Đăng kiểm Việt Nam) thực hiện”. Bộ Tài chính khẳng định rõ rằng cơ quan Hải quan sẽ căn cứ kết luận của Cục Đăng kiểm về phân loại phương tiện để áp dụng chính sách quản lý nhập khẩu, chính sách thuế.

Thể hiện rõ quan điểm này ngày 25/ 4/ 2007, Tổng cục Hải quan có công văn số 2296 gửi các cục Hải quan hướng dẫn: “Nếu Bộ GTVT (Cục Đăng kiểm Việt Nam) kết luận là xe ô tô tải VAN thì áp dụng chính sách quản lý nhập khẩu, chính sách thuế theo loại xe ô tô tải”. Và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xác nhận loại xe tải VAN thuộc chủng loại xe tải. Căn cứ vào đó cơ quan hải quan áp dụng các mức thuế đối với xe tải (không thu thuế TTĐB).

Thừa giấy vẽ voi?

Nếu thực hiện quyết định truy thu thuế, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh phá sản. Bởi trung bình số tiền phải truy thu một xe từ 30 - 40 triệu đồng, tùy chủng loại. Nhiều doanh nghiệp có 30 - 40 xe nhập khẩu, số tiền bị truy thu rất lớn. Nếu không nộp doanh nghiệp sẽ rơi vào diện nợ thuế, bị cưỡng chế không được làm thủ tục hải quan. Đây chính là điều các doanh nghiệp lo lắng nhất.

Tuy nhiên, ngay cả đối với cơ quan hải quan thì việc truy thu hơn 26,5 tỷ đồng dường như cũng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Bởi trên thực tế thì văn bản của Bộ Tài chính không thuộc… dạng văn bản nào cả: không phải là công văn, chỉ thị, chẳng giống hướng dẫn, cũng không phải là quyết định, hay là danh mục phân loại ô tô cơ giới mà chỉ có thể hiểu như một văn bản “chỉ đạo”.

Song “chỉ đạo” theo kiểu này rất khó cho cơ quan thực hiện. Bởi trước đó, cũng là thực hiện theo chỉ đạo của Bộ, cơ quan hải quan đã căn cứ vào xác nhận của Cục Đăng kiểm để xếp hàng hóa vào diện xe tải, không thu thuế TTĐB, nay Bộ lại bảo có thu thuế TTĐB, hải quan ở giữa rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Chính vì vậy, một mặt vẫn phải ra thông báo truy thu thuế đối với các doanh nghiệp này, mặt khác cơ quan hải quan đang tiến hành rà soát thông kê số liệu cụ thể báo cáo Bộ Tài chính để trình Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp chưa bị áp dụng biện pháp cưỡng chế làm thủ tục hải quan.

(Theo dddn)

  • Hyundai Motor và Kia Motor Corp giảm doanh số bán xe của năm 2008
  • 80% đại lý xe hơi Trung Quốc bị lỗ
  • Các hãng ô tô Mỹ vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ phá sản
  • Nhiều hãng xe hơi Mỹ đồng loạt ngưng hoạt động
  • Hyundai Việt Nam giảm mạnh giá xe Getz nhập khẩu
  • Các hãng xe hơi kêu khó vì phí trước bạ
  • Chrysler, Ford đóng cửa nhà máy
  • Tại sao các hãng xe Nhật ủng hộ Big 3 ?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container