Dòng ôtô du lịch từ 6-9 chỗ ngồi dung tích dưới 1,5 lít đã được Bộ Công Thương chọn là dòng xe chiến lược (DXCL) để đề xuất Chính phủ ưu đãi thuế.
Quyết định dứt khoát này của Bộ Công Thương đã đáp ứng yêu cầu "cần" (cần chọn DXCL) nhưng chưa "đủ", vì còn rất nhiều việc phải làm... Hợp lý và… lấn cấn
Phải khẳng định rằng, việc chọn dòng xe 6-9 chỗ ngồi làm DXCL là hợp lý. Sự hợp lý ở đây, không nên nhìn một cách phụ thuộc vào DN hay cơ quan quản lý, mà cốt yếu là nhìn từ nhu cầu người tiêu dùng (NTD) và thị trường.
Cần nhắc lại rằng, ngày 8.10.2009, trong buổi gặp giữa liên bộ Tài chính - Công Thương với các DN và liên doanh sản xuất ôtô tại VN, mỗi DN đã đề cử sản phẩm của mình. Với tình hình DN nào chỉ biết tới lợi ích của DN ấy, Nhà nước không thể trông chờ vào ý kiến của họ đóng góp vì cái chung.
Ngược lại, căn cứ chọn lựa chính có sức hỗ trợ lớn đối với quyết định của Bộ Công Thương chính là doanh số bán xe của VAMA (Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô VN). Tính từ thời điểm tháng 4.2009 trở về trước, trong doanh số bán hàng của VAMA hằng tháng, dòng xe đa dụng và đa dụng thể thao luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất.
Sức mua càng mạnh hơn trước thời điểm Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi có hiệu lực (từ 1.4.2009, tăng thuế đối với dòng xe từ 6-9 chỗ ngồi). Sau đó, vì thuế tăng nên doanh số bán xe từ 6-9 chỗ ngồi những tháng gần đây liên tục giảm mạnh.
Sau quyết định của Bộ Công Thương, VAMA phát đi thông báo cho rằng không có ý kiến, thành viên có ý kiến riêng lẻ sẽ không liên quan tới VAMA. Động thái này cho thấy sự bất đồng về lợi ích trong nội bộ VAMA chưa thể dàn xếp.
Nhưng, phải khẳng định rằng lựa chọn DXCL là vì thị trường, vì xây dựng ngành công nghiệp ôtô VN chứ không vì cảnh “đèn nhà ai nấy rạng” của các thành viên VAMA. Sự lấn cấn còn lại của chọn lựa trên: Dung tích dưới 1,5 lít có hơi “yếu”? DXCL cho tương lai nếu chỉ định vị ở tiêu chuẩn khí thải Euro 2, e rằng bất cập khi tiêu chuẩn xanh ngày càng được nâng cao. Trong Vietnam Motor Show 2009 vừa diễn ra tại TPHCM, các hãng đã trình làng đến các dòng xe hybrid, hoặc đạt đến tiêu chuẩn khí thải Euro 4.
Phải điều chỉnh lại chính sách
Trong năm 2008, khi đất nước rơi vào đợt suy giảm kinh tế và lạm phát tăng cao, cùng với tình trạng ùn tắc giao thông trầm trọng tại Hà Nội và TPHCM, Bộ Tài chính đã kiến nghị tăng thuế đối với dòng xe từ 6-9 chỗ đang được sử dụng nhiều làm phương tiện đi lại cá nhân.
Bộ Công Thương vào thời điểm tháng 6.2008 cũng có công văn đồng tình với phương án tăng thuế TTĐB của Bộ Tài chính. Thế nhưng sau đó hai tháng, chính Bộ Tài chính lại có kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại các mức thuế đối với dòng xe từ 6-9 chỗ trong dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi theo hướng giảm nhẹ hơn so với phương án của Bộ Tài chính. Kết quả, khi Luật Thuế TTĐB sửa đổi được Quốc hội thông qua, mức thuế TTĐB đối với dòng xe này từ 30% được nâng lên 45% (dung tích dưới 2 lít), 50% (từ 2 lít-3 lít) và 60% (trên 3 lít).
Quyết định của Bộ Công Thương chọn dòng xe 6-9 chỗ kéo theo các đề xuất về thuế: Giảm thuế TTĐB xuống mức 30%, giảm 50% phí trước bạ và thuế VAT, miễn - giảm thuế thu nhập DN, miễn thuế nhập máy móc và nguyên liệu phục vụ sản xuất... Mức độ ưu đãi như thế là cao. Và vấn đề có thể gặp phải gay cấn chính là quan điểm của Bộ Tài chính khi cách đây chưa lâu, chính bộ này đã đề xuất tăng mạnh thuế TTĐB đối với dòng xe 6-9 chỗ.
Tiếp đó là đề xuất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lại mức thuế vừa được điều chỉnh và áp dụng chưa đầy mười tháng. Có thể thấy một sự lòng vòng chỉ vì các cơ quan có chức năng quản lý ngành, cơ quan chức năng tham mưu chính sách và xây dựng luật thiếu tiếng nói chung.
Vấn đề quan trọng nhất vẫn còn là liệu chính sách ưu đãi như thế có kích thích được việc nội địa hoá, hay chỉ có tác dụng “vỗ béo” các nhà sản xuất như giai đoạn hơn mười năm qua?...
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com